Lô vaccine COVID đầu tiên của Pfizer được vận chuyển từ châu Âu tới Mỹ

Một nguồn thạo tin cho NBC News biết hãng hàng không United Airlines đã chuyển lô hàng vaccine COVID-19 đầu tiên do Pfizer sản xuất trên một chuyến bay thuê cất cánh từ Bỉ.

Pfizer đã phát triển vaccine phòng COVID-19 cùng với đối tác Đức BioNTech. “Người khổng lồ” dược phẩm Mỹ cho biết họ sản xuất vaccine này tại Puurs, Bỉ; và 3 cơ sở tại Mỹ là St. Louis, bang Missouri; Andover, bang Maryland và Kalamazoo, Michigan.

Lô vaccine COVID đầu tiên của Pfizer được vận chuyển từ châu Âu tới Mỹ

Pfizer đã đăng ký xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine phòng COVID-19 của mình trước khi tiến hành phân phối loại vaccine mà hãng đã công bố đạt hiệu quả ngừa bệnh hơn 90% này.

HIện tại hãng hàng không United Airlines từ chối xác nhận chi tiết về chuyến bay trên nhưng một tuyên bố bằng văn bản của hãng cho biết “sẽ ủng hộ một nỗ lực phân phối vaccine trên quy mô toàn cầu”. Trong một tuyên bố riêng rẽ, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cũng khẳng định “đang hỗ trợ chuyến hàng lớn bằng đường không đầu tiên với một loại vaccine COVID”.

Một nguồn tin thân cận với quy trình cho biết, FAA cho phép United Airlines chuyên chở 15.000 pound (trên 6.800kg) đá khô mỗi chuyến bay, tức gấp 5 lần khối lượng được phép thông thường, nhằm bảo quản vaccine ở nhiệt độ siêu lạnh.

Ứng cử viên vaccine do Pfizer sản xuất cần được bảo quản ở -70 độ C trong khi vận chuyển. Công ty cho biết dự kiến sẽ sản xuất 50 triệu liều vaccine trong năm 2020 này và lên đến 1,3 tỷ liều vào cuối năm 2021 để phục vụ nhu cầu toàn cầu. Pfizer bày tỏ tin tưởng vào kinh nghiệm lớn, chuyên môn và cơ sở hạ tầng dây chuyền lạnh để phân phối vaccine trên khắp thế giới.

Pfizer cho biết, họ sử dụng các thiết bị đặc biệt chứa đá khô để bảo quản vaccine và mỗi đơn hàng gửi đi đều có một cảm biến nhiệt, hỗ trợ GPS để theo dõi vị trí và nhiệt độ của từng lô hàng trên các tuyến đường.

Về vấn đề virus SARS-CoV-2 đột biến, liệu vaccine của Pfizer có hiệu quả không, công ty cho biết, chỉ có thông qua thử nghiệm họ mới xác định được hiệu quả của vaccine trong phòng chống một dạng đột biến của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, Pfizer tin rằng công nghệ vaccine mRNA (RNA thông tin) mà họ sử dụng có khả năng dễ dàng thích nghi và có khả năng sửa đổi tương đối nhanh để giải quyết các đột biến mới của virus. Lý do là công nghệ này không bao gồm tất cả hoặc một phần mầm bệnh thực tế, mà thay vào đó sử dụng mã di truyền của mầm bệnh. Công ty có khả năng nhanh chóng sửa đổi mã di truyền của ứng cử viên vaccine để giải quyết bất kỳ đột biến nào của virus.

Ứng cử viên vaccine của Pfizer đòi hỏi 2 mũi tiêm cách nhau 21 ngày. Công ty được cho là sẽ tính phía 20 USD mỗi liều vaccine, thấp hơn đáng kể so với ứng viên vaccine của Moderna (có giá 32-37 USD). Hôm 17/11, Pfizer đã khởi động một chương trình phân phối thử nghiệm ứng cử viên vaccine của mình ở Rhode Island, Texas, New Mexico và Tennessee (Mỹ). Pfizer cho biết, kế hoạch này nhằm cố gắng giải quyết những thách thức về phân phối liên quan đến các yêu cầu về kho siêu lạnh.

Pfizer - BioNTech cũng đã đạt các thỏa thuận bảo đảm cung cấp vaccine COVID-19 với nhiều quốc gia trên toàn cầu. Liên minh châu Âu đặt hàng nhiều nhất, với 300 triệu liều được xác nhận tính đến ngày 11/11, Nhật Bản đặt mua 120 triệu và Mỹ đã mua 100 triệu. Anh, Canada, Australia và Chile đều đã mua ít nhất 10 triệu liều vaccine của Pfizer-BioNTech.

Theo Baotintuc

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast