Mỹ bắt gần 700 đối tượng trong các chiến dịch trấn áp người nhập cư

Giới chức Mỹ ngày 13/2 cho biết cơ quan phụ trách nhập cư nước này đã bắt giữ hơn 680 người trong các chiến dịch trấn áp gần đây và 75% số người bị bắt có hồ sơ phạm tội, động thái có thể chọc giận các nhóm bảo vệ quyền của người nhập cư.

my bat gan 700 doi tuong trong cac chien dich tran ap nguoi nhap cu

Cảnh sát Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn lời Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ John Kelly cho biết đây là các chiến dịch được tiến hành thường lệ và phù hợp với các hoạt động thông thường của Cơ quan Hải quan và Nhập cư Mỹ (ICE).

Theo ông Kelly, các hình thức phạm tội của người nhập cư trái phép là từ lái xe sau khi uống rượu cho tới tội giết người.

ICE cho hay các chiến dịch hiện nay nhằm vào người nhập cư tại Los Angeles, New York, North Carolina, South Carolina, Georgia và San Antonio.

Tuy nhiên, theo số liệu của ICE, không phải tất cả những người bị bắt đều có hồ sơ phạm tội hoặc thuộc diện bị trục xuất.

Tuy nhiên, cơ quan thực thi pháp luật Mỹ từ chối cung cấp lý do vì sao những người nhập cư chưa từng phạm tội cũng bị bắt trong các chiến dịch hiện nay.

Tổng thống Donald Trump coi siết chặt chính sách nhập cư và trục xuất người nhập cư trái phép là một trong những trọng tâm trong chương trình nghị sự của mình.

Ông Trump từng cam kết trục xuất từ 2-3 triệu người nhập cư có “tiền án, tiền sự” ngay sau khi nhậm chức.

Cựu Tổng thống Barack Obama bị chỉ trích là “tư lệnh trục xuất” vì ông đã trục xuất hơn 400.000 người riêng trong năm 2012, nhiều hơn bất kỳ tổng thống nào khác.

ICE trong nhiều năm qua đã triển khai thường xuyên các chiến dịch truy quét tội phạm. Thống kê chính thức cho thấy trong tài khóa 2016, hơn 114.000 người nhập cư bất hợp pháp đã bị bắt giữ và hơn 240.000 người bị trục xuất.

ICE cho hay 75% những người nhập cư bị tóm gọn ngay sau khi vượt biên vào Mỹ, số còn lại bị bắt giữ trong lãnh thổ Mỹ với nhiều tội danh khác nhau. Trong số những người bị trục xuất, phần lớn là người Mexico với 63%, tiếp đó là người Guatemala 14%, người Honduras và El Salvador cùng chiếm 9%./.

Theo Vietnamplus

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast