OCOP thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất kinh tế tập thể Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Các tổ hợp tác, hợp tác xã xây dựng sản phẩm OCOP ở Hà Tĩnh đã góp phần quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết sản xuất.

Gia đình bà Lê Thị Lan (thôn Lâm Đồng, xã Sơn Lâm, Hương Sơn) đã hơn 40 năm nuôi hươu. Nghiệm lại quá trình chăn nuôi bà thấy có sản phẩm tốt chưa phải là thắng lợi hoàn toàn bởi người nông dân bao giờ cũng bị động thị trường, bị ép giá.

Nỗi lo về đầu ra sản phẩm được hóa giải khi gia đình bà Lan liên kết cung cấp nguồn nguyên liệu nhung hươu cho Cơ sở nhung hươu Hương Luật (thuộc HTX Dịch vụ hươu giống, nhung huơu, mật ong Sơn Lâm).

OCOP thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất kinh tế tập thể Hà Tĩnh

Bà Lê Thị Lan ở xã Sơn Lâm (bên trái) phấn khởi khi liên kết cung cấp sản phẩm cho Cơ sở nhung hươu Hương Luật.

Bà Lan hài lòng: “Trong làng có HTX chuyên thu mua nhung hươu lợi cho người nông dân nhiều. Trước đây, chúng tôi thường bị thương lái ép giá, nhất là thời điểm sau tết Nguyên đán khi nguồn cung lớn. Tuy nhiên, từ năm 2012 lại nay, HTX bao tiêu với mức giá ổn định (từ 11 - 11,5 triệu đồng/kg), trong khi thương lái thu mua trước đây chỉ dao động từ 8 – 10 triệu đồng/kg. Do vậy, từ chỗ nuôi vài con nay chúng tôi đã tăng quy mô lên 13 con và có chi phí đầu tư đổi con giống chất lượng, nâng cao giá trị nhung hươu. Mỗi năm gia đình thu trên 200 triệu đồng từ nhung hươu và khoảng 50 triệu tiền hươu giống”.

OCOP thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất kinh tế tập thể Hà Tĩnh

Đầu ra ổn định, người nuôi hươu có điều kiện mở rộng quy mô gắn với nâng cao chất lượng đàn hươu.

Không riêng gia đình bà Lan mà nhiều hộ chăn nuôi hươu trên địa bàn huyện Hương Sơn đều được bao tiêu sản phẩm tại chỗ.

Bà Lê Thị Hương – chủ cơ sở nhung hươu Hương Luật cho biết: “Chúng tôi đang liên kết sản xuất với trên 50 hộ chăn nuôi hươu ở các xã Sơn Lâm, Sơn Hồng, Sơn Giang… Theo đó, 100% nhung hươu sau thu hoạch được chúng tôi thu mua kịp thời. Với sự hợp tác này, nông dân được bao tiêu sản phẩm tại chỗ với mức giá cao so với mặt bằng chung, trong khi HTX đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng, phục vụ cho quy trình sản xuất”.

OCOP thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất kinh tế tập thể Hà Tĩnh

Rượu nhung hươu Hương Luật là sản phẩm OCOP 3 sao có tiếng trên thị trường.

Được biết, từ nhung hươu của nông dân, Cơ sở nhung hươu Hương Luật đã chế biến 4 loại sản phẩm gồm: rượu nhung hươu, nhung hươu tươi, nhung hươu khô thái lát và nhung hươu khô tán bột.

Trong đó, rượu nhung hươu là sản phẩm OCOP 3 sao có tiếng trên thị trường. Khi Cơ sở nhung hươu Hương Luật mở rộng sản xuất cũng là lúc người chăn nuôi hươu trên địa bàn có điều kiện tăng quy mô đàn gắn với các biện pháp cải tạo con giống, nâng cao chất lượng sản phẩm.

OCOP thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất kinh tế tập thể Hà Tĩnh

Năm 2021, HTX Thu mua chế biển thủy hải sản Phú Khương dự kiến thu mua khoảng 500 tấn nguyên liệu cho ngư dân.

