Khu nướng cá tập trung Thạch Kim: Dân phấn khởi, chính quyền hết lo!

(Baohatinh.vn) - Nướng cá là nghề truyền thống của ngư dân xã Thạch Kim (Lộc Hà, Hà Tĩnh). Tuy nhiên, trong điều kiện “đất chật, người đông”, hoạt động nướng cá trong khu dân cư lâu nay đã gây ra không ít phiền toái, ảnh hưởng đến môi trường...

Khu nướng cá tập trung Thạch Kim: Dân phấn khởi, chính quyền hết lo!

Khu nướng cá trong CCN Thạch Kim góp phần giải bài toán về ô nhiễm môi trường từ nghề nướng cá của xã miền biển Thạch Kim.

Giữa năm 2018, khu nướng cá trong CCN Thạch Kim được đầu tư xây dựng trên diện tích gần 4.700 m2 đã giải thoát vấn đề ô nhiễm môi trường cho bà con làm nghề nướng cá của xã Thạch Kim.

Ông Nguyễn Đức Dũng – Trưởng Ban quản lý CCN Thạch Kim cho biết: Sau khi hoàn thiện hạ tầng khu nướng cá, CCN xây dựng thí điểm 12 ki-ốt nướng cá trên diện tích 780 m2, cho thuê. Đến nay, đã có 72 hộ dân làm nghề nướng cá đăng ký vào hoạt động trong CCN. Tuy nhiên, do diện tích “thí điểm” ban đầu nên Ban quản lý chỉ mới xét duyệt cho 6 hộ thuê 12 ki-ốt, với giá 600.000 đồng/ki-ốt/tháng.

Khu nướng cá tập trung Thạch Kim: Dân phấn khởi, chính quyền hết lo!

Được đầu tư đồng bộ, các hộ làm nghề nướng cá có thể hoạt động cả ngày.

Chị Phạm Thị Hoan (thôn Hoa Thành) cho biết: Tôi đăng ký vào thuê ốt nướng cá vào đâu năm nay. Trước kia, nướng ở nhà, phải dậy từ sáng sớm, làm được mấy tiếng đồng hồ là nghỉ bởi ảnh hưởng đến những nhà xung quanh. Vào đây, chúng tôi có thể nướng cả ngày.

“Hơn nữa, quy hoạch các ki-ốt rộng, hệ thống lò nướng được đầu tư bài bản rất thuận lợi cho hoạt động sản xuất. Vì thế, hiệu suất nướng cá tăng rõ rệt. Mỗi ngày tôi có thể nướng được 2 - 2,5 tạ cá, gấp đôi so với trước. Đó là chưa nói, ở đây có hạ tầng tốt, việc nướng cá cũng đỡ gây ảnh hưởng môi trường sống của chính mình và những nhà xung quanh” – chị Hoan nói thêm.

Điều quan trọng nữa là vào khu nướng cá tập trung, hạ tầng giao thông thuận lợi nên việc mua bán cũng thông thương hơn. Xe chở cá nguyên liệu có thể vào tận lò, xe mua cá nướng thành phẩm có thể vào tận nơi nên các hộ nướng cá có thể làm cả ngày.

Khu nướng cá tập trung Thạch Kim: Dân phấn khởi, chính quyền hết lo!

Số lượng nướng mỗi lần cũng nhiều hơn.

Bên cạnh đó, với hệ thống lò nướng được đầu tư bài bản, cá sau khi nướng đều, đẹp và thơm hơn nên giá thành cũng cao hơn. Vì thế, thu nhập từ nghề nướng cá cũng tăng lên rõ rệt. Bình quân mỗi ngày, những người làm nghề nướng cá tại đây có thu nhập từ 300 – 400.000 đồng.

Bà Nguyễn Thị Văn (thôn Hoa Thành) cho hay: Với những thuận lợi của khu nướng cá, chúng tôi tha thiết được vào đây hoạt động. Nếu khu này được lấp đầy, trở thành 1 điểm tập trung của tất cả các hộ dân nướng cá Thạch Kim thì thuận lợi biết mấy.

Theo ông Hà Minh Tân - Chủ tịch UBND xã Thạch Kim, toàn xã hiện có hơn 70 hộ làm nghề nướng cá. Việc nướng cá tại các hộ gia đình gây ô nhiễm môi trường là bài toán nan giải từ bao đời nay của xã miền biển này. Từ khi khu nướng cá trong CCN Thạch Kim đi vào hoạt động, bà con rất phấn khởi. Đến nay, hầu hết đã đăng ký được vào hoạt động. Theo đó, vấn đề môi trường của xã đã được tháo gỡ.

Tuy nhiên, theo ông Tân, nướng cá tập trung cũng sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống của bà con thôn Long Hải. Và trên thực tế, người dân thôn Long Hải cũng đã từng có ý kiến về vấn đề này. Vì vậy, CCN cần có sự đầu tư bài bản, đồng bộ để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường.

Khu nướng cá tập trung Thạch Kim: Dân phấn khởi, chính quyền hết lo!

Cá được nướng trong khu tập trung sẽ đều, đẹp, thơm ngon hơn.

Anh Nguyễn Đức Dũng – Trưởng Ban quản lý CCN Thạch Kim cho hay: Kết quả hoạt động thời gian qua cho thấy, hiệu quả cao. Với chủ trương xã hội hóa, hiện có doanh nghiệp đã làm thủ tục xin đầu tư xây dựng khu nướng cá này. Chúng tôi đang hướng dẫn hoàn tất các thủ tục để nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án trong năm nay.

“Theo định hướng của huyện Lộc Hà, khu nướng cá tập trung được đầu tư đồng bộ, đúng quy trình và tiêu chuẩn không chỉ đảm bảo môi trường, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương, buôn bán mà đây còn có thể là điểm du lịch làng nghề của địa phương” – ông Dũng cho biết thêm.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast