Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh luôn coi con người là nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển; lấy phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người là nền tảng, sức mạnh nội sinh, bảo đảm sự phát triển bền vững.

Hà Tĩnh chủ trương coi con người là trung tâm chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển.

Văn hóa là hệ thống những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử, đó là sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và với chính bản thân mình, tạo nên đặc trưng của mỗi cá nhân và cộng đồng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra khái niệm hết sức độc đáo về con người: “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người”. Sức mạnh con người bao gồm nhiều yếu tố, trong đó, chủ yếu là phẩm chất, năng lực và ý chí của con người. Phẩm chất là cái làm nên giá trị riêng của mỗi con người. Phẩm chất bao gồm cả phẩm chất trí tuệ, đạo đức, nhân cách… Phẩm chất con người được kết tinh trong những giá trị mà cá nhân sở hữu, bộc lộ trong tư duy, nhận thức, thế ứng xử và hành động của họ.

Kế thừa các kết quả nghiên cứu đi trước và xem xét quá trình vận động, phát triển của văn hóa, sức mạnh con người Hà Tĩnh, truyền thống là một hệ thống các giá trị, trong đó nổi bật các giá trị sau:

Truyền thống yêu quê hương, đất nước, kiên cường, dũng cảm trong chống giặc ngoại xâm

Là vùng đất cổ, lại từng là miền biên viễn trong nhiều thời kỳ của Đại Việt, con người Hà Tĩnh hội tụ các giá trị truyền thống yêu nước, quật cường của dân tộc, với khí chất can trường, gan dạ trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước, quê hương.

Xuyên suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, tinh thần yêu nước, xả thân vì nghĩa lớn, khí chất kiên trung, dũng cảm… như một dòng chảy thấm đẫm trong huyết quản, hành động của bao lớp người Hà Tĩnh, kết tinh, hun đúc qua những tấm gương tiêu biểu, những anh hùng, võ tướng làm rạng danh cho quê hương, đất nước. Mai Thúc Loan (Mai Hắc Đế), hai cha con Quốc công Đặng Tất - Đặng Dung (Can Lộc), Nghĩa đại vương Nguyễn Biểu, các danh tướng Nguyễn Biên, Nguyễn Tuấn Thiện, Lê Bôi, Nguyễn Xí, Hoàng hậu Bạch Ngọc… , Nguyễn Thiếp, Dương Văn Tào, Ngô Văn Sở, Hồ Phi Chấn, chí sỹ Phan Đình Phùng là những cái tên oanh liệt, tự hào. Cũng chính mảnh đất Hà Tĩnh - Nghệ An là tâm điểm khơi nguồn cho các phong trào yêu nước như Duy tân, Đông du, Phục Việt, chống thuế Trung Kỳ với những chí sĩ xả thân vì đại nghĩa như Lê Văn Huân, Ngô Đức Kế, Mai Lão Bạng, Nguyễn Hàng Chi, Trịnh Khắc Lập, Võ Liêm Sơn…

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Hà Tĩnh có hàng chục vạn con em ra trận, trong số đó hàng vạn người đã anh dũng hy sinh; nhiều anh hùng liệt sĩ đã trở thành biểu tượng chói ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh như Lê Thiệu Huy, Phan Đình Giót, Nguyễn Đô Lương, Nguyễn Xuân Lực, Dương Chí Uyển, Võ Triều Chung, 10 liệt nữ thanh niên xung phong Tiểu đội 4 - Đại đội 552 thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc...

Xô viết Nghệ Tĩnh là sự phát triển tất yếu của cao trào đấu tranh cách mạng của công nhân và nông dân cả nước trong những năm 1930-1931. Ảnh tư liệu.

Trong những năm đầu của thập niên 30, thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng với Nghệ An, nhân dân Hà Tĩnh đã làm nên cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh - cuộc tổng diễn tập đầu tiên, tiến đến thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945. Vùng quê Hà Tĩnh là nơi sinh thành, dưỡng dục nhiều chiến sĩ cách mạng kiên trung như: Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, Hà Huy Tập - Tổng Bí thư của Đảng thời kỳ 1936 - 1938, Lý Tự Trọng - Người thanh niên cộng sản đầu tiên… và biết bao người con ưu tú khác.

Tinh thần yêu nước, xả thân vì đại nghĩa chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử và con người Hà Tĩnh, không phân biệt giai tầng, địa vị, tôn giáo, tín ngưỡng, tất cả đều chung sức, đồng lòng, có giặc ngoại xâm là chiến đấu, có áp bức là vùng lên đấu tranh.

