HTX đầu tiên ở Hà Tĩnh thuê gần 28 ha đất sản xuất cánh đồng mẫu lớn

(Baohatinh.vn) - HTX thuê 27,9 ha đất của 154 hộ dân ở Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà - Hà Tĩnh) trong 5 năm với giá 60 kg thóc/sào/năm, quy đổi thành tiền.

Vụ hè thu 2020, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn (HTX Bắc Sơn - xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà) thuê 27,9 ha đất sản xuất xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Đây là mô hình tích tụ ruộng đất đầu tiên của Hà Tĩnh triển khai theo cơ chế này.

Tập trung phá bờ thửa nhỏ

HTX đầu tiên ở Hà Tĩnh thuê gần 28 ha đất sản xuất cánh đồng mẫu lớn

Sáng 23/5, xã Lưu Vĩnh Sơn, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn khởi công xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại xứ đồng Thiên Đình.

Sáng sớm 23/5, xứ đồng Thiên Đình (xã Lưu Vĩnh Sơn) rộn rã khác thường. Tiếng máy xen lẫn tiếng nói cười vang cả cánh đồng. Những chiếc máy xúc ngoặm từng thớ đất, nhanh chóng phá tan những bờ thửa nhỏ lẻ, tạo hình những cánh đồng mẫu lớn.

Người dân, chính quyền, HTX Bắc Sơn đều hồ hởi, tin tưởng vào cuộc “cách mạng” ruộng đất. Họ tin rằng, cách làm mới sẽ thay đổi hoàn toàn lối sản xuất manh mún đã ăn sâu vào nếp nghĩ bao đời của người nông dân, mở ra triển vọng sản xuất hàng hóa của “vựa lúa” Thạch Hà.

HTX đầu tiên ở Hà Tĩnh thuê gần 28 ha đất sản xuất cánh đồng mẫu lớn

Giai đoạn 1, HTX phá bờ thửa nhỏ, tạo hình thửa lớn trên diện tích 7 ha.

Ông Dương Anh Dũng - Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn phấn khởi: “Khi HTX Bắc Sơn có nhu cầu thuê đất sản xuất của dân để tích tụ, chính quyền vào cuộc nắm bắt tình hình. Trên cơ sở tuyên truyền chủ trương, người dân đồng thuận, xã đã chứng kiến bản hợp đồng giữa HTX với các hộ cho thuê đất.

HTX đã thuê 27,9 ha của 154 hộ dân tại 2 thôn Đông Tiến và Lộc Ân trong 5 năm. Giá thuê là 60 kg thóc/sào/năm, quy đổi thành tiền”.

HTX đầu tiên ở Hà Tĩnh thuê gần 28 ha đất sản xuất cánh đồng mẫu lớn

Máy xúc phá bờ thửa đến đâu, máy cày vào làm đất đến đó.

Chủ trương lớn này đã nhận được sự đồng thuận của người dân. Ông Hà Đăng Dũng (thôn Đông Tiến) cho biết: “Diện tích đất HTX thuê của gia đình tôi xa tầm 4 km, quãng đường đi lại sản xuất khó khăn trong khi năng suất không cao, từ 1,5 – 2 tạ/sào, trừ chi phí chỉ còn một nửa. Khi HTX đạt vấn đề thuê đất thực hiện cánh đồng mẫu lớn với giá cả hợp lý, gia đình tôi đã cho HTX thuê 5 sào ruộng”.

HTX đầu tiên ở Hà Tĩnh thuê gần 28 ha đất sản xuất cánh đồng mẫu lớn

HTX cắm mốc quy hoạch 15 vùng sản xuất.

Anh Trần Hậu Nhân – Giám đốc HTX Bắc Sơn chia sẻ: “HTX đã cắm mốc quy hoạch 15 vùng sản xuất, lộ trình sẽ phá bỏ 284 thửa đất nhỏ lẻ thành 50 thửa lớn với diện tích tối thiểu 0,5 ha/thửa. Sáng 23/5, HTX thuê máy móc triển khai giai đoạn 1, phá bỏ 7 ha xây dựng cánh đồng mẫu lớn, diện tích còn lại sẽ được phá bỏ sau khi thu hoạch hè thu. HTX cũng quy hoạch lại hạ tầng, xây kênh mương nội đồng hợp lý, đảm bảo sản xuất đạt hiệu quả cao nhất”.

Cánh đồng mẫu lớn đồng nhất giống nếp 98

Hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và các dịch vụ khác như phân bón… là lợi thế để HTX Bắc Sơn xây dựng cánh đồng mẫu lớn gắn sản xuất với tiêu thụ. Vụ hè thu này, HTX hợp đồng với doanh nghiệp mua giống chất lượng cao, sản xuất đồng loạt nếp 98 trên toàn bộ diện tích đã thuê.

HTX đầu tiên ở Hà Tĩnh thuê gần 28 ha đất sản xuất cánh đồng mẫu lớn

Vụ hè thu này, HTX sản xuất đồng loạt giống nếp 98 trên toàn bộ diện tích đã thuê.

Theo kế hoạch, HTX sẽ thành lập 15 tổ hợp tác để quản lý, chăm sóc 15 vùng sản xuất dưới sự quản lý của HTX; áp dụng tiến bộ khoa học vào canh tác nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hình thành chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến bao tiêu, xây dựng sản phẩm OCOP.

HTX đầu tiên ở Hà Tĩnh thuê gần 28 ha đất sản xuất cánh đồng mẫu lớn

Xã viên HTX bỏ phân chuẩn bị xuống giống sản xuất

Ông Nguyễn Văn Sáu – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà cho biết: Đây là mô hình tích tụ ruộng đất đầu tiên trong toàn tỉnh theo cơ chế HTX thuê lại đất của dân để sản xuất cánh đồng mẫu lớn.

Theo Nghị quyết số 123/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh, HTX sẽ được hỗ trợ phí thuê đất 2 năm đầu (tối đa 15 triệu/ha/năm); hỗ trợ kinh phí phá bỏ bờ thửa, làm phẳng mặt ruộng, cải tạo nâng cao độ phì nhiêu của đất… với mức 20 triệu/ha. Ngoài ra, huyện lồng ghép nguồn hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật với mức 50% kinh phí mua giống.

"Giai đoạn đầu bao giờ cũng khó khăn, huyện sẽ cùng đồng hành để tháo gỡ. Trước mắt, thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật cùng HTX theo dõi quá trình sinh trưởng, sâu bệnh của lúa để kịp thời xử lý. Đồng thời, đánh giá toàn diện, đầy đủ mô hình để làm tiền đề nhân rộng sau này” – ông Sáu nhấn mạnh.

Năm 2019, huyện Thạch Hà phá bỏ bờ thửa, hình thành ô thửa lớn trên 305 ha, đạt 100% chỉ tiêu giao. Kế hoạch năm 2020, huyện hình thành ô thửa lớn trên 350 ha. Đến thời điểm này, đã hoàn thành 160 ha.

Từ đây, từng bước thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, gieo cấy truyền thống hướng đến nền sản xuất nông nghiệp tập trung, hàng hóa, đồng nhất giống, quy trình và sản phẩm; giúp giảm chi phí và sức lao động, tăng diện tích, năng suất và thu nhập cho người dân.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast