Tô thắm trang sử vàng vùng đất học Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Song hành với sự phát triển của quê hương, ngành GD&ĐT Hà Tĩnh không ngừng gặt hái những kết quả đáng tự hào. Trong hành trình ấy, có công lao to lớn của nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên đã bền bỉ, tâm huyết “truyền lửa” cho học sinh trên vùng đất học.

Nhà giáo Nhân dân Bùi Thân: Điển hình phong trào xây dựng trường tiên tiến

Bước sang tuổi 90, sức khỏe đã yếu nhưng Nhà giáo nhân dân (NGND) Bùi Thân vẫn tìm đọc những cuốn sách hay, các báo, tạp chí, các trang mạng và ghi chép những điều tâm đắc vào một cuốn sổ nhỏ.

Tô thắm trang sử vàng vùng đất học Hà Tĩnh

Nhà giáo Nhân dân Bùi Thân, người “thắp lửa” phong trào xây dựng trường học tiên tiến trong thời kỳ khó khăn của ngành GD&ĐT.

“Năm 1949, sau những tháng ngày vừa làm thuê, vừa đi học, tôi rời quê hương Tùng Ảnh (Đức Thọ) để bắt đầu gắn bó với bảng đen, phấn trắng, với các em học sinh ở Thạch Hà. Ngày ấy, giáo dục Hà Tĩnh còn khó khăn lắm, trường học mượn tạm nhà dân hoặc đặt tại các đình, chùa. Giáo viên không có lương, phụ cấp thì ít ỏi. Lúc ấy, cuộc sống của Nhân dân còn chật vật, nhưng họ thà đói cơm chứ không để con đói chữ, vì thế, bà con tình nguyện nuôi chúng tôi trong nhà” - thầy Thân bắt đầu câu chuyện của mình.

Thời kỳ ấy, mỗi giáo viên đều thực hiện 2 nhiệm vụ. Ban ngày dạy học ở trường để thực hiện mục tiêu phổ cập, đêm về lại cùng ngọn đèn dầu đi khắp làng trên, xóm dưới để xóa mù chữ cho dân. Trong khó khăn, trong lửa đạn chiến tranh, phong trào thi đua 2 tốt vẫn được “thắp lửa” dưới những mái trường. Không có sách, các thầy cô cùng nhau soạn sách, thiếu giáo viên, các trường thực hiện mô hình “lớp treo” (một người phụ trách nhiều lớp).

Để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu dạy học của từng giai đoạn, mỗi kỳ nghỉ hè, thầy Thân lại cơm đùm cơm nắm, đạp xe ra Thanh Hóa để học nâng cao. Cứ như thế trong suốt chặng đường phấn đấu tự học, tự đọc, tự ghi chép, thầy Thân dần hoàn thiện năng lực của mình. Trong hơn 40 năm gắn bó với học sinh (từ 1949-1991), trải qua nhiều vị trí, từ giáo viên đến quản lý giáo dục, thầy Thân luôn là hạt nhân trong phong trào xây dựng trường tiên tiến ở huyện Thạch Hà (cũ). Trong đó, hơn 20 năm gắn bó với Trường Cấp 2 Thạch Linh ở vị trí Phó Hiệu trưởng và Hiệu trưởng (1967 - 1989), thầy đã góp sức xây dựng ngôi trường này trở thành điển hình tiên tiến cấp tỉnh.

Sự tận tụy, tâm huyết và tinh thần không ngừng tự học của thầy đã tiếp sức cho các học sinh nghèo. Từ những lớp học tạm bợ được làm bằng tranh tre nứa lá, nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành, đi khắp muôn phương, trong đó có người tiếp nối con đường thầy đã chọn. Nỗ lực của những người gieo chữ, tinh thần hiếu học của người dân là yếu tố góp phần để Hà Tĩnh trở thành tỉnh đầu tiên trên cả nước xóa mù chữ vào năm 1949, để ngọn đèn làng học Cẩm Bình vẫn luôn tỏa sáng.

Nhà giáo Nhân dân Lê Đức Quý - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT: Đóng góp lớn cho ngành GD&ĐT giai đoạn tái lập tỉnh

Trong chặng đường phát triển của giáo dục Hà Tĩnh, NGND Lê Đức Quý (SN 1947, ở xã Thạch Châu, Lộc Hà) - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT (từ 2001-2007) được xem là một trong những người có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục Hà Tĩnh giai đoạn tái lập tỉnh.

Tô thắm trang sử vàng vùng đất học Hà Tĩnh

Nhà giáo Nhân dân Lê Đức Quý vẫn luôn trăn trở, dõi theo sự phát triển của giáo dục Hà Tĩnh

Gắn bó với sự nghiệp giáo dục từ năm 1970, sau 26 năm giảng dạy, làm công tác quản lý tại các trường THPT, năm 1996, thầy Quý về công tác tại Sở GD&ĐT với cương vị Phó Giám đốc và sau đó là Giám đốc, đến năm 2007 thì nghỉ hưu.

