Sau hơn 1 năm triển khai thi công, đến nay, công trình cải tạo và nâng cấp hệ thống kênh tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và thoát lũ cho vùng Bắc Thạch Hà, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã hoàn thành trên 85% khối lượng.
Sau hơn 1 năm triển khai thi công, đến nay, công trình cải tạo và nâng cấp hệ thống kênh tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và thoát lũ cho vùng Bắc Thạch Hà, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu đã hoàn thành trên 85% khối lượng. Công trình có phạm vi ảnh hưởng trực tiếp tới các xã: Việt Tiến, Thạch Long, Thạch Ngọc và thị trấn Thạch Hà.
Cùng với nạo vét lòng kênh, xây dựng hệ thống bờ kè, cầu cống phục vụ dân sinh, công trình phải chuyển hàng trăm nghìn m3 đất thừa về các bãi đổ thải. Đặc biệt, tại tuyến nhánh số 1 của dự án (thuộc địa phận xã Thạch Ngọc, Việt Tiến) có khối lượng đất sét rất lớn.
Từ công trình này, đất thải tập kết thành từng cồn lớn từ cầu Đất đến đập Mươi, xã Thạch Ngọc...
Theo kiểm tra, đánh giá của Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng Hà Tĩnh, trong số đất tập kết tại các bãi thải có hơn 110.000 m3 đất sét đủ điều kiện làm gạch, ngói. Cụ thể, đất tập kết các bãi thải xã Thạch Ngọc, từ cầu Đất đến đập Mươi có 50.000 m3, bãi thải cầu Muỗi 10.000 m3, bãi thải cầu Min 20.000 m3; tại bãi thải khu vực cầu Trùa, xã Việt Tiến 30.000 m3.
...với khối lượng hơn 50.000 m3 đất sét.
Việc đưa khối lượng lớn đất sét về các bãi đổ thải lớn khiến cho công tác quản lý an ninh trật tự, môi trường trên địa bàn đã, đang tiềm ẩn những khó khăn, hệ lụy.
Trước thực trạng trên, UBND huyện Thạch Hà đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan thẩm định, phê duyệt phương án đấu giá số lượng đất sét trên.
Video: Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Hà Nguyễn Danh Phong nói về những vướng mắc và kiến nghị đề xuất
“Huyện đã làm văn bản kiến nghị từ mấy tháng trước, tuy nhiên, theo các sở, ngành liên quan (Sở Tài chính và Sở Tài nguyên & Môi trường) thì cần thời gian để xác định được số đất thải này là tài sản, khoáng sản hay tài nguyên để có phương án xử lý. Vì mỗi loại sẽ quy định các thủ tục, hồ sơ xử lý khác nhau” - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) Nguyễn Danh Phong cho biết.
Đất tập kết tại bãi thải thuộc khu vực thôn Giữa, xã Việt Tiến nằm ngay cạnh trục đường liên xã Việt Tiến - Thạch Ngọc lâu ngày không được giải phóng, gây ô nhiễm môi trường...
Ông Phong cho biết, thời gian gần đây, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông nhàn, người dân địa phương đã lấy trộm đất “thừa” từ các bãi thải về đổ vườn, san lấp mặt bằng, gây mất trật tự, ảnh hưởng môi trường. Cán bộ BQL dự án phải rất vất vả để quản lý, bảo vệ hàng trăm nghìn m3 đất “thừa” đang được tập kết tại các bãi thải trên địa bàn.
Người dân phải di chuyển trên con đường đầy bụi do đất tràn ra từ bãi đổ thải.
Cũng theo ông Phong, khối lượng đất thải này không được xử lý sớm không chỉ gây khó khăn trong công tác quản lý, đảm bảo môi trường mà còn ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình. Bởi hiện nay, các bãi thải đã quá tải, trong khi khối lượng đất được đào, nạo vét lên chưa có bãi đổ, đang tập kết tại công trường còn khá lớn.
Cùng với đó, nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp của các xã Việt Tiến, Thạch Ngọc, thị trấn Thạch Hà... đang đứng trước nguy cơ bị đất bồi lấp khi mùa mưa lũ đến.
Nếu không kịp thời di chuyển, khi mưa lũ xuống, khối lượng đất này sẽ gây sạt lở mái kênh và bồi lấp trở lại lòng kênh. Đặc biệt, hiện nhu cầu đất làm gạch, ngói rất lớn, nếu xử lý đấu giá, sẽ đảm bảo thu lại được khoản ngân sách khá lớn.
Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Thạch Ngọc, Việt Tiến xúc trộm đất thải về đổ vườn, san lấp mặt bằng, gây bất ổn tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Ông Nguyễn Hồng Thanh – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Ngọc cho biết, khối lượng đất “thừa” này nếu không xử lý sớm sẽ trôi xuống ruộng, kênh mương nội đồng của địa phương, làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân.
Video: Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Ngọc Nguyễn Hồng Thanh nói về vấn đề nguy cơ đất vùi lấp ruộng và kiến nghị
“Hiện, trên địa bàn đang còn nhiều công trình hạ tầng giao thông, văn hóa cần khối lượng đất lớn để san lấp mặt bằng. Vì vậy, rất mong được tỉnh thống nhất cho cơ chế tận dụng lượng đất này để san lấp mặt bằng các công trình hạ tầng dân sinh trong xây dựng nông thôn mới” - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Ngọc Nguyễn Hồng Thanh đề xuất.
Các bãi chứa quá tải, chậm được xử lý nên một số lớn đất thừa tại công trình chưa được vận chuyển đi, vẫn nằm bên bờ kênh đã thi công xong phần lát mái, gây nguy cơ vùi lấp, sạt lở mái kênh.
Ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên & Môi trường cho biết, trước kiến nghị đề xuất của huyện Thạch Hà, vừa qua, Sở TN&MT cùng với Sở Tài chính và địa phương đã kiểm tra, xác định khối lượng đất thải này là tài sản. Hiện nay, Sở Tài chính đang hoàn thiện hồ sơ để làm thủ tục đấu giá theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Việc một khối lượng đất thải từ công trình cải tạo và nâng cấp hệ thống kênh tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và thoát lũ cho vùng Bắc Thạch Hà, huyện Thạch Hà nếu không được quan tâm, xử lý sớm sẽ gây ô nhiễm môi trường, vùi lấp đất sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án và gây bất ổn tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.