Được mùa cây trồng cạn, nghĩ về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ ở Lộc Hà

(Baohatinh.vn) - Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang sản xuất lạc và vừng hè thu đã giúp nhiều nông dân ở Lộc Hà (Hà Tĩnh) tăng cao thu nhập. Tuy nhiên, quá trình này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Được mùa cây trồng cạn, nghĩ về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ ở Lộc Hà

Vụ hè thu 2021, xã Thạch Châu sản xuất 100 ha vừng, 25 ha lạc .

Vụ hè thu 2021, huyện Lộc Hà sản xuất hơn 60 ha lạc; gần 150 ha vừng và 61 ha đậu xanh. Diện tích tập trung nhiều nhất là ở xã Thạch Châu với 100 ha vừng và 25 ha lạc. Cùng với đó, các xã: Bình An, Thạch Mỹ, thị trấn Lộc Hà cũng có diện tích cây trồng cạn khá lớn của huyện Lộc Hà.

Nhờ thời tiết thuận lợi, các loại cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt và trở thành một trong những cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao ở địa phương, nhất là lạc và vừng. Bình quân mỗi sào vừng cho năng suất đạt 40 kg, có những nơi đạt 60 -70 kg. Với giá bán 45 nghìn đồng/kg thì người nông dân sẽ thu về 1,8 triệu đồng/sào (36 triệu đồng/ha). Đến thời điểm này, cây lạc hè thu ở Lộc Hà cơ bản đã thu hoạch xong.

Đối với cây lạc, mặc dù không phải là cây trồng mới và vụ hè thu cũng không phải vụ sản xuất chính, tuy nhiên, nhiều năm nay, bà con nông dân Thạch Châu vẫn phát triển cây trồng này và ứng dụng nhiều loại giống mới, tăng năng suất, thu nhập trên đơn vị diện tích. Năm nay, năng suất lạc hè thu đạt bình quân 80 - 100 kg/sào, nơi cao 120 kg/sào.

Được mùa cây trồng cạn, nghĩ về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ ở Lộc Hà

Theo bà con, cây lạc cho thu nhập cao gấp 6 lần, cây vừng cho thu nhập gấp 3 lần so với trồng lúa mùa.

Ông Lê Văn Hải - Trưởng thôn Kim Ngọc, xã Thạch Châu cho biết, nhà ông làm 2,5 sào lạc giống, cho sản lượng 250 kg. Với giá bán lạc giống 40 nghìn đồng/kg thì gia đình ông thu về 10 triệu đồng.

Tính ra, mỗi ha lạc cho thu nhập khoảng 70 - 80 triệu đồng. Cùng diện tích đó nếu sản xuất lúa mùa thì chỉ thu về khoảng 12 triệu đồng (năng suất đạt 100 - 120 kg/sào). Năm nào bị hạn hán, sâu bệnh thì mỗi sào chỉ đạt 30 - 40 kg, thậm chí là mất trắng. Theo tính toán của người sản xuất thì cây lạc cho thu nhập cao gấp 6 lần, cây vừng cho thu nhập gấp 3 lần so với trồng lúa mùa.

Theo ông Lê Văn Thông - Chủ tịch UBND xã Thạch Châu: “Ngay từ đầu năm, xã đã xây dựng kế hoạch sản xuất các loại cây trồng, đồng thời tuyên truyền bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ nhằm tăng hệ số sử dụng đất và giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Tuy đã có những kết quả nhất định, song quá trình chuyển đổi vẫn còn khó khăn do tập quán của bà con nông dân”.

Ông Võ Tá Bình - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho hay, do điều kiện canh tác khó khăn, đất cát bạc màu, chua phèn, nguồn nước tưới không ổn định; đồng ruộng nhiều nơi sâu trũng; một số bà con có tâm lý ngại thay đổi nên quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích cây trồng cạn vẫn còn hạn chế. Năm 2021, toàn huyện Lộc Hà có trên 500 ha chỉ canh tác 1 vụ.

Được mùa cây trồng cạn, nghĩ về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ ở Lộc Hà

Bà con nông dân ở Lộc Hà phấn khởi vì năng suất lạc hè thu đạt khá, giá bán ổn định.

Trên thực tế, bên cạnh những khó khăn khách quan về khí hậu, đầu ra sản phẩm, giá trị thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp, chênh lệch với các ngành nghề khác khiến cho nông dân không mặn mà đầu tư thì quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Lộc Hà chậm còn do sự trì trệ của một số cán bộ, đảng viên và người sản xuất. Việc tổ chức, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp chưa quyết liệt, thiếu giải pháp đồng bộ; nhất là việc quy hoạch vùng sản xuất còn manh mún, thiếu đồng bộ. Nhiều địa phương chưa quan tâm việc lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp với chất đất, khí hậu để tăng hiệu quả kinh tế.

Bên cạnh đó, địa phương chưa có cơ chế chính sách hợp lý thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến, tiêu thụ sản phẩm; việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn hạn chế. Do đó, nhiều mô hình dù được đầu tư khá bài bản nhưng khó nhân rộng, thiếu bền vững vì thiếu liên kết chuỗi từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương đúng đắn nhằm hướng đến phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng yếu để đạt mục tiêu nâng cao đời sống của người dân. Vì vậy, cần có giải pháp hiệu quả hơn nữa để thực hiện tốt chủ trương này phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Được giới thiệu có nguồn gốc từ Nhật Bản, các sản phẩm hàng hóa đã cũ kỹ vẫn được nhiều người dân Hà Tĩnh mua và sử dụng. Vậy, việc kinh doanh loại hàng này liệu có hợp pháp?
Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Cầu số 2 và cầu số 3 bắc qua sông Sóc thuộc xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hiện đã hư hỏng và không có lan can, khiến nhiều người di chuyển qua đây bị rơi xuống sông.
Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Kênh Vách Nam có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho một số vùng của thị trấn Thạch Hà và các xã: Thạch Ngọc, Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh), tuy vậy, việc phát quang, dọn dẹp cây bụi hai bên kênh lại chưa được chú trọng.
Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.