"Ở đâu có thông tin, ở đó có chúng tôi”!

(Baohatinh.vn) - Trong những tình huống đặc biệt, người làm báo Hà Tĩnh đã vào cuộc với tinh thần dấn thân, trách nhiệm của người cầm bút. Đó là câu chuyện nghề mà các nhà báo chia sẻ trong dịp kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Ở đâu có thông tin, ở đó có chúng tôi”!

Trong những tình huống khẩn cấp: bão lũ, thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn..., các nhà báo Hà Tĩnh luôn sẵn sàng lên đường.

Nhà báo Phúc Quang - Báo Hà Tĩnh:

Phòng chống dịch Covid-19 thôi thúc bước chân phóng viên ở tuyến đầu

Là phóng viên phụ trách mảng y tế, chịu trách nhiệm chính trên “chiến trường” chống dịch Covid-19, tôi luôn đặt mình trước yêu cầu tuyên truyền, phản ánh một cách chính xác để người dân nắm bắt thông tin, chủ động phòng tránh, đồng thời không hoang mang, lo lắng.

Ở đâu có thông tin, ở đó có chúng tôi”!

Nhà báo Phúc Quang tác nghiệp trên tuyến đầu chống dịch Covid-19

Được sự động viên, hỗ trợ của tòa soạn, tôi đã bám sát ngành y tế, kịp thời phản ánh diễn biến tình hình dịch trong tỉnh, trong nước và trên thế giới để thông tin cho người dân. Các bài viết, video khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng chống dịch của các chuyên gia y tế;

Các hoạt động chăm sóc, điều trị, cách ly tập trung được Báo Hà Tĩnh đăng tải thường xuyên, kịp thời với nhiều góc nhìn; những hành động chủ quan, thờ ơ của một bộ phận người dân trước dịch bệnh… đều được phản ánh đầy đủ, qua đó kêu gọi mỗi người dân chung sức cùng cả hệ thống chính trị đẩy lùi dịch bệnh.

Ở đâu có thông tin, ở đó có chúng tôi”!

Các thông tin liên quan đến dịch Covid-19 luôn được phản ánh kịp thời.

Thông tin kịp thời cho bạn đọc, song việc đảm bảo an toàn cho các phóng viên, biên tập viên luôn được tòa soạn đặt lên hàng đầu. Trong quá trình tác nghiệp, nhất là tại các cơ sở cách ly, bệnh viện, tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt các giải pháp phòng dịch để đảm bảo an toàn cho cơ quan và cộng đồng xã hội.

3 tháng tham gia tác nghiệp chống dịch Covid-19 hết sức vất vả với nhiều cung bậc cảm xúc. Đối với tôi, niềm vui lớn nhất có lẽ là những khi được nhận thông báo từ ngành y tế về kết quả âm tính đối với các trường hợp nghi ngờ. Đó là cảm xúc của một phóng viên được ở tuyến đầu chống dịch, được chứng kiến những nấc thang để đi đến ngày chiến thắng đại dịch Covid-19.

Nhà báo Nam Trung - Đài PT&TH Hà Tĩnh:

Cùng ngược sóng giành sự sống cho các thuyền viên

Gần 20 năm làm báo, trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau nhưng những lần tác nghiệp trong tình huống khẩn cấp luôn là những kỷ niệm nghề nghiệp sâu sắc nhất.

Ở đâu có thông tin, ở đó có chúng tôi”!

Nhà báo Nam Trung trong một chuyến công tác nước ngoài.

Kỷ niệm gần đây nhất là lần tác nghiệp vụ việc tàu Thành Công bị chìm ở vùng biển đảo Sơn Dương ngày 31/10/2019. Thời điểm đó, gió biển mạnh cấp 7, cấp 8 kèm theo những con sóng cao 4-5m, tính mạng của 13 thuyền viên “ngàn cân treo sợi tóc”.

“Khẩn trương cứu các thuyền viên” không chỉ là mệnh lệnh được phát ra từ Ban Chỉ huy tiền phương mà còn là mệnh lệnh từ trái tim của các lực lượng tìm kiếm. Cánh phóng viên chúng tôi không lên tàu bằng tâm thế của phóng viên nữa mà là của một người đồng bào, một người cứu hộ…

Từ chiều đến đêm, những thông tin chắp vá, ngắt quãng liên tục được báo về đất liền. 19h đêm, 12 thuyền viên đã được đưa lên tàu Cảnh sát biển, 1 thuyền viên vẫn mất tích; 20h, tàu cứu hộ đầu tiên quay về bờ, những khuôn mặt bơ phờ vì sóng gió, nhiều người gần như quỵ xuống khi bước chân lên bờ.

