Ví, giặm ngân vang mãi trên đôi bờ sông Lam...

(Baohatinh.vn) - Là viên ngọc trong kho báu văn hóa dân gian được cư dân hai bên bờ sông Lam tạo nên từ hàng trăm năm qua, kể từ sau khi được UNESCO vinh danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, dân ca ví, giặm ngày càng được Nhân dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh gìn giữ, phát huy.

Video: Trích đoạn diễn xướng "Sông Lam chiều nắng đỏ"

Ngân vang đôi bờ…

Những ngày cuối tháng 7/2023, câu ví, giặm như vang vọng khắp miền quê Nghệ An và Hà Tĩnh, khi 2 tỉnh bờ Bắc và bờ Nam sông Lam đều đồng thời tổ chức các cuộc liên hoan dân ca ví, giặm cấp cụm, cấp tỉnh để hướng tới liên hoan liên tỉnh sẽ được tổ chức thời gian tới.

Tại Nghệ An, liên hoan ví, giặm được tổ chức trên toàn tỉnh theo cấp cụm, với 4 cụm quy tụ gần 50 CLB tiêu biểu đến từ 21 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh. Tại cụm IV, TX Thái Hòa (gồm 12 CLB đến từ Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong và TX Thái Hòa), liên hoan diễn ra trong không khí sôi nổi, hào hứng với sự tham gia của hàng trăm nghệ nhân, diễn viên.

Ví, giặm ngân vang mãi trên đôi bờ sông Lam...

Tiết mục “Thái Hòa ngày mới” do CLB dân ca ví giặm xã Đông Hiếu (TX Thái Hòa. Nghệ An) biểu diễn, đạt giải A Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, cụm IV, tỉnh Nghệ An năm 2023.

Nghệ nhân Ưu tú Trần Văn Hồng - Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm Đông Hiếu (TX Thái Hòa) bày tỏ: “Việc tỉnh Nghệ An tổ chức liên hoan dân ca ví, giặm năm 2023, tiến tới phối hợp với Hà Tĩnh tổ chức liên hoan cấp liên tỉnh mang lại cho chúng tôi niềm phấn khởi và tự hào.

Bởi, cũng đã khá lâu mới có một ngày hội để các CLB dân ca 2 tỉnh có cơ hội giao lưu, thể hiện những gì đã luyện tập, giữ gìn di sản cha ông. Do vậy, ngay từ liên hoan cấp cụm, chúng tôi đã nỗ lực, chuẩn bị những tiết mục đặc sắc nhất để tham gia”.

Ví, giặm ngân vang mãi trên đôi bờ sông Lam...

Nghệ nhân Ưu tú Trần Văn Hồng (bên trái) - Chủ nhiệm CLB dân ca ví giặm Đông Hiếu.

Về tham dự liên hoan dân ca ví, giặm cấp cụm, CLB Đông Hiếu có 35 thành viên, dàn dựng và dự thi 4 tiết mục. Kết quả, Đông Hiếu giành giải nhất, trong đó có 2 tiết mục đạt giải A, CLB cũng giành 1 trong 12 “suất” đại diện cho tỉnh Nghệ An tham dự Liên hoan dân ca ví, giặm liên tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh được tổ chức tại TP Vinh sắp tới.

Dịp trung tuần tháng 7 vừa qua, Hà Tĩnh cũng tổ chức Liên hoan dân ca ví, giặm toàn tỉnh năm 2023, với sự tham gia của 13 CLB tiêu biểu đến từ các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Liên hoan đã quy tụ trên 400 nghệ nhân, diễn viên, thể hiện 43 tiết mục dự thi.

Kết quả, ban tổ chức đã trao 15 giải A, 9 giải B, 8 giải C cho các tiết mục; 2 giải nhất cho CLB Dân ca ví, giặm phường Nam Hà (TP Hà Tĩnh) và CLB Nguyễn Công Trứ (Nghi Xuân). Đồng thời tìm ra 8 CLB xuất sắc nhất để tham dự Liên hoan dân ca ví giặm liên tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh.

Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thế Nhuần (CLB Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên) cho biết: “Liên hoan thêm một lần thổi bùng sức sống của câu hò, điệu ví - di sản quý báu mà Nhân dân xứ Nghệ đã nuôi dưỡng bao đời. Qua đó thúc đẩy phong trào hát dân ca ví, giặm thêm sâu rộng trong quần chúng nhân dân”.

Ví, giặm ngân vang mãi trên đôi bờ sông Lam...

Một số tiết mục nổi bật tại Liên hoan ví, giặm toàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2023. Ảnh: (1)- “Trai Xa Lang, gái làng cau” của CLB Dân ca ví, giặm xã Sơn Trường (Hương Sơn); (2) - “Thử lòng chung thủy” của CLB Dân ca ví, giặm phường Nam Hà (TP Hà Tĩnh); (3)- Xẩm lẩy Kiều - xẩm Kiều xây dựng nông thôn mới của CLB Dân ca ví, giặm Nguyễn Công Trứ (Nghi Xuân); (4) "Con thuyền ví, giặm" của CLB dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên)

Với sự chuẩn bị công phu và tâm huyết của tập thể các nghệ nhân, diễn viên cũng như sự hỗ trợ của chính quyền các địa phương, các CLB dân ca ví, giặm “đôi bờ” sông Lam đã mang đến các liên hoan hàng trăm tiết mục, thể hiện sự đa dạng trong cách tìm tòi, thể hiện cách bảo tồn, gìn giữ và phát huy các làn điệu dân ca ví, giặm.

Cùng với phục dựng không gian diễn xướng, hát đối đáp lời cổ, các đơn vị còn đưa hơi thở thời hiện đại vào các câu hò, điệu ví… khiến di sản của ông cha càng gần gũi hơn trong nhịp sống hôm nay. Đặc biệt, việc quy tụ hàng nghìn nghệ nhân, diễn viên tham gia, các liên hoan đã tạo nên không gian ví, giặm rộng lớn, giúp cho di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thêm lan tỏa sức sống trên mỗi miền quê Nghệ An - Hà Tĩnh.

Ví, giặm lung linh tỏa sáng

Từ lâu, dân ca ví, giặm là niềm tự hào của Nhân dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Kể từ sau khi được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 27/11/2014, niềm tự hào đó càng được nhân lên. Trong gần 1 thập kỷ qua, chính quyền, người dân 2 tỉnh đã chung sức, chung lòng nỗ lực để bảo tồn và phát huy di sản theo hướng thích ứng với thời đại.

Ví, giặm ngân vang mãi trên đôi bờ sông Lam...

Diễn xướng “Hội phường ví giặm nhà nông” do CLB dân ca xã Thuận Lộc (TX Hồng Lĩnh) biểu diễn tại Liên hoan dân ca ví, giặm toàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2023.

Trong đó, bên cạnh việc luân phiên tổ chức liên hoan dân ca ví, giặm giữa 2 tỉnh, thời gian qua, chính quyền các cấp, ngành và địa phương của 2 tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách để tăng cường công tác bảo tồn di sản.

Tại Hà Tĩnh từ năm 2018, HĐND tỉnh đã ra Nghị quyết số 93/2018/ NQ-HĐND ngày 18/7/2018 về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ca trù, trò Kiều, Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ, giai đoạn 2018-2025 và những năm tiếp theo.

Riêng với dân ca ví, giặm, Nghị quyết số 93 nêu rõ một số mục tiêu như: phấn đấu trên 90% đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn có CLB dân ca ví, giặm hoạt động hiệu quả; 100% các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đưa nội dung dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vào truyền dạy, 100% giáo viên âm nhạc được đào tạo, tập huấn về dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; phục dựng từ 5-7 không gian diễn xướng dân ca ví, giặm, gắn với việc khai thác, phát triển du lịch và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa…

Ví, giặm ngân vang mãi trên đôi bờ sông Lam...

Hà Tĩnh đã có 3 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Trong ảnh: Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Ban và Vũ Thị Thanh Minh.

Cùng với mục tiêu, tỉnh cũng đã ban hành chính sách về chế độ đãi ngộ như: các CLB dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh mới thành lập, năm đầu được hỗ trợ 30 triệu đồng/CLB; hỗ trợ: 5 triệu đồng/CLB/năm hoạt động thường xuyên; đối với nghệ nhân, ngoài việc chi trả phụ cấp hằng tháng cho các nghệ nhân đã được phong tặng là nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú theo Nghị định số 109/2015/NĐ-CP, ngày 28/10/2015 của Chính phủ, tỉnh hỗ trợ cho mỗi nghệ nhân ưu tú 1 triệu đồng/tháng, nghệ nhân nhân dân 1,5 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh chính sách của tỉnh, một số địa phương như huyện Nghi Xuân, Hương Sơn còn có chế độ riêng hỗ trợ các CLB và nghệ nhân của địa bàn mình. Nhờ đó, Hà Tĩnh đã thành lập được 176 CLB dân ca ví, giặm cấp xã, phường, thị trấn và hàng trăm CLB dân ca trong trường học, tổ chức, đoàn thể khác. Toàn tỉnh đã có 3 nghệ nhân dân ca ví, giặm được Nhà nước phong tặng nghệ nhân nhân dân, hàng chục nghệ nhân được phong tặng nghệ nhân ưu tú.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Trọng Tuấn - Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm Nguyễn Công Trứ (Nghi Xuân) bày tỏ: “Sự quan tâm của các cấp chính quyền, đặc biệt là Nghị quyết 93 của HĐND tỉnh là một “cú hích” giúp những người làm công tác bảo tồn chúng tôi thêm động lực, niềm tin và tâm huyết trong công tác bảo tồn di sản của cha ông”.

HĐND tỉnh Nghệ An cũng đã ra Nghị quyết 29/2021/NQ-HĐND, ngày 9/12/2021, về quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, CLB trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và nghệ sỹ đang làm việc tại Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An. Theo đó, các nghệ nhân khi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú thì ngoài các chế độ được hưởng theo quy định, được tỉnh hỗ trợ thêm mỗi nghệ nhân ưu tú 1 triệu đồng/ tháng, nghệ nhân nhân dân 1,5 triệu đồng/tháng. Đối với các CLB dân ca ví, giặm hỗ trợ 30 triệu đồng/CLB thành lập mới và hỗ trợ 5 triệu đồng/CLB/năm cho CLB hoạt động thường xuyên.

Ví, giặm ngân vang mãi trên đôi bờ sông Lam...

Nghị quyết 29/2021/NQ-HĐND của tỉnh Nghệ An có những đãi ngộ cho các nghệ sỹ đang công tác tại Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An.

Đối với nghệ sỹ đang làm việc tại Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh, nếu đạt các huy chương vàng, bạc hay các giải nhất, nhì, xuất sắc ở các kỳ liên hoan cấp toàn quốc sẽ nhận mức hỗ trợ lần lượt 3-2 triệu đồng/tháng/người đối với cá nhân; đối với tập thể sẽ phân loại ra từng vai trò trong tác phẩm đạt giải, theo đó mức tối đa là 1,5 triệu đồng/người/tháng và tối thiểu là 600 nghìn đồng/người/tháng. Ngoài ra, các nghệ sỹ thuộc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An nếu đi học lên và cam kết về phục vụ sẽ được hỗ trợ chi phí tối đa 60 triệu đồng/khóa học…

Nghệ sỹ nhân dân Trịnh Hồng Lựu - Quyền Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An cho biết: “Nghị quyết 29 của HĐND tỉnh Nghệ An còn có những chính sách dành cho đội ngũ nghệ sỹ đang ngày đêm trực tiếp cống hiến cho di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là động lực to lớn để chúng tôi không ngừng phấn đấu trong công tác giữ gìn và phát huy dân ca ví, giặm”.

Video: NSND Trịnh Hồng Lựu kêu gọi chung tay bảo vệ di sản văn hóa dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Với những nỗ lực đó, đến nay, tỉnh Nghệ An đã thành lập được 130 CLB dân ca ví, giặm cấp xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh; tất cả các trường học bậc phổ thông đều có CLB văn nghệ dân gian thường xuyên sinh hoạt…

Chung sức, đồng lòng bảo tồn di sản văn hóa của cha ông bằng những việc làm thiết thực, Nghệ An và Hà Tĩnh đang ngày đêm làm cho dân ca ví, giặm ngân vang mãi trên đôi bờ sông Lam…

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Sở hữu giọng hát ngọt ngào, sâu lắng nhưng cũng đầy nội lực cùng ngoại hình xinh đẹp, nữ ca sĩ GenZ Hoàng Thu Hà (quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã xuất sắc vượt qua các vòng thi của Sao Mai xứ Nghệ 2024 để đoạt giải quán quân một cách đầy thuyết phục.
7 năm cõng bạn vào lớp

7 năm cõng bạn vào lớp

Trong suốt 7 năm, hành trình gắn bó với con chữ của Lê Xuân Thịnh Hưng (lớp 10A6, Trường THPT Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) luôn có sự đồng hành của 2 bạn Đức Công và Nhật Hào.
Những tài năng nhí tỏa sáng cùng ví, giặm

Những tài năng nhí tỏa sáng cùng ví, giặm

Những làn điệu ví, giặm ngọt ngào đang ngày ngày được lan tỏa nhờ các tài năng nhí ở Hà Tĩnh. Giọng hát của các em góp phần gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương.
Tuổi cao nêu gương sáng

Tuổi cao nêu gương sáng

Không chỉ có lối sống mẫu mực, giáo dục con cháu sống hiếu thuận, nhiều người cao tuổi ở Hà Tĩnh còn đi đầu, bước trước, thể hiện vai trò nêu gương sáng trong cộng đồng.
Vì sao cần có công trình về địa chí Hà Tĩnh?

Vì sao cần có công trình về địa chí Hà Tĩnh?

Hà Tĩnh là vùng đất cổ, có bề dày về truyền thống lịch sử, văn hóa, chính trị... nhưng đến nay vẫn chưa có công trình địa chí tổng quan về văn hóa, con người núi Hồng, sông La.