Truyền thống hiếu học, học giỏi, có nhiều người đỗ đạt thành danh

Là vùng “địa linh, nhân kiệt”, người Hà Tĩnh có truyền thống hiếu học và học giỏi, thời nào cũng có nhiều người đỗ đạt thành danh. Chỉ tính từ thời Trần đến thời Nguyễn, Hà Tĩnh có 148 vị đại khoa. Đặc biệt, Hà Tĩnh có nhiều gia đình, dòng họ có truyền thống học hành, khoa bảng. Nhiều tên tuổi người Hà Tĩnh đã làm rạng danh quê hương, đất nước, như: cha con song trạng Sử Hy Nhan - Sử Đức Huy, Trạng nguyên Đào Tiêu, anh em Tiến sĩ Lê Quảng Ý - Lê Quảng Chí, Lê Sỹ Bàng - Lê Sỹ Triêm, Thám hoa Đặng Bá Tĩnh, Vũ Diệm, Phan Kính, Nguyễn Huy Oánh, các danh nhân tiêu biểu như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Lê Hữu Trác, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huy Tự, Phan Huy Ích, Bùi Cầm Hổ...

Người Hà Tĩnh có truyền thống hiếu học và học giỏi, thời nào cũng có nhiều người đỗ đạt thành danh. Trong ảnh: Tượng Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đặt trên đồi Minh Tự (xã Sơn Trung, Hương Sơn).

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, Hà Tĩnh có trên 160 giáo sư, gần 600 phó giáo sư, gần 2.000 tiến sĩ, văn nghệ sĩ nổi tiếng làm việc trong và ngoài nước. Trong đó có nhiều người đứng đầu các lĩnh vực, như: Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Phan Chánh, Hoàng Ngọc Phách, Xuân Diệu, Huy Cận, Điềm Phùng Thị, Phan Anh, Nguyễn Đổng Chi, Hà Huy Giáp, Nguyễn Đình Tứ, Phan Đình Diệu, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Đinh Xuân Lâm, Lê Kinh Duệ, Võ Quý, Hồ Tôn Trinh, Hà Xuân Trường, Hoàng Ngọc Hiến…

Những tên tuổi trên đã hội tụ và kết tinh nên những phẩm chất căn bản làm nên cốt cách của “Ông đồ Nghệ” - hiếu học, cần cù, đầy chí tiến thủ và nêu cao ý thức lập thân, lập nghiệp. Những đức tính đó đang được các thế hệ người Hà Tĩnh tiếp tục kế thừa, phát huy trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Sống cần kiệm, cương trực, chân tình, chung thủy

Hà Tĩnh có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, phong thổ, địa lý đa dạng. Từ xa xưa, người Hà Tĩnh đã dựa vào núi sông, đồng bằng và biển cả để sinh tồn. Trong quá trình thích ứng với môi trường, không gian sinh tồn, con người nơi đây đã tạo ra nhiều giá trị quý giá để lại cho các thế hệ mai sau.

Do yếu tố địa văn hóa đặc trưng nên người Hà Tĩnh có khí chất cương trực, khảng khái, thẳng thắn và cởi mở, biểu lộ tình cảm chân tình, không khách sáo; sống thủy chung, trọn tình, trọn nghĩa trong kết giao. Thẳng, thật, thô mộc nhiều khi đến vụng về, dễ mất thiện cảm nhưng bản tính chân tình, có trước, có sau lại quy tụ được lòng người. Chính bản tính cương trực, khẳng khái nên ở các triều đại, có rất nhiều người Hà Tĩnh được phong làm quan Ngự sử, nổi tiếng như Bùi Cầm Hổ, Phan Đình Phùng, Phan Huân.

Bên cạnh khí chất cứng cỏi, hào sảng từ “Hào khí Hồng Lam”, nét tính cách cởi mở, chân thành, quy tụ lòng người của người Hà Tĩnh lại tạo nên sự mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt trong ứng xử, đó là nguyên do có nhiều thế hệ các “Sứ thần” Hà Tĩnh nổi tiếng như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Nể, Nguyễn Du, Đinh Nho Liêm…, góp phần tạo nên thành công của nền ngoại giao nước nhà qua các thời kỳ lịch sử.

Đất và người Hà Tĩnh đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho văn học nghệ thuật. Trong ảnh: Núi Hồng - sông La. (Ảnh Đậu Hà).

