Tôm, cua chết bất thường ở Nghi Xuân không phải do môi trường nước!

(Baohatinh.vn) - Theo cơ quan chức năng ngành nông nghiệp Hà Tĩnh, nguyên nhân chính gây ra tình trạng tôm, cua chết bất thường ở những hộ nuôi tôm quảng canh ven sông Lam tại 2 xã Đan Trường, Xuân Phổ (Nghi Xuân) là do bị bệnh đốm trắng.

Tôm, cua chết bất thường ở Nghi Xuân không phải do môi trường nước!

Ông Trần Quốc Cường ở thôn Lĩnh Thành, xã Đan Trường xả nước để xử lý ao nuôi vụ tôm mới.

Sau khi Báo Hà Tĩnh phản ánh bài viết “Tôm, cua nuôi quảng canh ven sông Lam ở Nghi Xuân bị chết bất thường”, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh và huyện Nghi Xuân đã sớm vào cuộc để tìm nguyên nhân, giải pháp xử lý nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro cho người nuôi trong những vụ tiếp theo.

Theo đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh có văn bản số 159/CCTY-QLTY về việc "Báo cáo thủy sản nuôi chết, bổ cứu việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh” gửi huyện Nghi Xuân. Huyện Nghi Xuân đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm (tôm thẻ bị chết) tại 2 xã Xuân Phổ và Đan Trường gửi Chi cục Thú y vùng 3 (TP Vinh - Nghệ An) xét nghiệm để tìm nguyên nhân gây nên tình trạng này.

Tôm, cua chết bất thường ở Nghi Xuân không phải do môi trường nước!

Ông Trần Quốc Tuấn ở thôn Trường An, xã Xuân Phổ xả nước để xử lý ao nuôi bằng vôi.

Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cũng đồng thời lấy mẫu nước ở 2 hộ nuôi có tôm, cua chết bất thường ở xã Đan Trường là Uông Hùng Dũng, Lê Đình Linh và mẫu nước tại cống Vạn Tường (Xuân Phổ) để phân tích các thông số môi trường.

Kết quả xét nghiệm từ Chi cục Thú y vùng 3 kết luận, nguyên nhân gây ra tình trạng tôm, cua chết bất thường là do bệnh đốm trắng.

Đối với mẫu nước, kết quả phân tích từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 1 (Từ Sơn - Bắc Ninh) khẳng định, các thông số môi trường nước như: N-NH4,COD,TSS và tảo độc đều ở ngưỡng cho phép và không phải là nguyên nhân khiến tôm, cua bị chết.

Ngay sau đó, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh ra văn bản số 126/NS-NTTS đề nghị huyện Nghi Xuân thông báo kết quả đến 2 xã Đan Trường, Xuân Phổ và các hộ nuôi để có kế hoạch sản xuất hợp lý, áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm quản lý tốt môi trường ao nuôi, phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro.

Tôm, cua chết bất thường ở Nghi Xuân không phải do môi trường nước!

Hệ thống phân phối nước ở thôn Trường Giang - xã Đan Trường.

Ngày 21/4, UBND huyện Nghi Xuân ban hành quyết định phân bổ hóa chất sát trùng cho các địa phương phòng chống dịch bệnh thủy sản. Theo đó, phê duyệt phân bổ 7 tấn hóa chất Chlorine 65% từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương, trong đó Xuân Phổ 3 tấn, Đan Trường 2 tấn, còn lại là các địa phương khác để phục vụ phòng chống dịch bệnh.

Theo ông Hồ Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Đan Trường, sau khi có thông tin xác định nguyên nhân khiến tôm, cua bị chết, chính quyền đã thông báo cho các hộ nuôi được biết và thực hiện các giải pháp xử lý. Địa phương cũng khuyến cáo bà con mua con giống tại những cơ sở có uy tín, không vì hám rẻ trước mắt, mua tôm giống không đảm bảo chất lượng; đồng thời, khuyến cáo bà con tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi trồng để hạn chế thấp nhất các rủi ro.

Tôm, cua chết bất thường ở Nghi Xuân không phải do môi trường nước!

Ao nuôi tôm thâm canh của anh Đậu Xuân Thanh ở thôn Song Giang, xã Đan Trường được xử lý bằng Chlorine.

Đến thời điểm này, một số hộ nuôi ở xã Đan Trường và Xuân Phổ đã xả hết nước trong ao nuôi, tiến hành xử lý bằng vôi khối để khử khuẩn và làm sạch ao nuôi. Một số hộ khác đã tiếp tục thả con giống tôm thẻ, cua nhưng với số lượng không nhiều.

Theo Trưởng phòng NN&PTNT Lê Thanh Bình, mặc dù Chi cục Thú y và huyện Nghi Xuân đã cung cấp đủ hóa chất Chlorine để xử lý ao nuôi, khuyến cáo về quy trình kỹ thuật nuôi sau khi tôm, cua bị bệnh nhưng không phải hộ nuôi nào cũng thực hiện. Lý do được người dân đưa ra đối với việc không tuân thủ xử lý môi trường bằng hóa chất là sợ tôm tự nhiên (tôm đất) còn lại trong hồ không sinh sản được!

Bà Đặng Thị Thu Hoàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Đây là vùng nuôi quảng canh xen ghép truyền thống của huyện Nghi Xuân, thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh; thời tiết chuyển mùa gây ảnh hưởng lớn tới các yếu tố môi trường nuôi trong ao hồ và sức đề kháng của tôm.

Không những thế, người nuôi thiếu hiểu biết trong quá trình xử lý, khi dịch bùng phát có thể gây ảnh hưởng đến các vùng nuôi khác trên địa bàn do vi-rút mang mầm bệnh theo dòng nước đưa ra ngoài. Đặc biệt, việc người dân không tuân thủ đúng quy trình xử lý mầm bệnh theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, tiếp tục mua tôm, cua về thả có thể dẫn đến thiệt hại tiếp vì vi-rút vẫn còn trong môi trường nuôi. Theo quy trình, sau khi xử lý hóa chất, vệ sinh ao hồ thì ít nhất 15 - 20 ngày mới được thả nuôi đợt mới".

Theo số liệu của Phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân, trên địa bàn hiện có 79 hộ dân nuôi tôm theo hình thức quảng canh ven sông Lam với tổng diện tích 234,5 ha. Trong đó, xã Đan Trường có 62 hộ với tổng diện tích 202,1 ha; xã Xuân Phổ 17 hộ với 32,4 ha. Năng suất bình quân hằng năm đạt 5 - 7 tạ/ha. Ngoài nuôi tôm, các hộ còn nuôi thêm cua; sản lượng năm 2021 ở xã Xuân Phổ đạt 3,4 tấn và xã Đan Trường là 1,5 tấn. Vụ tôm vừa qua, xã Đan Trường có 14 hộ nuôi diện tích 39,84 ha, Xuân Phổ có 4 hộ nuôi diện tích 11,95 ha bị thiệt hại do tôm, cua chết bất thường với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng.

Tin liên quan:

Hoài Nam

Chủ đề Dịch bệnh cây trồng - vật nuôi

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast