Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu và hành trình trở thành Di sản tư liệu ký ức thế giới

(Baohatinh.vn) - Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689-1943) được vinh danh Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương là cơ sở, điều kiện để Hà Tĩnh xây dựng làng văn hóa - du lịch Trường Lưu thành một địa chỉ văn hóa du lịch mang tầm quốc tế.

Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu và hành trình trở thành Di sản tư liệu ký ức thế giới

Đại diện đoàn Việt Nam nhận chứng nhận Di sản tư liệu ký ức thế giới châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO dành cho Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu.

Sáng 26/11/2022, tại thành phố An Đông, tỉnh Gyeongsangbuk-do, Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) họp lần thứ 9 đã bỏ phiếu bầu chọn Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689 - 1943) là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Trần Xuân Lương, thành viên Đoàn Hà Tĩnh tham dự kỳ họp cho biết: “Mặc dù chúng ta đã có sự chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng về các tiêu chí, quy chuẩn của UNESCO nhưng trước các thành viên hội đồng quốc tế đến từ nhiều nước, chúng tôi không tránh khỏi hồi hộp, lo lắng. Sau phiên bỏ phiếu với kết quả ủng hộ rất cao, tất cả thành viên đoàn UNESCO Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng đều vỡ òa vì xúc động, hạnh phúc”.

Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu và hành trình trở thành Di sản tư liệu ký ức thế giới

Tiến sỹ Nguyễn Huy Mỹ giới thiệu với Nhà báo Bùi Minh Huệ về một sắc phong trong bộ sưu tập Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu. Ảnh chụp tháng 3/2022.

Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) do Tiến sỹ Nguyễn Huy Mỹ chủ trì sưu tầm, thẩm định và cùng tỉnh Hà Tĩnh xây dựng hồ sơ trình UNESCO. Đây là Bộ sưu tập viết bằng chữ Hán và chữ Nôm gồm 48 tư liệu của 3 dòng họ (Nguyễn Huy, Trần Văn và họ Hoàng) tại làng Trường Lưu (trước đây thuộc xã Trường Lộc, nay là xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc).

Trong đó, 26 tư liệu là các sắc phong thời kỳ Nhà Lê và Nhà Nguyễn (1689-1943), trong tôn vinh - ban thần, ban mỹ tự - trong ban tước, phong chức; 19 văn bản hành chính do chính quyền địa phương gửi cho người dân thuộc xã Trường Lưu dưới thời Nguyễn (1803-1943) và 3 bức trướng có kích thước 97x197cm, 121x177cm và 70x127cm tặng cho các cá nhân nhân dịp mừng thọ, đỗ đạt (gồm: bà Phan Thị Trừu nhân dịp mừng thọ bà 80 tuổi, khen Nguyễn Huy Quýnh đỗ tiến sỹ và mừng thọ 70 tuổi Nguyễn Huy Cầu).

Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu và hành trình trở thành Di sản tư liệu ký ức thế giới

Một tài liệu văn bản hành chính do chính quyền gửi cho người dân xã Trường Lưu thuộc bộ sưu tập.

Các tài liệu được Tiến sỹ Nguyễn Huy Mỹ sưu tầm từ các nhà thờ dòng họ, điện thờ... tại làng Trường Lưu. Phần lớn tài liệu được bảo quản cẩn thận, giữ nguyên bản, chữ và con dấu của nhà vua rõ ràng. Đặc biệt, 6/48 tài liệu có nội dung về bình đẳng giới, bao gồm 5 sắc lệnh tôn vinh vai trò của phụ nữ, như: “Thánh Mẫu”, “Thưa bà”, “Tấm gương trung thành hoàn hảo”, "Ví dụ về đức hạnh”…

Hồ sơ Văn bản Hán Nôm làng văn hóa Trường Lưu (1689-1943) trình UNESCO khẳng định: “Bộ sưu tập là bằng chứng xác thực cho các nghiên cứu liên quan đến lịch sử, giáo dục, chính trị, văn hóa, danh nhân, bình đẳng giới và ca ngợi phụ nữ, truyền thống hiếu học, kính trọng người cao tuổi của một làng quê tiêu biểu Việt Nam cụ thể là làng Trường Lưu; giúp ích nhiều cho việc nghiên cứu lịch sử của đất nước trong một thời gian dài (1689-1943). Mỗi tài liệu được xem như một tác phẩm nghệ thuật nguyên bản".

Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu và hành trình trở thành Di sản tư liệu ký ức thế giới

Chứng nhận Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản tư liệu ký ức thế giới châu Á - Thái Bình Dương.

Di sản này là nguồn tư liệu quý giá để nghiên cứu những giá trị truyền thống chung có nguồn gốc sâu xa, nhấn mạnh việc tu dưỡng bản thân và giáo dục gia đình ở các nước châu Á. Đây cũng là những tài liệu quý giá để tìm hiểu về việc áp dụng và thực hành chế độ khoa cử Nho học nhằm tuyển dụng người tài phục vụ đất nước trong chế độ quân chủ Việt Nam và tác động của nó đối với giáo dục, phát triển văn hóa và đời sống của cơ sở...

Tiến sỹ Nguyễn Huy Mỹ cho biết: “Để xây dựng thành công hồ sơ Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, chúng tôi mất khá nhiều thời gian. Không kể thời gian trước đó, thì tính từ năm 2019, sau khi tổ chức thành công hội thảo khoa học quốc tế nghiên cứu giá trị di sản Hán Nôm thế kỷ XVII - XX của dòng họ Nguyễn Huy, huyện Can Lộc, việc sưu tầm, nghiên cứu, thẩm định mới bắt đầu diễn ra tập trung và mở rộng đến các dòng họ khác. Sau 3 năm tích cực sưu tầm, nghiên cứu, nhiều lần chỉnh sửa chúng tôi đã hoàn thành hồ sơ để trình lên UNESCO trong kỳ họp thứ 9 này".

Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu và hành trình trở thành Di sản tư liệu ký ức thế giới

Cho đến nay, Làng văn hóa Trường Lưu (Can Lộc) đã có 3 di sản được công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Nhà cổ hàng trăm năm tuổi tại Trường Lưu

Cùng với Hoàng hoa sứ trình đồ, Mộc bản trường học Phúc Giang đã được vinh danh trước đó, việc Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689-1943) được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong dịp này có ý nghĩa rất lớn.

Đặc biệt, nếu 2 di sản trước chỉ dừng lại ở dòng họ Nguyễn Huy thì di sản Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu có sự tham gia của 3 dòng họ. Điều đó cho thấy, việc xây dựng hồ sơ di sản văn hóa đang dần được nhiều dòng họ, làng quê khác quan tâm.

Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu và hành trình trở thành Di sản tư liệu ký ức thế giới

Đoàn Ủy ban UNESCO Việt Nam chụp ảnh lưu niệm sau hội nghị.

Tiến sỹ Võ Hồng Hải - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy (cố vấn Đoàn UNESCO Việt Nam) cho biết: “Cùng với Mộc bản trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ, việc Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu vừa được Hội đồng UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới châu Á - Thái Bình Dương đã góp phần khẳng định giá trị mang tầm nhân loại của các di sản văn hóa nêu trên. Đồng thời cho thấy hướng đi đúng đắn của Hà Tĩnh trong việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa thời gian qua.

Những kết quả đã được công nhận là cơ sở, điều kiện thuận lợi để tỉnh thực hiện việc xây dựng làng văn hóa - du lịch Trường Lưu thành một địa chỉ văn hóa du lịch mang tầm quốc tế như nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã xây dựng thành công".

Cùng với Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu vừa được công nhận, Hà Tĩnh đã có 5 di sản văn hoá được UNESCO vinh danh gồm: Ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại; Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Mộc bản trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ là Di sản tư liệu ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Chủ đề Đời sống văn hóa

Chủ đề Di sản văn hóa làng Trường Lưu

Đọc thêm

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.
“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

Trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay, Stêphannô Nguyễn Khắc Dương, quê ở xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một tu sĩ được rất nhiều giám mục, linh mục, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo biết đến và rất kính trọng.
Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã tích cực gắn kết lương giáo, chung sức xây dựng, điểm tô cho bức tranh quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Một chiều như mọi chiều, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những con phố cổ xưa của Thành Sen để ngắm nhìn những sắc màu mới đan xen màu ký ức. Xuôi về phía biển, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hân hoan dào lên trong tôi - thành phố Hà Tĩnh đã mở rộng về bốn phía, làm dậy lên bao xúc cảm.