“Thời kỳ tái lập tỉnh, ngành giáo dục Hà Tĩnh đứng trước nhiều khó khăn, thử thách khi đội ngũ giáo viên thiếu, trường lớp manh mún, cơ sở vật chất còn nhiều bất cập. Thế nhưng, với sự quan tâm của chính quyền các cấp, của Nhân dân, sự nỗ lực của cán bộ, giáo viên, học sinh, ngành giáo dục Hà Tĩnh tiếp tục kiên định với những mục tiêu: xóa mù chữ, phổ cập và xây dựng cơ sở vật chất trường lớp” - thầy Quý nhớ lại.

Từ sự tham mưu của Sở GD&ĐT, trong đó có cá nhân thầy Quý, tỉnh đã có những chủ trương, chính sách mới, kịp thời về GD&ĐT. Theo đó, ngay sau ngày tái lập tỉnh, Trường Năng khiếu Hà Tĩnh (nay là Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh) đã được thành lập để phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, tạo tiền đề cho việc nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn. Tiếp đó, năm 2001, Tỉnh ủy cũng đã ban hành Nghị quyết 03-NQ/TU về đẩy mạnh thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục và phổ cập giáo dục THCS giai đoạn 2001-2005 nhằm huy động toàn xã hội tham gia phát triển GD&ĐT…

Với trách nhiệm, tâm huyết của mình, thầy Quý đã cùng với lãnh đạo ngành giáo dục lúc bấy giờ không ngừng nỗ lực đưa các chủ trương, nghị quyết của tỉnh về công tác giáo dục vào thực tiễn. Những ngôi trường mới kiên cố được xây dựng trên khắp các vùng quê từ miền ngược đến miền xuôi. Phong trào học tập lan tỏa sâu rộng, thu hút 100% học sinh trong độ tuổi đến trường. Năm 1992, Hà Tĩnh trở thành 1 trong 7 địa phương đầu tiên của cả nước được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ. Giai đoạn này, ngành cũng tập trung thực hiện chủ trương quy hoạch lại hệ thống trường lớp. Từ 1.178 trường trong năm học 1992 - 1993, đến nay, Hà Tĩnh chỉ còn 667 trường.

Cô Lê Thị Hoài - giáo viên Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh: Truyền lửa đam mê, phát huy năng lực tự học của học sinh

Tình yêu nghề, sự tâm huyết, tận tụy của các thế hệ thầy cô đã tạo động lực cho lớp lớp học sinh trên vùng đất học Hà Tĩnh không ngừng cố gắng. Nhiều người đã trở thành kỹ sư, bác sỹ, bộ đội, công an…; cũng có người đã tiếp bước thầy cô để tiếp tục sự nghiệp “trồng người”. Cô Lê Thị Hoài (SN 1986), giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh là một trong số đó.

Tô thắm trang sử vàng vùng đất học Hà Tĩnh

Với sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy, cô Lê Thị Hoài - giáo viên Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh đã góp phần truyền lửa đam mê, giúp học sinh phát huy năng lực tự học.

Cô Hoài cho biết: “Từ khi còn là học sinh Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, tôi đã được các thầy cô “truyền lửa” niềm đam mê học tập, khát vọng vươn tới ước mơ. Tôi cũng đã ao ước một ngày sẽ được đứng trên bục giảng để tiếp tục sự nghiệp cao cả của thầy cô”.

Sau khi tốt nghiệp năm 2008, cô Lê Thị Hoài được về dạy tại Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, sát cánh với thầy cô giáo cũ để cùng thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, những sáng kiến kinh nghiệm đổi mới phương pháp dạy học, học đi đôi với hành của cô đã phát huy được năng lực tự học, tự nghiên cứu cho mỗi học sinh. Những giờ học Lịch sử đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc, cung cấp cho học sinh nền tảng kiến thức, văn hóa - điều cần thiết trong thời kỳ đất nước đang trên đà hội nhập quốc tế.

13 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, thành tích của cô giáo trẻ không chỉ là danh hiệu giáo viên giỏi tỉnh, hay việc hoàn thành chương trình cao học, mà điều quan trọng nhất là kinh nghiệm giảng dạy được bồi đắp theo thời gian. Dưới sự dìu dắt của cô và các đồng nghiệp, từ năm 2015 đến nay, đã có 53 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử. Ngoài ra, 4 năm cô hướng dẫn học sinh các đề tài tham gia Cuộc thi Sáng tạo KHKT thì cả 4 đề tài đều đạt giải quốc gia, trong đó có 1 giải nhì, 2 giải ba và 1 giải khuyến khích.

Lời di huấn của Bác “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt” đã trở thành kim chỉ nam để các thế hệ nhà giáo không ngừng phấn đấu, rèn luyện. Từ những tấm gương của người đi trước, thế hệ trẻ đã kế thừa và phát huy truyền thống, viết tiếp trang sử vàng của vùng đất học Hà Tĩnh bằng những dấu ấn đáng tự hào.

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống