Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn: Nâng cao trách nhiệm về dự tính, dự báo; sản xuất đảm bảo mục tiêu an toàn, hạn chế mức thấp nhất rủi ro cho người nông dân.
Sản xuất nông nghiệp năm 2017 diễn ra trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh; giá cả thị trường các loại nông sản xuống thấp, chăn nuôi lợn gặp khủng hoảng nên tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 11.966 tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch.
Lần đầu tiên sau nhiều năm, nông nghiệp tăng trưởng âm trên 3%. Nhiều chỉ tiêu sản lượng đạt thấp hơn kế hoạch và bình quân các năm trước như: năng suất, sản lượng lúa, cây trồng cạn (80- 90%); tổng sản lượng lương thực giảm 9 vạn tấn; chăn nuôi chững lại; độ che phủ rừng giảm…
Bà Võ Thị Hồng Minh - GĐ Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh: DN đã sẵn sàng đủ lượng giống nằm trong bộ giống chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên các địa phương cần chủ động triển khai kế hoạch sản xuất sớm, đảm bảo cung ứng đủ và chất lượng cao nhất cho người nông dân
Đặc biệt, năm 2017, thực trạng dịch bệnh đạo ôn trên lúa xuân gây hậu quả không chỉ gây mất mùa diện rộng, mà còn thể hiện hiệu lực công tác quản lý nhà nước về giống, vật tư nông nghiệp chưa cao. Quản lý thực hiện quy hoạch chăn nuôi chưa chặt chẽ; chăn nuôi lợn phục hồi chậm…
Tuy nhiên, bằng sự hỗ trợ của các Bộ, ngành trung ương; sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các chính sách hỗ trợ, bổ cứu sản xuất đã được triển khai kịp thời khôi phục sản xuất. Một số chỉ tiêu cây trồng, vật nuôi phát huy thế mạnh chủ lực. Trong đó, cam mở rộng quy mô trên 7.000 ha (tăng 46,9% về diện tích và 45% sản lượng so với năm 2016); bưởi Phúc Trạch tăng 19,3% diện tích và 25,4% sản lượng; chè công nghiệp phát huy chuỗi liên kết; thủy sản phục hồi với sản lượng ước đạt gần 45.000 tấn, tăng 15% so với năm 2016…
Ông Trần Hữu Tuyên - GĐ Công ty Vitad: Công ty đã thực hiện liên kết sản xuất ngô sinh khối ở các địa phương. Song, để liên kết bền vững, tạo đầu ra thường xuyên, DN đang có nhu cầu liên kết sản xuất chuyên canh
Năm 2018, ngành nông nghiệp chủ trương tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp khôi phục sản xuất, kiên trì tái cơ cấu nông nghiệp. Lấy thị trường là động lực để điều chỉnh lại quy hoạch, kế hoạch, quy mô sản xuất; cơ cấu tổ chức sản xuất theo hướng hợp lý, hiệu quả.
Tại hội nghị, Sở NN&PTNT triển khai đề án sản xuất vụ xuân 2018 với những cảnh báo về nguy cơ rét đậm, rét hại xảy ra trong thời vụ xuống giống cây trồng chủ lực, tiềm ẩn các nhóm sâu bệnh như: đạo ôn, nấm trên cây trồng; bệnh LMLM trên gia súc, cúm gia cầm... Trên cơ sở định hướng các chỉ tiêu thực hiện, sản xuất vụ xuân 2018 sẽ tập trung sản xuất sản phẩm chủ lực theo hướng liên kết có truy xuất nguồn gốc; lấy giá trị thu nhập làm tư tưởng chủ đạo.
Ông Nguyễn Khánh Tùng - GĐ Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh: Công ty đang triển khai sản xuất cánh đồng lớn ở Hà Tĩnh. Hàng năm, công ty tiêu thụ 2.000 tấn lúa tại địa bàn Hà Tĩnh
Tại các điểm cầu, đại biểu đề xuất Sở NN&PTNT cần quan tâm đến quy trình kỹ thuật về giống; tiếp tục có chính sách hỗ trợ sản xuất, nhất là cây trồng có múi; hỗ trợ thị trường; tăng cường quản lý nhà nước về giết mổ gia súc gắn với tiêm phòng...
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho rằng, trong bối cảnh sản xuất khó khăn năm 2017, ngoài nguyên nhân do khách quan từ diễn biến bất thường BĐKH còn do chủ quan của công tác chỉ đạo còn mang tính chủ quan; nhiều dự án đầu tư lớn nhưng hiệu quả không cao...
Phân tích tình hình sản xuất nông nghiệp 2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị toàn hệ thống chính trị cần quyết liệt trong công tác chỉ đạo tổ chức sản xuất; nâng cao trách nhiệm về dự tính, dự báo; sản xuất đảm bảo mục tiêu an toàn, hạn chế mức thấp nhất rủi ro cho người nông dân.
Ngành NN&PTNT cần đánh giá lại kết quả tái cơ cấu ngành; chú trọng quản lý nhà nước về cơ cấu giống, quản lý sâu bệnh, thời vụ… Riêng với vụ xuân 2018, ngành chuyên môn và các địa phương cần có phương án phòng rét cho mạ, chuẩn bị giống dự phòng; quản lý chất lượng dịch vụ đầu vào, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm…