Ông Nguyễn Đức Tài. (Ảnh: Bloomberg)
“Tất cả mọi người đều cười nhạo tôi”, người mà hiện tại là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di dộng (TGDĐ) (mã CK: MWG) kể với phóng viên hãng tin Bloomberg tại TP Hồ Chí Minh. Đó là vào khoảng năm 2009.
Nhưng ông Tài đã đúng. TGDĐ hiện là một trong những doanh nghiệp bán lẻ điện thoại di động lớn nhất Việt Nam, và MWG cũng là một trong những cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường chứng khoán trong nước. Giá trị thị trường của TGDĐ hiện tại là khoảng 1,7 tỷ USD.
Vậy nên, giờ đây, khi ông Tài tuyên bố sẽ “đại tu” ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam, mọi người lắng nghe.
“Tương lai của các cửa hàng bách hóa là rất sáng. Đó không phải là câu hỏi liệu tôi có thành công hay không. Vấn đề là phải mất bao lâu”, vị chủ tịch 49 tuổi nói.
Thành công của ông Nguyễn Đức Tài là thành công của một doanh nhân đang cố gắng hiện đại hóa Việt Nam. Với điện thoại di động, ông Tài mở ra cái mà ông gọi là chuỗi cửa hàng trên phố lớn đầu tiên. Ở đó, khách hàng sẽ cảm thấy yên tâm về chất liệu và nguồn gốc thiết bị. Đối với ngành công nghiệp thực phẩm, doanh nhân nhiều tham vọng này đang cố gắng thay thế chợ truyền thống bằng các cửa hàng bách hóa.
Và cửa hàng bách hóa đầu tiên của ông Nguyễn Đức Tài đã được khai trương ở TP HCM vào năm 2016, bán các loại thực phẩm gồm rau, thịt, cá có nguồn gốc rõ ràng và các mặt hàng thiết yếu khác như mì ăn liền, đồ uống... Ở chợ truyền thống, thực phẩm được bày bán ngoài trời tại những địa điểm không phải lúc nào cũng hợp vệ sinh. Người mua không biết chính xác nguồn gốc sản phẩm và giá cả không được niêm yết.
376 cửa hàng
Chuỗi Bách Hóa Xanh của ông chủ TGDĐ hiện có 376 cửa hàng tại TP HCM. “Ước mơ của chúng tôi là chiếm được 10% thị trường hàng thực phẩm và đồ uống trị giá 60 tỷ USD của Việt Nam vào năm 2022”, ông Tài nói. Điều này sẽ làm doanh thu của công ty tăng gấp đôi so với con số gần 3 tỷ USD trong năm ngoái.
Tất nhiên, ông Tài đang đi theo một con đường giống trước đây. 15 năm trước, trong khi điện thoại di động tạo nên cơn sốt trên toàn cầu thì thị trường Việt Nam lại gần như im ắng bởi mức giá quá đắt.
“Vào thời điểm đó, chỉ có các giám đốc hoặc những người giàu mới có thể mua được một chiếc điện thoại di động” ông Tài nói.
“Việc sở hữu thiết bị điện tử này dường như là không thể đối với nhiều người, và tôi nghĩ chúng tôi cần phải làm một điều gì đó để thay đổi tình hình”, ông nói thêm.
Vì vậy, vào năm 2003, ông Tài đã rời bỏ vị trí giám đốc chiến lược tại một công ty điện thoại để lập doanh nghiệp riêng.
Ông mở 3 cửa hàng trong một con phố nhỏ ở TP HCM nhưng thất bại chỉ vài tháng sau đó vì địa điểm không phù hợp và chưa thể giành được niềm tin của người tiêu dùng.
Trong lần thứ hai thử đặt cược vận may của mình năm 2004, ông Nguyễn Đức Tài đã cùng với 4 người bạn lập nên TGDĐ. Lần này, các cửa hàng được đặt trên những con phố lớn và bán các thiết bị có ghi rõ xuất xứ.
Bên trong một cửa hàng Thế Giới Di Động. (Ảnh: Bloomberg)
Tính đến hết tháng 4 năm nay, TGDĐ đã có 1.065 cửa hàng trên khắp Việt Nam và chiếm 45% thị phần điện thoại thông minh và điện thoại di động trên cả nước.
Tính đến cuối năm 2017, tổng số thuê bao điện thoại ở Việt Nam ước tính đạt 120 triệu thuê bao, lớn hơn tổng dân số 97 triệu người. Doanh thu điện thoại di động cũng đã tăng mạnh nhờ kinh tế phát triển.
“Cơ hội đến chớp nhoáng và thị trường phát triển nhanh vượt xa những gì tôi có thể tưởng tượng”, ông Tài nói.
Ông chủ TGDĐ lớn lên trong một gia đình nghèo ở TP Hồ Chí Minh. Mẹ ông từng rong ruổi trên những con đường với gánh xôi và bánh cuốn để mưu sinh. Những năm tháng tuổi thơ vất vả đã thôi thúc Nguyễn Đức Tài đặt ra mục tiêu cho chính mình đó là phải nỗ lực để khiến cho cuộc sống của bố mẹ tốt đẹp hơn.
“Tôi luôn muốn nghĩ lớn và làm lớn”, ông nói.
Cổ phiếu tăng chóng mặt
Thị giá cổ phiếu TGDĐ đã tăng hơn 6 lần kể từ khi được niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2014. 10 chuyên gia phân tích thì có tới 9 người nhận định “mua” đối với mã MWG.
Một cửa hàng Thế Giới Di Động ở TP HCM. (Ảnh: Bloomberg)
TGDĐ cũng là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất được Forbes Châu Á vinh danh trong top 50 công ty niêm yết hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2017 (Asia’s Fab 50) vào cuối tháng 9 năm ngoái. “Hiện tại giấc mơ của tôi là đạt cột mốc doanh thu 10 tỷ USD vào năm 2022”, ông Tài nói.
Tuy nhiên, Bách hóa Xanh chỉ đóng góp 3% doanh thu cho TGDĐ 4 tháng đầu năm 2018. Các lãnh đạo công ty cũng thừa nhận chuỗi này “đang trong giai đoạn thử nghiệm và sửa sai”. Họ đã phải đóng 3 cửa hàng và hủy kế hoạch mở 7 cơ sở khác. Kế hoạch số cửa hàng mới năm nay cũng giảm từ 1.000 về 500.
Giai đoạn chưa ổn định
“Bách hóa Xanh vẫn đang trong giai đoạn chưa ổn định” ông Nguyễn Đức Hiếu - nhà phân tích tại công ty chứng khoán Rồng Việt ở TP HCM nhận xét. “Đây không phải ngành công nghiệp dễ dàng, vì cần chuỗi cung ứng tốt. Việc này rất khó, vì không nhiều công ty lớn đủ sức cung cấp thịt và rau. Thị trường này rất lớn. Nhưng việc thực thi không hề dễ dàng”, ông nói thêm.
Dù vậy, ông chủ TGDĐ vẫn không nản chí. Khi khởi nghiệp, ông chỉ có hơn 30.000 USD. Giờ đây, cổ phần của ông trong TGDĐ đã có giá khoảng 3 triệu USD, theo tính toán của Bloomberg.
Ông Tài cho biết càng có nhiều tiền bạc, ông càng ít quan tâm đến của cải. Chris Freund đến từ Mekong Capital - nhà đầu tư khá sớm vào TGDĐ - mô tả ông Tài là doanh nhân “hết sức bình dị”. Được biết trong một chuyến công tác nước ngoài, ông Tài vẫn ở chung phòng với 3 người khác.
Ông Tài cho biết thói quen mặc áo phông lâu nay của ông chỉ là để tiết kiệm thời gian và tập trung cho công việc. “Nghĩ chuyện hôm nay mặc gì cũng mệt lắm. Tôi muốn dành thời gian đó nghĩ về cách phát triển công ty hơn”, ông nói.