Sau tết lại lo lao động… “nhảy" việc!

(Baohatinh.vn) - Như một quy luật thông thường, sau tết Nguyên đán là thời gian mà thị trường lao động có nhiều biến động, đặc biệt là tình trạng lao động “nhảy" việc, gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoạt động SX-KD.

Nỗi lo sau tết

Kỳ nghỉ tết kết thúc đã gần 10 ngày, nhưng tại Công ty CP May Hà Tĩnh, một bộ phận người lao động vẫn chưa trở lại làm việc. Ông Hồ Văn Cát – Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: “Đến thời điểm này, công ty chúng tôi vẫn còn gần 20 lao động nghỉ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất. Với đặc thù sản xuất kinh doanh liên tục, chúng tôi đã phải cố gắng sắp xếp, bố trí nguồn nhân lực hiện có để đảm bảo tốt nhất hoạt động của dây chuyền. Hiện tại, công ty đã có kế hoạch tuyển thêm 100 lao động để bù vào số lao động thiếu hụt sau tết và phục vụ cho quá trình sản xuất lâu dài”.

sau tet lai lo lao nhay viec

Sau tết, nhiều doanh nghiệp phải lên kế hoạch tuyển bổ sung để bù cho số lao động nghỉ việc

Cũng theo ông Cát, đây là tình trạng diễn ra thường niên sau tết, thậm chí, những năm trước tình trạng này còn trầm trọng hơn. Công ty CP May nói riêng, các đơn vị SX-KD nói chung thường phải bố trí phương án “dự phòng” để ứng phó kịp thời với tình hình biến động lao động trong những ngày đầu năm.

Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng có thể giải quyết khó khăn một cách nhanh chóng khi lao động đột ngột nghỉ việc sau kỳ nghỉ tết. Mặc dù số lượng lao động nghỉ việc không quá lớn, nhưng với đặc thù trong sản xuất, Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh đang khá “chật vật” để giải quyết hậu quả của những công nhân không tuân thủ hợp đồng lao động.

“Hầu hết công nhân nghỉ việc sau tết đều không báo với công ty. Trước tết họ nhận lương, thưởng rồi ra tết “bặt vô âm tín”, đến ngày làm việc, công ty gọi điện mới nhận được câu trả lời “nghỉ hẳn”. - ông Nguyễn Giang Nam, Trưởng phòng Tổ chức Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh chia sẻ.

“Ngoài giải quyết khó khăn của công ty, chúng tôi còn phải cử một bộ phận công nhân hỗ trợ cho Công ty Hanosimex (công ty mẹ ở Hà Nội) do công nhân ở ngoài đó bỏ việc quá nhiều. Điều này đặt chúng tôi trước tình thế phải sắp xếp nhân lực, bố trí lại ca kíp, có kế hoạch tuyển bổ sung. Sản xuất cọc sợi đòi hỏi trình độ, tay nghề của lao động khá cao mới đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của dây chuyền sản xuất. Phải mất ít nhất 6 tháng vừa đào tạo, vừa làm việc, công nhân mới quen được với máy móc, muốn thành thạo còn phải lâu hơn nhiều. Chính vì vậy, tình trạng lao động bỏ ngang đã gây lãng phí chi phí, thời gian đào tạo và ảnh hưởng đến hoạt động chung của công ty.” – ông Nguyễn Giang Nam cho biết thêm.

May mắn hơn khi đến thời điểm này, hầu như công nhân đã trở lại làm việc, nhưng Công ty CP Sao Mai (Cẩm Xuyên) vẫn thông báo tuyển bổ sung 50 người để vừa phục vụ kế hoạch mở rộng SX-KD thời gian tới, vừa “dự phòng” để vẫn đảm bảo số lượng khi có biến động lao động.

Câu chuyện ý thức người lao động

Lao động nghỉ việc sau tết cứ đến hẹn lại thành chủ đề nóng trong các nhà máy, khu công nghiệp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sau tết, lao động thường có tâm lý muốn thay đổi công việc để tìm kiếm cơ hội mới, với mức thu nhập hấp dẫn hơn.

sau tet lai lo lao nhay viec

Vinatex Hồng Lĩnh là một trong những doanh nghiệp có số lao động nghỉ nhiều nhất sau tết

Ông Nguyễn Giang Nam – Trưởng phòng Tổ chức Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh cho biết: “Số công nhân nghỉ việc sau tết ở công ty chúng tôi hầu hết có ý định theo người nhà đi xuất khẩu lao động. Mong muốn tìm kiếm cơ hội mới với thu nhập cao hơn là hoàn toàn chính đáng, nhưng không phải là không tiềm ẩn nhiều rủi ro, hơn nữa, lao động địa phương tác phong công nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật không cao nên nguy cơ càng lớn”.

Đó cũng là nhận định chung của nhiều chủ doanh nghiệp khi chúng tôi đề cập đến vấn đề này. Ông Nguyễn Xuân Biên - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Tiến Minh (TX Kỳ Anh) cho rằng: “Một bộ phận người lao động Hà Tĩnh kỷ luật, tính ổn định không cao. Mặc dù có công việc, mức thu nhập khá, nhưng lao động vẫn có tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”, không gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Điều này vừa gây khó khăn cho doanh nghiệp khi lãng phí kinh phí, thời gian đào tạo, ảnh hưởng đến hoạt động SX-KD; vừa đánh mất của người lao động nhiều cơ hội trong công việc.”

Cũng chính vì lý do trên nên đã từng xảy ra những câu chuyện buồn khi một số nhà máy, khu công nghiệp ở miền Nam treo biển “không tuyển lao động Nghệ An, Hà Tĩnh”. Đây có lẽ điều đáng để chúng ta phải suy ngẫm, bởi trong điều kiện kinh tế phát triển như hiện nay, một bộ phận người lao động đã tự tay đánh mất quyền lợi, cơ hội của mình, đồng thời, gây ấn tượng, hình ảnh xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến “thương hiệu” của phần lớn lao động địa phương.

Chủ đề Lao động việc làm

Đọc thêm

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Thực hiện đầy đủ chế độ theo quy định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân, các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đang nỗ lực để xứng đáng với danh hiệu “Doanh nghiệp vì người lao động”.