Nhiều cánh đồng ngô đang vào giai đoạn phát triển từ 5 - 7 lá ở một số xã như Hương Bình, Hương Giang, Hương Vĩnh... (Hương Khê) đã xuất hiện rải rác sâu keo mùa thu ăn trụi lá và nõn. Sâu chủ yếu gây hại trên các giống ngô HN68, HN88, NK7328, PC511,…
Bà Trần Thị Hường (thôn Bình Trung, xã Hương Bình) cho biết: “Gia đình tôi trồng hơn 1,5 sào ngô từ tháng 10. Cây đang trong giai đoạn phát triển quan trọng nhưng một số diện tích đã bị sâu keo mùa thu tàn phá. Chúng cắn phá làm lá bị thủng lỗ chỗ, xơ xác hoặc chui vào nõn cắn nát chồi non làm cây không phát triển được. Loài sâu này lây nhanh, sức tàn phá lớn nên gia đình phải tiến hành phun thuốc để tiêu diệt”.
Trên địa bàn xã Hương Giang, nhiều bà con nông dân cũng đau đầu vì nạn sâu keo mùa thu. Ông Nguyễn Đình Thuận (thôn 3, xã Hương Giang, Hương Khê) cho hay: “Năm nay, sản xuất ngô vụ đông đã khó khăn vì gặp nhiều đợt mưa lớn, phải gieo trỉa lại 2 lần nay còn gặp sâu phá hại. Chúng tôi đã phun thuốc diệt trứng nhưng với loài sâu này thì chúng gối lứa liên tục, có khi vừa phun hôm trước, hôm sau đã xuất hiện ổ trứng mới, sâu kích thước to, nhỏ đan xen trên đồng nên tôi vẫn chưa hết lo”.
Thông tin từ Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Khê, hiện trên địa bàn huyện đã xuất hiện một số sâu bệnh gây hại trên ngô vụ đông như sâu keo mùa thu, sâu xám...
Dự báo, thời tiết trong thời gian tới sẽ có các đợt không khí lạnh tiếp tục gia tăng cả về cường độ, tần suất, xen kẽ có mưa là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại. Đơn vị đã bổ cứu sản xuất cho chính quyền các xã, thị trấn, bà con nông dân. Trong đó, đối với sâu keo mùa thu, tiến hành phòng trừ khi mật độ sâu 2 con/m2 bằng một trong các loại thuốc sau: Voliam Targo 063SC, Proclaim 5WG; Clever 150SC, Match 50EC...
Để nâng cao hiệu lực của thuốc, cần phun trừ khi sâu non 1 - 2 tuổi, phun tập trung vào nõn ngô, phun ướt đẫm ngọn cây; sau khi phun 4 - 5 ngày tiến hành kiểm tra, nếu mật độ sâu còn cao tiến hành phun lại lần 2.
Được biết, sâu keo mùa thu gây hại trong suốt quá trình sinh trường và phát triển của cây ngô, đáng nói là mỗi lần phun phòng trừ thì hiệu quả cũng chỉ đạt 80% - 90%. Vì thế, hiện tượng gối lứa, xuất hiện sâu trở lại là điều khó tránh khỏi ở những vùng đã nhiễm. Hiện nay, sâu keo mùa thu đang gây hại trên các trà ngô 3 - 7 lá, mật độ 2 - 4 con/m2, diện tích nhiễm gần 30 ha tại các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn,…
Ngoài ra, một số diện tích ngô thuộc trà đông sớm trên địa bàn tỉnh cũng đã bị nhiễm bệnh khô vằn, đốm lá. Đây là những bệnh nguy hiểm, có thể gây hại đến năng suất cây trồng.
Tại các xã Sơn Trung, Sơn Bằng, Quang Diệm (huyện Hương Sơn), cây ngô đang trong giai đoạn phát triển mạnh về bộ lá, độ ẩm trong tán tăng cao đang làm “mồi lửa” cho bệnh khô vằn, đốm lá gây hại. Chị Trần Thị Hạnh (thôn Yên Sơn, xã Sơn Trung, Hương Sơn) cho biết: “Tôi gieo trồng hơn 2 sào ngô đang ở giai đoạn bắt đầu vào trổ cờ đến làm hạt thì bị nhiễm bệnh khô vằn. Nếu không phòng trừ kịp thời thì cây dễ bị chết hoặc thối hỏng bắp. Thời tiết đợt này thường có sương mù dày vào ban đêm và sáng sớm nên hạch nấm bệnh càng dễ lây lan hơn”.
Ông Nguyễn Anh Tài - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Hương Sơn cho biết: Bệnh khô vằn phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ, ẩm độ cao, trên những ruộng ngô gieo trỉa dày, bón phân không cân đối. Trên địa bàn huyện có khoảng 5 ha ngô bị nhiễm bệnh. Đơn vị đã khuyến cáo bà con nông dân vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tiêu hủy các tàn dư thân lá cây ngô bệnh; khi ngô đã lớn cần chú trọng làm sạch cỏ, bóc bớt bẹ lá để ruộng ngô được thông thoáng, hạn chế bệnh phát triển.
Theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay, ngô đông chủ yếu đang ở giai đoạn ngô non; một số trà đông sớm đang vào đợt trổ cờ, làm hạt. Đây là giai đoạn mẫn cảm nhất với nhiều loại sâu bệnh như sâu keo mùa thu, sâu xám, bệnh khô vằn, bệnh đốm lá… Trên các vùng sản xuất cùng một lúc có nhiều trà ngô sinh trưởng khiến các loài sâu bệnh có điều kiện tập trung và gây hại lớn. Vì thế, bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng, theo dõi diễn tiến của các loại sâu, bệnh để có biện pháp phòng, trừ kịp thời nhằm đảm bảo sự phát triển của cây trồng.