Trong bữa cơm vội vào 23h đêm, chúng tôi gần như không thể nuốt nổi vì lạnh, vì mệt và vì tâm trí vẫn để nơi những người đang vật lộn với sóng gió ngoài khơi. 1h sáng, nhận được tin tàu Cảnh sát biển cập cảng Hòn La - Quảng Bình, chúng tôi lập tức di chuyển từ cảng Sơn Dương vào để tham gia sơ cứu cho các thuyền viên bị thương. Tuy nhiên, do mưa quá to, sóng biển lớn, nên việc đưa người lên bờ là điều không thể. Đêm đó, chúng tôi đã có một đêm trắng để chờ thông tin tìm kiếm người mất tích còn lại.

Nghề báo, được đi, được ghi lại những hình ảnh chân thực, sinh động, đầy cảm xúc trong những tình huống khẩn cấp là một may mắn. Đó chính là những “cọ xát” cần thiết đối với một phóng viên.

Nhà báo Nguyễn Hằng - Đài PT&TH Hà Tĩnh:

“Sẵn sàng có mặt bất kỳ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu”

Ở lĩnh vực thời sự - một phòng ban mà người ta thường nói là “trang nhất của tờ báo”, chúng tôi xác định “ở đâu có thông tin, ở đó có chúng tôi”. Để có những thước phim sống động nhất, những thông tin nhanh nhất, là cả một hành trình đầy vất vả, mồ hôi, nước mắt và sự dấn thân. Đặc biệt, những tình huống khẩn cấp lại càng thôi thúc người làm nghề.

Ở đâu có thông tin, ở đó có chúng tôi”!

Nhà báo Nguyễn Hằng - Phòng thời sự Đài PT&TH Hà Tĩnh.

Tôi còn nhớ như in trận bão số 10 năm 2017, chừng 6h sáng, tôi nhận lệnh cùng phóng viên quay phim tháp tùng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đi tìm hiểu tình hình thực tế. Do tâm bão đổi hướng, lịch trình của đoàn cũng thay đổi khiến phương án đưa tin nhanh nhất về diễn biến cơn bão của chúng tôi đã bị “việt vị”.

Là một nhà báo nữ, tác nghiệp trong thiên tai vốn đã vất vả, trong trường hợp này, cơn bão lại có những diễn biến bất thường nên việc tác nghiệp lại càng khó khăn. Rất nhanh, chúng tôi đã quyết định vừa ghi hình diễn biến cơn bão, vừa phỏng vấn đồng chí Bộ trưởng để kịp thời khuyến cáo người dân.

Khi đã ghi hình xong, vấn đề khó khăn hơn nữa là phải chuyển tải hình ảnh về để phát sóng. Lúc bấy giờ, từ Đồn Biên phòng Vũng Áng - Sơn Dương, chúng tôi phải “đánh liều” theo xe về thị xã để có mạng internet. Dọc đường đi, có những lúc cảm giác như xe bị nhấc bổng lên. Quả thật, chúng tôi cũng rất sợ hãi nhưng vì nhiệm vụ nên vẫn cố gắng vượt qua khó khăn.

Ở một địa bàn có nhiều thiên tai như Hà Tĩnh, việc tác nghiệp khẩn cấp là chuyện bình thường. Chính những lần tác nghiệp ấy đã khiến chúng tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Và, hiệu ứng từ những tác phẩm đó đã tạo thêm động lực để chúng tôi yêu nghề hơn, sẵn sàng có mặt bất kỳ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu…

Nhà báo Nguyễn Oanh - Báo Hà Tĩnh:

“Giữa hiện trường chữa cháy rừng, lòng như lửa đốt”

Ngày 28/6/2019, vụ cháy rừng lớn chưa từng có ở Hà Tĩnh khởi phát từ tiểu khu 92A, thôn 7, xã Xuân Hồng (Nghi Xuân). Tôi nhận được lệnh tăng cường ra hiện trường khi đồng nghiệp - những phóng viên địa bàn đang bám sát khu vực cháy, quăng quật từ thời điểm rừng mới bắt lửa.

Ở đâu có thông tin, ở đó có chúng tôi”!

Nhà báo Nguyễn Oanh trong một lần tác nghiệp

Tiếp cận hiện trường, trước mặt tôi là những cột khói ngùn ngụt bốc cao trên đỉnh rừng thông, tiếng người hô hét, các lực lượng ứng cứu lao mình vào lửa… Tôi chỉ kịp trao đổi với đồng nghiệp về một số chỉ đạo mới của Ban Biên tập, rồi chúng tôi vội vã tách nhau để bám theo các lực lượng chữa cháy. Thời tiết nắng nóng, hơi lửa bao trùm, cộng với gió phơn thổi mạnh khiến đám cháy càng lúc càng lan rộng.

Diễn biến hiện trường liên tục thay đổi, lửa rừng vừa được khống chế lại bùng cháy trở lại. Anh em chúng tôi buộc phải chia thành nhóm để bằng mọi cách tiếp cận gần nhất với “điểm nóng”. Yêu cầu cao nhất chính là có được thông tin, hình ảnh chân thực nhất, chính xác nhất và nhanh nhất gửi về tòa soạn.

Ở đâu có thông tin, ở đó có chúng tôi”!

Tháng 6/2019, xảy ra vụ cháy rừng lớn chưa từng có ở Hà Tĩnh. Các phóng viên Báo Hà Tĩnh đã bám sát hiện trường, đưa tin kịp thời về diễn biến vụ cháy và công tác chữa cháy của các lực lượng trên địa bàn.

Nhìn những cánh rừng xanh đang bị khói lửa bao trùm, chúng tôi cảm giác lòng mình như có lửa đốt, cứ thế leo lên những ngọn núi thẳng đứng, nơi đám cháy cứ dập tắt lại liên tục bùng phát. Đó là lúc tiếp cận hiện trường, lửa, khói bao phủ, nếu thiếu kỹ năng ứng phó và phán đoán thì phóng viên có thể gặp tai nạn bất cứ lúc nào.

Đối mặt với khó khăn, chúng tôi cũng chứng kiến các chiến sỹ công an, bộ đội, lực lượng kiểm lâm suốt mấy ngày đêm thức trắng vì rừng. Hay, những hành động cao đẹp của biết bao tấm lòng trong và ngoài tỉnh khi họ sẵn sàng gác bỏ mọi việc để góp sức cùng lực lượng ứng cứu.

Biết bao cá nhân, tổ chức tình nguyện tiếp tế thực phẩm, nước uống vào vùng tâm điểm… Tất cả dường như làm dịu đi những cam go, khốc liệt trong cuộc chiến với giặc lửa. Đó là lúc, chúng tôi - những phóng viên hiện trường cảm nhận được những hạnh phúc quý giá, hạnh phúc để sẻ chia và cống hiến.

Nhà báo Anh Tấn - Báo Hà Tĩnh:

“Phán đoán nhanh tình huống, linh động tác nghiệp để có những cảnh quay đắt giá”

Tác nghiệp được trong các tình huống khẩn cấp đối với những phóng viên mảng truyền hình báo điện tử lại càng khó khăn hơn rất nhiều. Hình ảnh chân thực nhất, nhanh nhất về các sự kiện đặt trong tình huống khẩn cấp chính là những thông tin thuyết phục, có sức tác động to lớn hơn vạn lời nói.

Ở đâu có thông tin, ở đó có chúng tôi”!

Ý thức được điều đó, tôi luôn đặt mình trong tư thế sẵn sàng, tư duy nhanh nhạy, phán đoán nhanh tình huống khó để có được những kỹ năng tác nghiệp một cách nhanh, kịp thời và chính xác nhất. Tất cả các phương tiện, dụng cụ luôn trong tư thế đã “lên nòng”, sẵn sàng phục vụ cho việc tác nghiệp trong mọi tình huống.

Tôi còn nhớ như in trận lũ lịch sử tháng 11/2016, khi tôi tiếp cận được “rốn lũ” Phương Mỹ (Hương Khê), thì máy quay, máy ảnh đều đã hết sạch pin, trời bắt đầu nhá nhem tối, phóng viên các báo đã quay ngược thuyền để về nhà. Thế nhưng, tôi nghĩ, mình đã tiếp cận được tâm điểm của cơn lũ, không thể trở về với vài tấm hình và những cảnh quay chưa ưng ý.

Tôi đã quyết định theo thuyền lá vào tận các nóc nhà, dùng chiếc smartphone của mình để ghi lại cảnh người dân dùng bữa cơm tối, cảnh chạy lũ ban đêm, cảnh những đứa trẻ thản nhiên ngồi học trên nóc nhà khi nước lũ đang dâng...

Khi đã có được những hình ảnh chân thực nhất, tôi trở về trụ sở xã, quyết định bám lại ở đây để hoàn thành ngay tác phẩm gửi về tòa soạn. Sáng sớm hôm sau, tác phẩm được đăng tải nổi bật trên Báo Hà Tĩnh điện tử, bài báo đã bằng những hình ảnh sống động, đắt giá tái hiện rõ nét cuộc sống gian khó của người dân vùng tâm lũ. Mọi mệt mỏi trong tôi dường như tan biến.

Chủ đề NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM 21-6

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.