Tượng Vua Quang Trung và La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (bên trái)
Làng Mật - địa linh sinh nhân kiệt
Một ngày tháng 10/2023, chúng tôi đến làng Mật xưa, nay là thôn Lũy, xã Kim Song Trường (Can Lộc), quê hương của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp. Đã 300 năm trôi qua kể từ ngày ông sinh ra, nơi đây vẫn còn lưu dấu bóng hình và tên tuổi của La Sơn.
Nguyễn Thiếp sinh ra tại làng Mật, xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn (Phủ Đức Thọ) nay là thôn Lũy, xã Kim Song Trường. Làng quê của ông nằm giữa cánh đồng thuộc triền sông La, được xem là một vùng đất tốt, nhiều ruộng và đông dân. Xung quanh làng Nguyệt Ao đều có núi bao bọc. Phía Đông Nam có núi Nhạc Sạc, ngọn núi này thường được La Sơn phu tử nhắc đến trong thi văn. Phía Đông Bắc của Nguyệt Ao là núi Hồng Lĩnh, nơi chứa nhiều truyền thuyết và thắng cảnh nổi tiếng vùng Hoan Châu... Cùng với làng Trường Lưu (xã Kim Song Trường), làng Tiên Điền (Nghi Xuân)..., làng Mật quê hương Nguyễn Thiếp cũng nổi tiếng với nhiều người hiếu học, đỗ đạt.
Một góc thôn Lũy (xã Kim Song Trường, Can Lộc) ngày nay.
Nguyễn Thiếp sinh ra trong dòng tộc có truyền thống khoa bảng, nhiều người đỗ đạt cao như: Tiến sỹ Nguyễn Bật Lãng, Tiến sỹ Nguyễn Hành (chú ruột Nguyễn Thiếp)... Mẹ Nguyễn Thiếp là con gái dòng họ Nguyễn Huy - Trường Lưu. Vì vậy, từ nhỏ ông đã được cha mẹ cũng như người chú chăm lo việc học hành. Với tư chất thông minh, ham học, năm 20 tuổi (1743), Nguyễn Thiếp đỗ Hương giải trong kỳ thi Hương.
Sau nhiều biến cố gia đình, ông lui về quê nhà ở ẩn. Mãi cho đến khóa thi Hội năm Mậu Thìn (1748), Nguyễn Thiếp mới tham dự kỳ thi và đỗ Tam trường. Ông được vua Lê cử làm Huấn đạo Anh Đô, sau đó là Tri huyện Thanh Chương. Tuy nhiên vào năm 1768, Nguyễn Thiếp xin từ quan về ở ẩn trên núi Bùi Phong (thuộc xã Nam Kim, Nam Đàn, Nghệ An) ngày nay.
Đền La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, di tích lịch sử cấp quốc gia tại thôn Lũy (xã Kim Song Trường, Can Lộc).
Tính từ lúc Nguyễn Thiếp sinh ra, lớn lên tại làng Mật cho đến lúc làm quan, ông có 34 năm gắn bó với quê hương Can Lộc. Cảnh sắc quê hương núi Hồng - sông La cũng như truyền thống văn hóa và con người đã hun đúc nên trí tuệ, tài năng, nhân cách con người Nguyễn Thiếp. Điều này đã được thể hiện trong những vần thơ của La Sơn phu tử ở Hạnh Am thi cảo.
Hiện ở thôn Lũy, bên cạnh đền thờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia còn có mảnh vườn nơi gia đình ông sinh sống. Tại đây, dòng tộc cũng đã xây dựng một nhà thờ riêng có tên là Hạnh Am (biệt hiệu của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp).
Con cháu là hậu duệ của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp dâng hương tại nhà thờ Hạnh Am, trong khuôn viên khu vườn dòng tộc, tại thôn Lũy (xã Kim Song Trường).
Anh Nguyễn Văn Thái (tộc trưởng dòng họ Nguyễn, hậu duệ đời thứ 8 của Nguyễn Thiếp ở thôn Lũy) cho biết: “Cụ Nguyễn Thiếp có một người vợ duy nhất là bà Đặng Thị Nghi (quê Nghi Xuân, là chị em ruột với vợ của Tiến sỹ Nguyễn Khản, anh trai Đại thi hào Nguyễn Du). Ông bà có 9 người con (5 trai, 4 gái), ngoài người con trai đầu mất sớm, 4 con trai còn lại lập nghiệp ở nhiều vùng miền khác nhau.
Trong đó, con trai út sinh trưởng tại quê hương đến nay đã đến đời thứ 9. Hằng năm đến dịp giỗ Nguyễn Thiếp vào ngày 25 tháng Chạp, ngoài làm lễ ở đền thờ, con cháu khắp mọi miền cũng về tề tựu tại mảnh đất hương hỏa để thắp hương cho cụ”.
Viện Sùng Chính trên núi Bùi Phong
Rời làng Mật, nơi chôn rau cắt rốn của La Sơn phu tử, chúng tôi ngược về hướng Tây Bắc chừng 20 km để tìm về núi Bùi Phong (nơi ẩn cư của Hạnh Am tiên sinh Nguyễn Thiếp). Vượt cầu Thọ Tường bắc qua dòng sông La xanh trong, qua xã Trường Sơn (Đức Thọ) đến địa phận xã Nam Kim (Nam Đàn, Nghệ An), núi Bùi Phong nổi bật trên dãy Thiên Nhẫn. Nơi đây bên cạnh khu lăng mộ của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp và vợ ông còn có dấu tích về ngôi nhà trong thời gian Nguyễn Thiếp ẩn cư từ năm 1768-1804.
Khu lăng mộ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp trên núi Bùi Phong (xã Nam Kim, Nam Đàn, Nghệ An).
Trong khói hương của hậu thế dâng lên, khu mộ Nguyễn Thiếp và vợ thâm trầm giữa rừng cây như nhắc nhớ về một ẩn sĩ không màng danh lợi mà lòng đau đáu với thế sự non sông. Ông Nguyễn Tùng Lĩnh - Trưởng phòng Quản lý Văn hóa (Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh) bày tỏ: “Mỗi lần đến đây, tôi càng thêm cảm phục chí khí, tài năng của La Sơn phu tử.
Điều đặc biệt là dù không màng danh lợi nhưng trước biến động thế sự khi ngoại bang xâm lược, tuổi đã cao, người con của quê hương núi Hồng - sông La ấy vẫn sẵn sàng phò vua diệt giặc. Tài năng, khí tiết, nhân phẩm và cống hiến của ông để lại cho hậu thế nhiều bài học, trong đó có tình yêu quê hương, đất nước”.
Di tích Viện Sùng Chính nơi La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp được vua Quang Trung giao làm chức viện trưởng, chăm lo việc cải cách giáo dục.
Kế bên khu lăng mộ là ngôi nhà của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đồng thời là Viện Sùng Chính do vua Quang Trung giao ông lập nên. Ngôi nhà vẫn còn nhiều dấu tích như: khuôn viên móng nhà, một số phần bức tường xây bằng đá ong nguyên khối, bức bình phong hình nguyệt trước cổng nhà... Khuôn viên Viện Sùng Chính có diện tích hơn 100 m2, gồm 3 phần: nhà chính, sân, thềm. Phía trước là bức bình phong có khoét hình nguyệt xây bằng đá và vôi vữa. Nhà có mặt hướng về dãy núi Đại Tuệ ở phía Bắc, lưng dựa vào đỉnh Hoàng Tâm (đỉnh cao nhất của núi Bùi Phong) ở hướng Nam. Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Hồng (khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh), hướng và cấu trúc ngôi nhà cho thấy La Sơn phu tử là bậc thầy phong thủy.
Đây là nơi sau khi về ở ẩn (từ năm 1768), Nguyễn Thiếp sống cuộc sống thanh bần không màng danh lợi. Ông cùng vợ con vừa làm nông, đọc sách, làm thơ, dạy học. Tuy vậy, danh tiếng về tài năng lỗi lạc của Nguyễn Thiếp vẫn vang xa khắp cả nước. Các vua, chúa nhiều lần mời ông ra làm việc với sự đãi ngộ hậu hĩnh, trong đó có 2 lần Nguyễn Huệ gửi thư mời nhưng Nguyễn Thiếp từ chối.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Hồng (bên phải, khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh) cùng ông Nguyễn Tùng Lĩnh (Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh) tìm lại những dấu tích của Viện Sùng Chính.
Cuối năm 1788, khi Lê Chiêu Thống rước 29 vạn quân Thanh xâm lược nước ta, vua Quang Trung từ Phú Xuân ra Bắc đánh giặc, Nguyễn Thiếp đã nhận lời phò trợ. Nhờ sự quân sư hiến kế của Nguyễn Thiếp cùng các nhân tài khác, Nguyễn Huệ đã thần tốc đánh bại quân Thanh xâm lược, giành lại bờ cõi núi sông, đất nước vào mùa xuân Kỷ Dậu (1789).
Sau khi đất nước hòa bình, Nguyễn Thiếp được nhà vua cử làm Chánh chủ khảo cuộc thi Hương ở Nghệ An, sau đó lại được giao giữ chức Viện trưởng Viện Sùng Chính trên núi Bùi Phong. Tại đây Nguyễn Thiếp đã dành cả tâm huyết của mình lo biên dịch các sách chữ Hán sang chữ Nôm, thực hiện các biện pháp cải cách giáo dục, đào tạo nhân tài. Dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng triều đại nhà Tây Sơn được các nhà nghiên cứu đánh giá có nhiều thành tựu nổi bật, trong đó, công cuộc cải cách giáo dục do La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp dày công thực hiện.
Ngoài khu lăng mộ Nguyễn Thiếp, dấu tích Viện Sùng Chính, trên dãy Thiên Nhẫn còn có thành Lục Niên, tòa thành do Lê Lợi và Nghĩa quân Lam Sơn xây dựng nên cũng gắn bó với cuộc đời La Sơn phu tử khi ông về đây ở ẩn.
Một phần bức tường còn sót lại của Viện Sùng Chính, trên núi Bùi Phong
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Hồng bày tỏ: “Nguyễn Thiếp là một danh nhân kiệt xuất, tài năng và sự cống hiến của ông cho dân tộc trên nhiều lĩnh vực như: chính trị, quân sự, văn học, địa lý... vô cùng to lớn. Điều đó cho thấy cần nghiên cứu để vinh danh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của La Sơn phu tử. Một trong những việc làm cần thiết hiện nay là cần phải phục hồi, trùng tu các di tích, di sản hiện vẫn còn dấu tích như Viện Sùng Chính, nơi ông có nhiều năm gắn bó, cống hiến”.
Rời núi Bùi Phong trong một chiều thu, khi những vạt nắng khuất dần sau dãy Thiên Nhẫn, khu lăng mộ La Sơn phu tử, di tích Viện Sùng Chính, thành Lục Niên..., chúng tôi bâng khuâng nghĩ về tiền nhân. Đã 300 năm ngày sinh La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp và hơn 200 năm kể từ khi ông đi xa nhưng những đóng góp của nhà hiền triết cho đất nước và tài năng, nhân cách của ông vẫn sáng mãi trong lòng dân tộc.