Những ngày này, người dân thôn giáo toàn tòng của xã Quang Thọ đang sôi nổi thi đua lao động sản xuất, tự nguyện hiến đất mở rộng hai bên lề đường, đóng góp ngày công, vật chất để lắp hệ thống điện thắp sáng từ tuyến đường trục thôn đến các tuyến đường nhánh.
Ông Sơn (áo xanh) không quản ngại khó khăn để hướng dẫn, vận động bà con xây dựng vườn mẫu. Trong ảnh: vườn mẫu của ông Nguyễn Văn Hà được xã Quang Thọ đánh giá cao.
Trưởng thôn Nguyễn Hoài Sơn (SN 1955) cho biết, để có được sự đồng thuận như ngày hôm nay, ông cùng Ban cán sự thôn đã trải qua không ít khó khăn trong việc vận động, tuyên truyền bà con chung sức. Địa hình thôn miền núi đi lại khó khăn nên càng đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó.
"Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, tôi cùng anh em đoàn thể của thôn đến từng nhà kiên trì vận động, dần dần các gia đình đã hiểu ra rồi tích cực góp công, góp của để xây dựng NTM”, ông Sơn chia sẻ.
Nằm khuất sau chân núi, cách trung tâm hành chính xã hơn 5 km, thôn 7 chỉ có 46 hộ với 220 nhân khẩu. Năm 2015, ông Sơn được bầu làm trưởng thôn, cũng là lúc xã giao nhiệm vụ xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Điểm xuất phát của thôn 7 lúc đó chỉ có được 1 con đường bê tông, điện đường chưa có.
Thế nhưng, với sự kiên trì trong vận động người dân cùng với việc cán bộ thôn gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, chỉ trong vòng 5 năm, phong trào xây dựng NTM đã lan tỏa sâu rộng tới từng người dân. Bà con giáo dân đã ủng hộ hơn 200 triệu đồng, hiến gần 200 m² đất và tham gia nhiều ngày công xây dựng để làm mới và mở rộng các tuyến đường bê tông với chiều dài gần 2 km.
Đến nay, 100% tuyến đường thôn đã được xây dựng kiên cố, rộng rãi, thuận lợi cho đi lại sinh hoạt, giao thương.
Toàn xã có 25/46 hộ thu nhập gần 200 triệu đồng/năm trên nhờ phát triển kinh tế vườn đồi.
Đặc biệt, để vận động người dân đóng góp ngày công, tài sản tôn tạo lại đền Cửa Rào - di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh trên địa bàn, ông Sơn đã kiên trì giải thích cho mọi người hiểu về những giá trị thiêng liêng của đền và kêu gọi mọi người góp công, góp của.
Bản thân ông đã tiên phong hiến 50 m2 đất vườn của gia đình, từ đó làm gương kêu gọi người dân sống xung quanh đền hiến hơn 1.000 m2 để mở rộng khuôn viên, đồng thời đóng góp nhiều ngày công, cùng chính quyền xã Quang Thọ tôn tạo lại ngôi đền.
Bà con thôn giáo toàn tòng cùng người dân xã Quang Thọ đóng góp ngày công, tài sản tôn tạo lại di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền Cửa Rào.
Ngoài ra, trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, với sự tích cực của trưởng thôn trong tuyên truyền, định hướng và hỗ trợ người dân tiếp cận chính sách, đến nay, phần lớn hộ dân đều đã cải tạo vườn, trồng cam, mang lại thu nhập khá.
Thu nhập binh quân đầu người ở thôn đến thời điểm này đạt khoảng 40 triệu đồng/năm; có 25/46 hộ thu nhập gần 200 triệu đồng/năm trên nhờ phát triển kinh tế vườn đồi.
Những cổng nhà khang trang, sạch đẹp giữa bạt ngàn rừng núi.
Ông Nguyễn Văn Hà, người dân thôn 7 chia sẻ, nhờ có sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự năng động, nhiệt tình của ông Sơn mà diện mạo thôn 7 đã thay đổi rõ rệt. Đường làng, ngõ xóm khang trang, trật tự an ninh được đảm bảo, công tác an sinh xã hội được quan tâm kịp thời. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện, không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo.
“Nói đến những thành quả ấy, bà con ở đây không ai là không nhắc đến cống hiến của ông Sơn, người đã cùng gắn bó với người dân thôn 7 từ những ngày đầu thôn còn gặp nhiều khó khăn”- ông Hà khẳng định.
Từ một xóm núi nghèo khó của xã Quang Thọ, thôn 7 đã khoác lên mình tấm áo mới xanh tươi, trù phú, được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu vào tháng 10/2019.
Ông Nguyễn Hoài Sơn là một cán bộ thôn nhiệt huyết, luôn sâu sát với Nhân dân trong thôn, được dân tin yêu. Công việc của thôn, của xã luôn được ông triển khai thực hiện có hiệu quả.
Với sự đoàn kết, đồng lòng, ông Sơn luôn cùng giáo dân thôn 7 giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, kết hợp với những nét đẹp trong sinh hoạt tôn giáo, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân vào việc nâng cao các tiêu chí NTM tại địa phương.