Cùng với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, trữ tình và những nét tính cách riêng có, đất và người Hà Tĩnh đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho văn học nghệ thuật, rất nhiều văn nghệ sỹ nổi tiếng trong cả nước đã viết nên nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật đặc sắc được lấy cảm hứng từ vùng đất, con người Hà Tĩnh.

Đoàn kết, tương thân, tương ái, kết nối vì cộng đồng bền vững

Ý thức cộng đồng, gắn bó và kết nối cộng đồng ăn sâu vào tiềm thức, được thể hiện rất rõ nét trong cốt cách con người Hà Tĩnh, tạo nên những giá trị nhân văn đáng quý của người Hà Tĩnh. Truyền thống này được thể hiện sâu đậm trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, đặc biệt là trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Nhiều năm qua, các hội đồng hương Hà Tĩnh đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của tỉnh, đặc biệt là các hoạt động quyên góp, giúp đỡ, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, các hoạt động từ thiện nhân đạo, khuyến học, khuyến tài…

TP Hà Tĩnh đang không ngừng vươn tầm trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ.

Bước vào thời kỳ đổi mới, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân của người Hà Tĩnh càng được củng cố và phát huy góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã huy động tốt nhân lực, vật lực, làm thay đổi diện mạo quê hương, xây dựng các vùng quê trù phú. Bên cạnh đó, các phong trào đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo… ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp của tỉnh Hà Tĩnh luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là động lực, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đạo đức, nhân cách, lối sống là giá trị cốt lõi của con người Hà Tĩnh cần phát huy, tạo nên nét đặc trưng riêng, là sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, sức mạnh con người Hà Tĩnh, các cấp ủy đảng, chính quyền đã thể chế, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ tỉnh đã ban hành 38 văn bản về lĩnh vực văn hóa, con người; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 09 nghị quyết, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 28 văn bản; 100% huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc ban hành kế hoạch, chương trình hành động phù hợp với tình hình, điều kiện của địa phương, đơn vị. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX cũng đã xác định rõ: “… Phát huy dân chủ, đoàn kết, ý chí, khát vọng, giá trị văn hóa và sức mạnh con người Hà Tĩnh… huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững”. Đặc biệt, ngày 22/12/2023, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 18 về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới.

Để tiếp tục phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới, chúng ta cần quan tâm thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, xây dựng con người Hà Tĩnh phát triển toàn diện, hội đủ những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam và giá trị riêng có của con người Hà Tĩnh.

Thứ hai, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh trong gia đình, dòng họ, địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, văn hóa trong chính trị và kinh tế, văn hóa nơi công cộng,... tạo môi trường lành mạnh để hình thành, phát triển toàn diện nhân cách con người Hà Tĩnh .

Thứ ba, đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, nhất là ở cơ sở. Đảm bảo công bằng trong hưởng thụ văn hóa cho mọi người dân. Tăng cường quảng bá hình ảnh về văn hóa, con người Hà Tĩnh đến bạn bè trong nước và quốc tế, gắn với xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ, du lịch.

Thứ tư, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh số hóa di sản văn hóa. Huy động nguồn lực đầu tư xã hội nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Tạo dựng thương hiệu các sản phẩm văn hóa đặc trưng của Hà Tĩnh.

Thứ năm, chú trọng phát triển các lĩnh vực văn học, nghệ thuật tương xứng với tiềm năng, lợi thế, truyền thống văn hóa và con người Hà Tĩnh, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân.

Thứ sáu, thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật. Chú trọng thu hút, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chiến lược về văn hóa, cán bộ trẻ, cán bộ lãnh đạo, quản lý; trọng dụng, đãi ngộ các chuyên gia văn hóa, nghệ nhân, nghệ danh; xây dựng, củng cố và phát huy vai trò đội ngũ cán bộ văn hóa ở cơ sở.

Bối cảnh đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng đã củng cố thêm nhận thức của nhân loại về vị trí, tầm quan trọng của văn hóa, con người trong quá trình phát triển. Con người là chủ thể quan trọng nhất, là chìa khóa để mở ra cánh cửa thành công trong việc tìm kiếm một tương lai như kỳ vọng. Văn hóa với tư cách là những sáng tạo của con người trong tiến trình lịch sử, là nguồn lực nội sinh quan trọng để gia tăng sức mạnh con người, thôi thúc con người biến khát vọng thành hiện thực. Chính vì vậy, khơi dậy, phát huy sức mạnh văn hóa, con người đã trở thành nội dung quan trọng, không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững của tỉnh.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói