Khi tuổi trẻ say mê điệu hát dân ca ví giặm, ca trù

(Baohatinh.vn) - Nhận thức được ý nghĩa to lớn của việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã khơi dậy và lan tỏa mạnh mẽ phong trào hát dân ca ví giặm, ca trù trong giới trẻ, để tiếng hát của ông cha mãi ngân vang.

Video: Buổi sinh hoạt CLB Dân ca ví giặm và ca trù Trường THPT Nguyễn Công Trứ

Tháng ba, khi mùa xuân khiến đất trời bừng sáng, cây cối đâm chồi, nẩy lộc, những miền quê Nghi Xuân càng thêm căng tràn sức sống bởi những câu ca, điệu ví vang ngân trên những sân trường, thôn quê… Đến thăm Trường THPT Nguyễn Công Trứ (thị trấn Xuân An) trong một giờ học ngoại khóa, chúng tôi mới cảm nhận hết không khí sôi nổi của phong trào hát dân ca ví giặm, ca trù của những ĐVTN đang ngồi trên ghế nhà trường.

Vừa ngưng giọng ngân rung khá điêu luyện một bài hát thể “tứ quý” của ca trù, em Phan Thị Quỳnh Trâm (học sinh lớp 12A1, thành viên CLB Dân ca ví giặm và ca trù Trường THPT Nguyễn Công Trứ) cho biết: “Từ nhỏ em đã được nghe các làn điệu dân ca ví giặm, ca trù nhưng chỉ vào THPT em mới có cơ hội sinh hoạt, tập luyện cùng bạn bè. Dưới sự hướng dẫn của các thầy cô và thế hệ nghệ nhân đi trước, mỗi ngày em càng thấy say mê câu hát của ông cha để lại”.

Khi tuổi trẻ say mê điệu hát dân ca ví giặm, ca trù

Em Phan Quỳnh Trâm biểu diễn ca trù và giành giải A, tại Liên hoan Ca trù toàn huyện Nghi Xuân lần thứ III, cuối tháng 12/2021.

Quỳnh Trâm là một trong những thành viên có năng khiếu nổi bật của CLB Dân ca ví giặm và ca trù Trường THPT Nguyễn Công Trứ. Em vừa đạt giải A tại Liên hoan Ca trù toàn huyện Nghi Xuân năm 2021. Ở trường, Quỳnh Trâm được các thầy cô giao nhiệm vụ hướng dẫn các bạn trong CLB tìm hiểu và hát các thể loại ca trù trong mỗi buổi sinh hoạt.

Mặc dù phong trào hát dân ca trong trường học được Trường THPT Nguyễn Công Trứ khơi dậy trước đó nhưng theo chủ trương của các cấp, ngành, năm 2018, CLB Dân ca ví giặm và ca trù của nhà trường mới chính thức thành lập. Trong 4 năm qua, CLB luôn duy trì hoạt động đều đặn với 15 thành viên chính thức, được kiện toàn vào đầu năm học khi lứa thành viên là học sinh khối 12 ra trường và khối lớp 10 nhập học. Nguồn kinh phí hoạt động của CLB được hỗ trợ từ một phần trích từ ngân sách chi thường xuyên và một phần từ nguồn quỹ hoạt động của Đoàn trường.

Khi tuổi trẻ say mê điệu hát dân ca ví giặm, ca trù

Phong trào dân ca trong trường học đã khơi dậy trong tuổi trẻ Nghi Xuân niềm say mê những câu hát của ông cha.

Thầy Trần Thế Anh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ cho biết: “Cùng với sự quan tâm của chính quyền các cấp, chúng tôi luôn nhận thức rõ giáo dục, nâng cao ý thức bảo tồn di sản văn hóa quê hương cho học sinh đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Do vậy, bên cạnh đầu tư kinh phí, chúng tôi luôn khuyến khích và tạo điều kiện để CLB Dân ca ví giặm và ca trù của nhà trường phát huy hiệu quả các hoạt động, lan tỏa niềm say mê câu hát cha ông trong mỗi học sinh”.

Nhiều năm qua, phong trào hát dân ca trong trường học ở Nghi Xuân diễn ra sôi nổi. Hiện 100% trường học các cấp từ tiểu học đến THPT trên địa bàn huyện đã thành lập CLB dân ca ví giặm, ca trù, duy trì và sinh hoạt thường xuyên. Trong đó, 3 trường THPT trên địa bàn là: Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du và Nghi Xuân không chỉ lan tỏa mạnh mẽ phong trào hát dân ca mà còn là nơi đào tạo, ươm mầm nhiều nhân tố trẻ.

Khi tuổi trẻ say mê điệu hát dân ca ví giặm, ca trù

Rất nhiều gương mặt trẻ góp mặt trong Liên hoan ca trù huyện Nghi Xuân, dịp cuối năm 2021.

Dân ca ví giặm, ca trù... còn vang vọng trên quê hương Đại thi hào Nguyễn Du và các miền quê nông thôn mới, bởi đông đảo ĐVTN. Hiện, 15 xã và 2 thị trấn trên địa bàn Nghi Xuân đều thành lập các CLB dân ca ví giặm, ca trù, trò Kiều. Trong đó, thành viên là những người trẻ chiếm số lượng khá lớn, tiêu biểu như: CLB Dân ca ví giặm xã Đan Trường 12/24 thành viên là ĐVTN; CLB Ca trù xã Cổ Đạm có 20/30 thành viên là người trẻ...

Chị Lê Thị Thúy An - công chức văn hóa kiêm Chủ nhiệm CLB Dân ca ví giặm xã Đan Trường cho biết: “Thời gian qua, dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng CLB vẫn duy trì sinh hoạt, tập luyện. Ngoài sinh hoạt tập trung, mỗi tháng 1 lần, chúng tôi còn tương tác trao đổi trên nhóm Facebook, Zalo... Đặc biệt, thành viên là các bạn trẻ luôn hào hứng mong chờ dịch bệnh ổn định để có cơ hội mang những tiết mục dân ca ví giặm biểu diễn trên sân khấu lớn”.

Việc người trẻ ngày càng hào hứng với các làn điệu dân ca ví giặm, ca trù... là một tín hiệu đáng mừng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở huyện Nghi Xuân, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội hiện đại, người trẻ rất dễ bị thu hút bởi các hình thức văn nghệ tân thời và các loại hình giải trí khác... Có được điều đó là nhờ sự nỗ lực vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương. Trong đó, ngoài sự chỉ đạo chung của huyện, vai trò của đoàn thanh niên các cấp có ý nghĩa tiên quyết.

Khi tuổi trẻ say mê điệu hát dân ca ví giặm, ca trù

Các thành viên trẻ của CLB dân ca ví giặm xã Đan Trường biểu diễn trong chương trình phát động toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, năm 2020. Ảnh: tư liệu.

Anh Phạm Trung Thành - Bí thư Huyện đoàn Nghi Xuân cho biết: “Trong kế hoạch hoạt động hằng năm, chúng tôi luôn đưa phong trào hát dân ca vào một trong những nội dung quan trọng. Ngoài việc phối hợp cùng Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện tổ chức các cuộc thi, liên hoan dân ca ví giặm và ca trù định kỳ hằng năm, Huyện đoàn Nghi Xuân thường xuyên chỉ đạo các cấp đoàn cơ sở đưa nội dung hát dân ca vào các cuộc sinh hoạt cấp chi đoàn đến đoàn xã. Các chương trình biểu diễn văn nghệ chào mừng các ngày lễ bắt buộc các đơn vị tham gia đều phải dàn dựng ít nhất 1-2 tiết mục dân ca trong chương trình...

Với tinh thần tuổi trẻ Nghi Xuân luôn nêu cao ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, hằng năm, chúng tôi luôn xem phát triển phong trào hát dân ca ví giặm, ca trù, trò Kiều... là một nội dung quan trọng trong chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cơ sở”.

Việc các cấp chính quyền, đoàn thể ở huyện Nghi Xuân khơi dậy phong trào hát dân ca ví giặm, ca trù... trong người trẻ có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Bởi, khi người trẻ say mê sẽ mở ra một tương lai cho sự kế tục, để câu hát ông cha ngân mãi đến muôn đời sau...

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…