Hết dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi Hà Tĩnh yên tâm tái đàn “đón” Tết

(Baohatinh.vn) - Khi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được khống chế, người chăn nuôi lợn đã thực hiện tái đàn với quy mô lớn hơn, đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học để chuẩn bị phục vụ thị trường Tết.

Hết dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi Hà Tĩnh yên tâm tái đàn “đón” Tết

Ông Lê Văn Hào (thôn Trung Văn, Thạch Văn) sắp xuất bán lứa lợn này để thả lứa mới, chuẩn bị cho thị trường cuối năm.

Nông hộ và trang trại khẩn trương tái đàn

Đến thời điểm hiện nay, 13/13 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đều đã hết DTLCP. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tái đàn, phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho thị trường, đặc biệt là trong dịp Tết sắp tới.

Sau khi dịch bệnh từng bước được kiểm soát, từ cuối tháng 4, ông Lê Văn Hào (xã Thạch Văn, Thạch Hà) đã bắt đầu thả nuôi lợn trở lại. Ông Hào cho biết: “Gia đình lựa chọn lợn giống chất lượng từ các trại nái lớn, được tiêm phòng các loại vắc xin, tỉ lệ nạc cao. Hiện, tôi đã đặt thêm 20 con lợn giống để sau khi xuất bán hết lứa này, tiến hành vệ sinh môi trường, xây thêm bể biogas và sẽ thả nuôi nhằm kịp xuất ra thị trường vào đợt cuối năm”.

Hết dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi Hà Tĩnh yên tâm tái đàn “đón” Tết

Việc tái đàn tại xã Thạch Văn (Thạch Hà) có chuyển biến tích cực nhờ dịch bệnh cơ bản được khống chế.

Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Văn Nguyễn Văn Bằng cho biết: “Vì là một trong những xã bị ảnh hưởng lớn của DTLCP của huyện nên chúng tôi tập trung tuyên truyền để người dân chăn nuôi đảm bảo quy trình, vệ sinh môi trường. Đồng thời, khuyến khích tái đàn nái, có nguồn giống tại chỗ phục vụ cho người dân”.

Với các trang trại quy mô trên địa bàn, nhờ đảm bảo yêu cầu khắt khe về phòng, chống dịch bệnh, việc tái đàn, tăng đàn luôn được tập trung thực hiện trong thời gian qua. Nhiều trang trại đã chuẩn bị sẵn lợn giống với số lượng lớn để “đón” thị trường cuối năm.

Hết dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi Hà Tĩnh yên tâm tái đàn “đón” Tết

HTX Chăn nuôi tổng hợp và Xây dựng Minh Lộc (Cẩm Xuyên) tiêm phòng cho lợn giống.

Ông Trương Xuân Bính – Giám đốc HTX Chăn nuôi tổng hợp và Xây dựng Minh Lộc (Cẩm Xuyên) chia sẻ: "Lợn tại trang trại đã được lấp đầy quy mô, đảm bảo hoạt động sản xuất ổn định cho HTX. Đối với 300 con lợn giống đang có, chúng tôi sẽ xuất bán ra thị trường 100 con, còn lại sẽ giữ để nuôi lợn thịt, chuẩn bị nguồn hàng bán ra dịp tết. Thời gian tới, hơn 400 con nái sẽ tiếp tục sinh sản, đảm bảo cung ứng lợn con tại chỗ để quay vòng sản xuất”.

“Khoảng 20 ngày nữa HTX sẽ nhập thêm 200 con lợn bố mẹ từ Thái Lan nhằm thay thế một số lợn nái không đạt chất lượng để sinh sản. Trang trại của chúng tôi cũng đang có trên 700 con lợn giống từ 7 – 19 kg, sẽ giữ lại để nuôi, dự kiến xuất bán số lượng lớn ra thị trường vào dịp Tết” - Giám đốc HTX Chăn nuôi Hợp Lực (Cẩm Xuyên) Phạm Văn Cảnh cho hay.

Khuyến khích tái đàn đảm bảo an toàn sinh học, phát triển bền vững

Hết dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi Hà Tĩnh yên tâm tái đàn “đón” Tết

Quá trình tái đàn trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục đảm bảo an toàn sinh học, vệ sinh môi trường.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên Lê Văn Danh cho biết: “Từ tháng 4 đến nay, quá trình tái đàn tại địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Vì thế, chúng tôi phải thường xuyên hướng dẫn và khuyến cáo chỉ nên tái đàn khi đã đảm bảo an toàn sinh học, lựa chọn nguồn giống chất lượng, chú ý vệ sinh môi trường”.

Thời điểm này, tỉnh đang triển khai gói hỗ trợ chăn nuôi theo Nghị quyết 214/2020/NQ – HĐND về một số chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19.

Theo đó, những hộ, trang trại đủ điều kiện theo quy định được hỗ trợ 5 triệu đồng/con lợn nái hậu bị, tối đa 150 triệu đồng/trang trại, 1 triệu đồng/con lợn giống thương phẩm, tối đa 20 triệu đồng/hộ. Đây là cơ hội để người chăn nuôi được hưởng chính sách, thực hiện tái đàn, đảm bảo chăn nuôi bền vững, an toàn.

Hết dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi Hà Tĩnh yên tâm tái đàn “đón” Tết

Với những hộ, trang trại đủ điều kiện, tỉnh hỗ trợ 5 triệu đồng/con lợn nái hậu bị, tối đa 150 triệu đồng/trang trại.

Nhờ tích cực triển khai các biện pháp khôi phục chăn nuôi, tổng đàn lợn toàn tỉnh đến nay đạt hơn 362.500 con, tăng 2% so với thời điểm cuối năm 2019 và đạt 95% kế hoạch năm. Trong đó, đàn lợn nái có trên 37.240 con, tăng 6% so với cuối năm 2019.

Tuy nhiên, người chăn nuôi cũng cần thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, giá cả, thực hiện đúng khuyến cáo của các ngành chức năng về quy trình vệ sinh chuồng trại, kiểm soát người, phương tiện ra, vào khu vực chăn nuôi, xử lý thức ăn… nhằm duy trì môi trường an toàn dịch bệnh cho đàn lợn trong thời gian dài và cung ứng ra thị trường vào các tháng cuối năm nay.

Ông Trần Hùng - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh cho biết: "Xu hướng trong thời gian tới vẫn là kiên trì phát triển mô hình chăn nuôi lợn nái, lợn thịt quy mô lớn liên kết theo chuỗi với các công ty, doanh nghiệp; tiếp tục kiểm soát, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; kịp thời nắm bắt diễn biến mới của dịch để chủ động các biện pháp xử lý”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast