Festival "Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản" do tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 27/11-30/11/2024. Đây là sự kiện văn hóa quan trọng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Festival gồm nhiều hoạt động sôi nổi, trong đó có các hoạt động chính: Cầu truyền hình trực tiếp chương trình nghệ thuật “Đôi bờ ví, giặm” giữa 2 điểm cầu Nghệ An và Hà Tĩnh; các hoạt động diễn ra tập trung tại TP Hà Tĩnh gồm: Không gian trưng bày và trình diễn di sản văn hoá kết hợp các sản phẩm du lịch; Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh; hội nghị - hội thảo quốc gia đánh giá công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.
Trong đó, tại 2 hoạt động: Không gian trưng bày và trình diễn di sản văn hoá kết hợp các sản phẩm du lịch và Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh còn có sự tham gia của tỉnh Lâm Đồng với di sản "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên", Quảng Nam với hát bài chòi, Bắc Ninh với dân ca quan họ và Phú Thọ với hát xoan.
Để chuẩn bị cho festival, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở VH-TT&DL cùng các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tích cực triển khai các hoạt động. Trong đó, với vai trò đơn vị chủ quản, Sở VH-TT&DL đã chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị trực thuộc phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tiến hành nhiều phần việc.
Cụ thể, Sở VH-TT&DL đã chỉ đạo Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) tỉnh phối hợp với Trung tâm NTTT tỉnh Nghệ An, Đài Phát thanh và Truyền hình 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh xây dựng kịch bản chương trình cầu truyền hình trực tiếp "Đôi bờ ví, giặm"; chỉ đạo Phòng Quản lý văn hóa kết nối, mời các tỉnh có di sản được UNESCO vinh danh tham gia festival; mời các tác giả, nhà nghiên cứu cùng tham gia viết tham luận tham dự hội nghị - hội thảo quốc gia, đánh giá công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; giao Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh xây dựng chương trình tham dự Liên hoan các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam đã được UNESCO ghi danh. Sở cũng phối hợp đôn đốc đơn vị sự kiện thực hiện việc phụ trách xây dựng các hạng mục sân khấu festival, các gian hàng trưng bày, trình diễn di sản...
Đến nay, tất cả các phần việc đang được các đơn vị tiến hành triển khai một cách khẩn trương, đạt nhiều kết quả.
Ông Nguyễn Tùng Lĩnh - Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh) cho biết: "Một trong những nội dung được chúng tôi chuẩn bị kỹ lưỡng là hội nghị - hội thảo quốc gia đánh giá công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Sau thời gian gửi thư mời, đến nay, đơn vị đã nhận được 36 tham luận của 36 tác giả, các nhà nghiên cứu, nghệ nhân trong và ngoài tỉnh. Nhìn chung, các tham luận đều có chất lượng tốt, làm rõ được giá trị của dân ca ví, giặm, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp cho công tác bảo tồn di sản trong thời gian tới".
Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh được Sở VH-TT&DL tỉnh giao nhiệm vụ xây dựng chương trình nghệ thuật tham dự Liên hoan các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh và Không gian trưng bày di sản cùng các sản phẩm du lịch. Đến nay, đơn vị đã hoàn thành chương trình nghệ thuật tham dự liên hoan với 5 tiết mục (4 tiết mục dân ca ví, giặm và 1 ca trù). Chương trình đã được tổng duyệt vào chiều 18/11, sẵn sàng tham dự festival. Ngoài ra đơn vị cũng đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phục vụ cho Không gian trưng bày di sản và các sản phẩm du lịch.
Một trong những sự kiện quan trọng của Festival "Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản" là cầu truyền hình trực tiếp chương trình nghệ thuật "Đôi bờ ví, giặm" phối hợp giữa 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An. Theo đó, chương trình nghệ thuật sẽ được thực hiện đồng thời ở 2 điểm cầu 2 tỉnh và được lên sóng kết nối tạo nên sự hòa quyện của một không gian văn hóa ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh. Kịch bản chương trình dự kiến có thời lượng 100 phút với 3 phần: Trầm tích xứ Nghệ, Hành trình di sản, Để mạch nguồn chảy mãi.
Cùng với các tiết mục tái hiện không gian diễn xướng ví, giặm 2 bờ sông Lam, xen kẽ có phóng sự về quá trình hình thành và những trầm tích văn hóa, sự kế tục chung tay bảo tồn phát huy di sản dân ca ví, giặm của Nghệ An và Hà Tĩnh còn có một số bài hát nổi tiếng có chất liệu âm nhạc từ dân ca ví, giặm... Chương trình do Nhà hát NTTT Hà Tĩnh và Trung tâm NTTT Nghệ An dàn dựng.
Ông Nguyễn Tiến Chương - Phó Giám đốc Nhà hát NTTT Hà Tĩnh cho biết: "Hiện, chúng tôi đang huy động đội ngũ nghệ sỹ, diễn viên nhà hát ngày đêm tăng cường, tích cực tập luyện. Dự kiến, ngày 24/11 sẽ tiến hành sơ duyệt và ngày 25/11 sẽ tổng duyệt, đảm bảo chương trình đạt hiệu quả cao nhất".
Là đơn vị đảm nhận tổ chức sự kiện Festival "Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản", bà Nguyễn Quỳnh Mai - Giám đốc Công ty CP MAIAMI (Hà Nội) cho biết: "Theo phân công phần việc, đơn vị chúng tôi đảm nhận phần thi công thiết kế sân khấu chính của festival và các gian hàng trưng bày di sản. Đến nay, chúng tôi đã bắt đầu tiến hành lắp đặt các hạng mục, phấn đấu ngày 24/11 tới đây sẽ hoàn thành sân khấu chính để các đoàn chạy thử chương trình và ngày 25/11 sẽ hoàn thành các gian hàng không gian trưng bày di sản...".
Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” là sự kiện văn hóa hết sức ý nghĩa trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày dân ca ví, giặm được UNESCO vinh danh. Trong đó, Hà Tĩnh là địa phương trực tiếp phối hợp tổ chức. Vì vậy, với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc các phòng, ban, các đơn vị trực thuộc tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các nội dung. Đến thời điểm này, các phần việc đang được triển khai đúng tiến độ kế hoạch đề ra, sẵn sàng cho festival diễn ra thành công.