Từ khi HTX Thu mua, chế biến thủy hải sản Phú Khương (xã Kỳ Xuân - huyện Kỳ Anh) xây dựng thành công sản phẩm OCOP 3 sao nước mắm Phú Khương cũng là lúc kênh tiêu thụ được mở rộng. Để đáp ứng quy mô sản xuất, HTX đã chủ động liên kết với ngư dân trên địa bàn để thu mua nguyên liệu.

Bà Lê Thị Khương - Giám đốc HTX Thu mua, chế biến thủy hải sản Phú Khương chia sẻ: “Tôi luôn nắm lịch ra khơi của ngư dân để chuẩn bị các điều kiện thu mua, kho bãi phơi sấy và hạ tầng chế biến. Nhờ mối liên kết này, bà con ngư dân được tiêu thụ sản phẩm ngay khi vào bờ mà không bị ép giá, còn HTX lại có nguồn nguyên liệu tươi ngon phục vụ chế biến. Năm 2021, HTX đặt mục tiêu thu mua khoảng 500 tấn cá, ruốc biển cho ngư dân huyện Kỳ Anh, trị giá trên 10 tỷ đồng”.

OCOP thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất kinh tế tập thể Hà Tĩnh

Nước mắm Phú Khương là sản phẩm OCOP 3 sao.

Sản phẩm OCOP dầu lạc, dầu vừng của HTX Kinh doanh nông sản Thiện Hóa (thôn 5 – xã Sơn Bình – Hương Sơn) đã khá quen thuộc với thị trường trong và ngoài tỉnh. Trước nhu cầu gia tăng, HTX đã đầu tư công nghệ ép dầu hiện đại và mở rộng phạm vi thu mua nguyên liệu.

Ông Phạm Đình Thiện – Giám đốc HTX Kinh doanh nông sản Thiện Hóa thông tin: “Có nguồn nguyên liệu tại chỗ trong Nhân dân là điều kiện thuận lợi cho quá trình sản xuất của HTX. Mỗi năm, chúng tôi đã thu mua cho nông dân các xã trên địa bàn Hương Sơn khoảng 250 tấn lạc, trên 35 tấn vừng với mức giá phù hợp”.

OCOP thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất kinh tế tập thể Hà Tĩnh

Công nhân HTX Kinh doanh nông sản Thiện Hóa (Hương Sơn) đóng gói sản phẩm dầu lạc.

Ông Nguyễn Huy Lợi – Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết: “Đầu ra sản phẩm là mối lo thường nhật của nhà nông. Việc xây dựng sản phẩm OCOP của HTX Kinh doanh nông sản Thiện Hóa góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, tiêu thụ nông sản cho nông dân trên địa bàn và nhiều xã lân cận. Chủ động đầu ra, nông dân yên tâm mở rộng quy mô sản xuất, chú trọng các biện pháp chăm sóc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

OCOP thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất kinh tế tập thể Hà Tĩnh

HTX Kinh doanh nông sản Thiện Hóa thu mua cho nông dân Hương Sơn khoảng 250 tấn lạc, trên 35 tấn vừng/năm.

Ông Lê Đăng Phúc – Phó Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh thông tin: “Kinh tế tập thể là chủ thể phát triển các sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh. Riêng năm 2020, có 39 sản phẩm của 35 HTX, tổ hợp tác được công nhận sản phẩm OCOP (chiếm 44,8% sản phẩm OCOP của tỉnh). Nhiều HTX, tổ hợp tác đã thực hiện tốt việc bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, thúc đẩy chuỗi sản xuất khép kín. Để mối liên kết này bền vững, các HTX, tổ hợp tác cần tiếp tục có các giải pháp phát triển thị trường, đầu tư hạ tầng hiện đại, mở rộng quy mô; người nông dân phải nâng cao trách nhiệm trong quá trình sản xuất, tuân thủ kỹ thuật để có nguồn nguyên liệu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast