Công nhân HTX Thái Minh Thủy cho tôm ăn
Vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh của xã Cương Gián tập trung ở thôn Song Long. Tại đây, hàng trăm ao nuôi tôm bằng công nghệ lót bạt của các chủ hồ được đầu tư bài bản, hiện đại.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh hồ, anh Hoàng Văn Thái, Giám đốc HTX Thái Minh Thùy cho biết: Toàn bộ diện tích hơn 2 ha được chia thành 6 ao nuôi và 4 ao gièo. Tôm giống vận chuyển về sẽ được thả vào ao gièo nuôi khoảng 1 tháng, khi hoàn toàn khỏe mạnh tôm mới được thả ra ao nuôi.
Các ao gièo của HTX Thái Minh Thùy được đầu tư giàn lưới để che nắng
Để tôm giống trong ao gièo phát triển và sinh trưởng tốt, HTX đã đầu tư hệ thống giàn lưới nhằm che nắng cho tôm; tuân thủ nghiêm ngặt quy trình cải tạo ao đầm, chăm sóc, phòng dịch bệnh.
“Nuôi tôm quan trọng nhất là phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình. Kể cả giờ cho con tôm ăn cũng không được xê dịch, dù chỉ một phút. Lượng thức ăn cũng phải tương ứng với trọng lượng con tôm” – Giám đốc HTX Hoàng Văn Thái cho hay.
Trung tâm giống của Công ty CP Thủy sản Thông Thuận là một trong những cơ sở nuôi trồng thủy sản lớn nhất ở Cương Gián. Ảnh: Hoài Nam
Ngoài HTX Thái Minh Thùy, hiện thôn Song Long cũng có 6 hộ nuôi trồng thủy sản, với gần 15 ha diện tích thâm canh. Các mô hình hầu hết đều được nuôi bằng công nghệ lót bạt.
Anh Võ Châu Trọng, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Thông Thuận cho biết: “Dải đất cát ven biển Cương Gián rất thích hợp để phát triển nuôi tôm công nghệ cao nên từ năm 2014, chúng tôi đã triển khai trung tâm sản xuất tôm giống tại đây. Với quy mô 6,8 ha, mỗi năm trung tâm cung cấp hàng trăm triệu con giống chất lượng cao cho các tỉnh miền Trung. Ngoài ươm giống, công ty còn nuôi tôm sản lượng chất lượng cao”.
Tôm giống của Công ty CP Thủy sản Thông cung cấp nguồn giống chất lượng cao cho các tỉnh miền Trung
Bên cạnh các “ông lớn” nuôi tôm thâm canh, hiện tại, trên địa bàn xã Cương Gián có hơn 30 hộ dân nuôi trồng quảng canh. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn xã đến thời điểm hiện tại là 60,4 ha, (nhiều nhất huyện Nghi Xuân - P.V), tập trung chủ yếu ở 2 thôn: Song Long, Đại Đồng.
Ông Lê Duy Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho biết: “Bên cạnh nghề đánh bắt, địa phương xác định nuôi trồng thủy sản là ngành nghề mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương, vì điều kiện tự nhiên ở đây rất thích hợp. Thực tế trong 5 năm qua, nhiều vùng đất cát hoang hóa trên địa bàn đã biến thành vùng nuôi tôm công nghệ cao, tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương”.
Nuôi tôm mang lại giá trị kinh tế cao, trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của Cương Gián
Tính riêng 6 tháng đầu năm, các hộ nuôi trồng tại Cương Gián đã thả nuôi hàng trăm vạn tôm giống, cua, nghiêu, cá… Qua đó, tổng sản lượng nuôi trồng toàn xã từ đầu năm đến nay đạt gần 70 tấn, bằng 122% so với cùng kỳ năm 2017 và đạt 55,8% kế hoạch năm 2018.
"Những tháng đầu năm 2018, hầu hết các cơ sở nuôi tôm trên địa bàn đều được mùa. Năng suất tôm nuôi bình quân đạt 10 - 20 tấn/ha đối với nuôi thâm canh. Tính giá thị trường hiện nay khoảng 120.000đ/kg thì 1 ha thu về khoảng 2 tỷ đồng. Nghề nuôi tôm đã mang lại giá trị kinh tế cao và đang trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của xã nhà" - Phó Chủ tịch UBND xã Lê Duy Linh nhấn mạnh.