Được mùa lúa hè thu và câu chuyện tiêu thụ nông sản ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Vụ lúa hè thu năm 2021 ở Hà Tĩnh đạt năng suất cao nhất từ trước tới nay, nhưng sẽ trọn vẹn hơn nếu như không gặp khó khăn về giá và thị trường tiêu thụ.

Được mùa lúa hè thu và câu chuyện tiêu thụ nông sản ở Hà Tĩnh

Năng suất lúa hè thu bình quân toàn tỉnh đạt 50,25 tạ/ha trong vụ hè thu 2021

Năng suất lúa hè thu xác lập kỷ lục mới

Đánh giá mới nhất của Sở NN&PTNT đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hoạch 95% diện tích lúa hè thu, “về đích” an toàn trước thời điểm bất lợi nhất của thời tiết. Năng suất vụ lúa này ở Hà Tĩnh đạt 50,25 tạ/ha, cao hơn vụ hè thu 2020 khoảng 3,04 tạ/ha, trở thành vụ hè thu có năng suất cao nhất từ trước tới nay. Năng suất này thậm chí còn vượt dự tính của ngành chuyên môn đưa ra vào đầu vụ thu hoạch với mức 48 tạ/ha.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Có nhiều yếu tố giúp vụ hè thu năm nay đạt năng suất vượt trội. Thời tiết khá thuận lợi suốt mùa vụ, không xuất hiện nhiều các đợt mưa lớn bất thường hay hạn hán gay gắt như nhiều năm trước. Vụ xuân kết thúc sớm nên các địa phương đã tranh thủ được thời gian “vàng” để gieo cấy sớm lúa hè thu và chủ động khá tốt về thời vụ. Cùng với đó, việc các địa phương cơ cấu đồng nhất nhóm giống ngắn ngày, mở rộng hình thức sản xuất theo mô hình phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn đã tạo sự đồng đều, tập trung cao cho đồng ruộng”.

Được mùa lúa hè thu và câu chuyện tiêu thụ nông sản ở Hà Tĩnh

Cẩm Xuyên là địa phương dẫn đầu tỉnh cả về năng suất lẫn tiến độ thu hoạch.

Dẫn đầu năng suất là huyện Cẩm Xuyên với đạt 56,2 tạ/ha, đây cũng là địa phương đầu tiên hoàn thành thu hoạch, từ ngày 5/9. Ở một số vùng lúa trọng điểm như: Cẩm Thành, Cẩm Bình, Cẩm Duệ… năng suất còn đạt 58 - 60 tạ/ha.

Bà Nguyễn Thị Hoa (thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Chưa bao giờ năng suất vụ hè thu cao như thế này, có những cánh đồng đạt ngang ngửa vụ xuân. Nhà tôi làm 1,3 mẫu ruộng, thu về gần 4 tấn lúa, nhất là lúa KD18, có ruộng đạt 3,5 tạ/sào”.

Ngoài yếu tố thời tiết, cơ cấu 100% giống lúa ngắn ngày thì điều làm nên sự khác biệt cho Cẩm Xuyên chính là kết quả của quá trình chuyển đổi từ ô thửa nhỏ sang ô thửa lớn và sản xuất đồng nhất một loại giống trên cánh đồng lớn. Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên, hiện có 16/21 xã, thị trấn triển khai phá bờ thửa nhỏ hình thành ô thửa lớn để sản xuất đồng nhất cùng một loại giống với diện tích triển khai là 752 ha.

Được mùa lúa hè thu và câu chuyện tiêu thụ nông sản ở Hà Tĩnh

Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hoạch 95% diện tích lúa hè thu

Ông Lê Văn Danh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Việc thực hiện chủ trương phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn đã thể hiện hiệu quả rõ rệt trên đồng ruộng. Năng suất tăng dần với 56,2 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha so với vụ hè thu 2020; hiệu quả kinh tế tăng khoảng 4,9 triệu đồng/ha so với sản xuất truyền thống. Đặc biệt, các địa phương đã hình thành được những cánh đồng mẫu lớn, đồng nhất một loại giống nhằm tăng giá trị hàng hóa và thay đổi tập quán sản xuất của bà con".

Ngoài Cẩm Xuyên, một số địa phương có diện tích ô thửa lớn nhiều như: Can Lộc (930 ha), Thạch Hà (350 ha), huyện Kỳ Anh (230 ha) cũng cho năng suất vụ lúa hè thu nằm trong “top” 4 địa phương cao nhất tỉnh. Trong đó. huyện Kỳ Anh đạt 53 tạ/ha, Can Lộc 52,27 tạ/ha, Thạch Hà 51,5 tạ/ha. Theo ước tính, hiệu quả kinh tế của vụ hè thu năm nay ở các địa phương này tăng khoảng từ 15 - 20% so với sản xuất truyền thống trước đó.

Được mùa lúa hè thu và câu chuyện tiêu thụ nông sản ở Hà Tĩnh

Dù không nhiều lợi thế, song bà con nông dân Lộc Hà vẫn coi đây là vụ thu hoạch tốt nhất trong nhiều năm nay.

