Vũ Quang thí điểm 2 mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ

(Baohatinh.vn) - Việc chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ sẽ giúp người dân Vũ Quang (Hà Tĩnh) giảm chi phí sản xuất, tạo ra những sản phẩm sạch, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Vũ Quang thí điểm 2 mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ

Lãnh đạo huyện Vũ Quang tham quan mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ của bà Võ Thị Thanh Kỷ ở thôn 1 (xã Ân Phú).

Sau khi tham quan, học hỏi mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học 4F (Farm - Food - Feed - Fertilizer (trang trại - thành phẩm - thức ăn chăn nuôi - phân bón hữu cơ) của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm tại tỉnh Thừa Thiên Huế, huyện Vũ Quang đã chỉ đạo phối hợp với công ty này nuôi thí điểm 2 mô hình trên địa bàn, với số lượng 7 con lợn nái sinh sản đã được phối giống.

Theo đó, 2 mô hình được nuôi tại hộ bà Võ Thị Thanh Kỷ ở thôn 1 (xã Ân Phú) số lượng 2 con và hộ ông Nguyễn Minh Khoa ở thôn 7 (xã Đức Bồng) số lượng 5 con.

Vũ Quang thí điểm 2 mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ

Chăn nuôi theo mô hình hữu cơ, bà Võ Thị Thanh Kỷ ở thôn 1 (xã Ân Phú) đã biết cách phối trộn những nguyên liệu sẵn có tại nhà để làm thức ăn cho lợn.

Bà Võ Thị Thanh Kỷ ở thôn 1 (xã Ân Phú) cho biết: "Nhờ chăn nuôi theo mô hình hữu cơ mà tôi đã biết cách phối trộn những nguyên liệu sẵn có tại nhà để làm thức ăn cho lợn, không mất tiền đầu tư vào thức ăn công nghiệp như trước. Hơn thế, qua 2 tuần thực hiện mô hình, môi trường xung quanh gia đình tôi đã giảm sự ô nhiễm và tiết kiệm được nguồn nước.

Bên cạnh đó, gia đình cũng giảm được khá nhiều công sức lao động khi không cần thu dọn phân thường xuyên như trước mà lợn vẫn khỏe mạnh, hạn chế được các mầm bệnh gây hại. Quan trọng hơn cả là hình thức nuôi này sẽ mang lại nguồn thịt sạch, bán được với giá cao hơn".

Vũ Quang thí điểm 2 mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ

Ông Nguyễn Minh Khoa ở thôn 7 (xã Đức Bồng) mạnh dạn nuôi thử nghiệm 5 con lợn nái sinh sản sau khi học hỏi quy trình chăn nuôi lợn hữu cơ Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm.

Ông Nguyễn Minh Khoa ở thôn 7 (xã Đức Bồng) cho biết: “Sau khi được tham quan mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ, thân thiện với môi trường của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm, gia đình đã mạnh dạn đầu tư hơn 200 triệu đồng để xây dựng chuồng trại. Bước đầu, gia đình mới nuôi thử nghiệm 5 con lợn nái sinh sản, sau thời gian đánh giá, nếu hiệu quả, chúng tôi sẽ mở rộng quy mô lên 10 con lợn nái và 80 con lợn thịt”.

Cũng theo ông Khoa, dù mới nuôi thử nghiệm được hơn hai tuần nhưng đàn lợn nái phát triển tốt hơn so với phương thức chăn nuôi cũ. Đặc biệt, khu vực nuôi không có mùi hôi thối như trước, phân được ủ tơi, rất hữu ích cho bón cam.

Vũ Quang thí điểm 2 mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ

Mô hình thí điểm sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cây trồng, thay đổi phương thức chăn nuôi cho người dân Vũ Quang.

Theo ngành chuyên môn huyện Vũ Quang, mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ giúp giảm chi phí sản xuất, tạo ra những sản phẩm sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, từ đó tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế, đặc trưng cho địa phương.

Đặc biệt, mô hình sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cây trồng, thay đổi phương thức chăn nuôi cho người dân địa phương. Đây cũng là cách làm nông nghiệp mà huyện đang hướng tới.

Vũ Quang thí điểm 2 mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ

Thời gian tới, huyện Vũ Quang sẽ tiếp tục khảo sát, nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ.

Ông Nguyễn Trường Thọ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang cho biết: “Bước đầu, mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ đã mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi khi có thể tiết kiệm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm, lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đây là bước đệm quan trọng đưa ngành chăn nuôi của địa phương phát triển theo hướng bền vững. Ngoài ra, thông qua mô hình sẽ giúp địa phương quản lý tốt dịch bệnh, từng bước thay thế cách nuôi lợn truyền thống theo hướng công nghiệp sang nuôi lợn hữu cơ”.

Cũng theo ông Thọ, thời điểm hiện tại, địa phương đã có thêm 10 hộ đăng kí chăn nuôi lợn hữu cơ, với số lượng 30 con lợn nái sinh sản. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục khảo sát, nhân rộng mô hình và phát triển các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm để bà con yên tâm chăn nuôi, tạo ra các sản phẩm thịt lợn hữu cơ an toàn, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

15 cầu tràn ở Hương Sơn bị ngập cục bộ

15 cầu tràn ở Hương Sơn bị ngập cục bộ

Tính đến trưa 18/9, trên địa bàn huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) có 15 cầu tràn bị ngập nước. Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, các địa phương đã lắp đặt sào chắn, cắm biển cảnh báo.
Người dân các địa bàn phía Nam Hà Tĩnh nhanh tay ứng phó với mưa bão

Người dân các địa bàn phía Nam Hà Tĩnh nhanh tay ứng phó với mưa bão

Huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh được dự báo là các địa bàn nằm trong vùng ảnh hưởng của áp thấp có thể mạnh lên thành bão tại Hà Tĩnh. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, địa phương đã kêu gọi toàn bộ tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn; người trồng đào, mai cũng gấp rút triển khai bảo vệ cây trồng.
 Dưa lưới VietGAP Thạch Lạc vào vụ thu hoạch

Dưa lưới VietGAP Thạch Lạc vào vụ thu hoạch

Sau 2 tháng gieo trồng, đến nay, hơn 3.000 m2 diện tích sản xuất dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP của HT Farm xã Thạch Lạc (Thạch Hà, Hà Tĩnh) chính thức cho thu hoạch vụ thứ 2.
Trồng nấm bằng công nghệ làm mát

Trồng nấm bằng công nghệ làm mát

Sử dụng hệ thống làm mát, anh Kiều Ngọc Bính ở thôn Yên Nam, xã Xuân Yên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) trồng hàng vạn nấm sò, bước đầu thành công mang lại hiệu quả kinh tế.