Trong khi đó, Đức Thọ vẫn bền bỉ với dòng lúa chất lượng. Năm nay, huyện cơ cấu 100% giống lúa chất lượng cao với năng suất bình quân cuối vụ đạt 50,20 tạ/ha. Điều đáng nói, với thương hiệu vùng sản xuất lúa gạo ngon nhất, chất lượng nhất Hà Tĩnh, sản phẩm của Đức Thọ luôn được các thị trường “rộng cửa” chào đón và nhiều doanh nghiệp liên kết đầu tư.

Những địa phương không có nhiều lợi thế sản xuất vụ hè thu như: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Lộc Hà, năng suất bình quân ở vào khoảng 30 - 46 tạ/ha. Dù sự chênh lệch khá lớn với những huyện trọng điểm sản xuất lúa, song những thuận lợi về thời tiết mà vụ hè thu 2021 đưa lại cũng giúp những địa phương này bảo toàn được năng suất cho bà con nông dân.

Quan tâm hơn đến chuỗi kết nối tiêu thụ nông sản

Đối với Hà Tĩnh, sản xuất lúa gạo thực hiện 2 nhiệm vụ chính: an ninh lương thực và hàng hóa. Trong đó, vụ xuân thường số lượng gạo tích trữ, dự phòng an ninh lương thực, còn vụ hè thu lâu nay bà con nông dân vẫn “ngầm” mặc định là mùa làm hàng hóa. Các loại giống sản xuất chủ yếu là: KD18, XM12, Nếp 98, DT39…

Tuy nhiên, vụ hè thu 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp đã khiến cho đồng ruộng không còn nhộn nhịp thu mua như trước. Không chỉ những tiểu thương ngoài tỉnh mà ngay cả doanh nghiệp, đầu mối trong tỉnh cũng giảm nhu cầu.

Ông Nguyễn Như Vượng (thôn Nam Thắng, xã Thạch Thắng, Thạch Hà) cho biết: “Cánh đồng chúng tôi sản xuất rộng 20 ha, làm chỉ một giống KD18. Năm ngoái, lúa gặt xong lên bờ là xe tải đứng chờ để cân đong, thu mua lúa tươi ngay tại chân ruộng. Năm nay tất cả đều phải cho lên xe ba gác vận chuyển về nhà vì không ai hỏi mua”.

Được mùa lúa hè thu và câu chuyện tiêu thụ nông sản ở Hà Tĩnh

Ông Nguyễn Như Vượng ở thôn Nam Thắng, xã Thạch Thắng (Thạch Hà) đưa lúa về nhà vì năm nay giá lúa tại chân ruộng rẻ và ít người mua.

Không chỉ vậy, khi người nông dân tăng cao diện tích sản xuất để tranh thủ giá bán và lượng tiêu thụ lớn như mọi năm thì cuối vụ hè thu 2021, giá lúa KD18 lại ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Giá lúa tươi KD18 tại chân ruộng chỉ khoảng 4.300 - 4.800 đồng/kg; lúa khô 5.800 đồng/kg, giảm 1.200 đồng/kg. Những dòng chất lượng như nếp 98, DT39… ở mức giá từ 5.100 - 6.000 đồng/kg.

“Trên thực tế, năng lực thu mua, tích trữ lúa gạo của doanh nghiệp nội tỉnh còn hạn chế, chưa đủ khả năng để bao tiêu số lượng lớn lúa tươi cùng một thời điểm tại địa bàn. Mặc dù việc thu mua lúa gạo ở Hà Tĩnh không căng thẳng như những tỉnh, thành chuyên canh lúa, song việc phụ thuộc chủ yếu vào thương lái vẫn gây ra sự bị động về sản xuất, khả năng tiêu thụ và giá cả vào cuối vụ cho bà con nông dân” - ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết thêm.

Còn ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH KC Hà Tĩnh Nguyễn Khánh Tùng cho hay: Các địa phương cần xây dựng kênh kết nối tiêu thụ bằng các tổ hợp tác, hợp tác xã. Những đơn vị này sẽ đứng ra chịu trách nhiệm thu gom và kết nối tiêu thụ với doanh nghiệp, như vậy mới phát huy được chuỗi cung ứng từ nông dân - doanh nghiệp một cách hiệu quả và chuyên nghiệp nhất. Bằng không, kể cả doanh nghiệp có nhu cầu thu mua lớn nhưng không đủ nhân lực, máy móc, phương tiện để tiến hành thu mua đơn lẻ ở từng địa phương trừ những diện tích đã liên kết theo hợp đồng trước đó.

Hà Tĩnh đang tiếp tục mở rộng việc thực hiện phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn, tiến đến sản xuất cánh đồng mẫu, tích tụ ruộng đất. Ngoài việc cải tạo đồng ruộng thì tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa đang ngày càng rõ nét trên cánh đồng. Để bà con nông dân có những vụ mùa trọn vẹn cả năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, hơn lúc nào hết, việc xây dựng chuỗi kết nối tiêu thụ nông sản cần được quan tâm thực hiện.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast