Trong khi tranh cãi còn chưa dứt về số tài liệu mật được Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thu hồi từ dinh thự Mar-a-Lago của cựu tổng thống Donald Trump hồi năm ngoái, chính trường Mỹ tuần này lại một lần nữa xôn xao về những tài liệu đóng dấu mật không được bảo quản đúng nơi quy định.
Số tài liệu này được phát hiện ở văn phòng làm việc cũ của ông Joe Biden , được soạn thảo trong nhiệm kỳ tổng thống Barack Obama, thời điểm ông Biden giữ chức phó tổng thống.
Chúng được cất ở phòng làm việc cá nhân của ông Biden trong Trung tâm Ngoại giao và Tiếp cận Toàn cầu, thuộc Đại học Pennsylvania, thay vì Cơ quan Lưu trữ Quốc gia theo quy định liên bang.
Giai đoạn ông Biden sử dụng phòng làm việc này cũng là thời kỳ ông bị hạn chế tiếp cận thông tin an ninh quốc gia vì đã hết nhiệm kỳ phó tổng thống, không còn là quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ.
Phát hiện sẽ không gây sóng gió nếu như số giấy tờ đó được soạn thảo trong vòng hai năm qua, dưới nhiệm kỳ Tổng thống Biden và được lưu giữ trong một tòa nhà công quyền hoặc văn phòng chính thức của ông.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trả lời truyền thông trước Nhà Trắng ngày 4/1. Ảnh: AFP .
CNN dẫn nguồn thạo tin tiết lộ các luật sư của Tổng thống Biden tìm thấy tài liệu mang dấu mật vào tháng 11/2022, khi đang dọn dẹp văn phòng cũ của ông. Họ xác định được ít nhất 10 tài liệu đóng dấu mật và đã chuyển lại cho Cơ quan Lưu trữ Quốc gia, trong đó có một số bản ghi chép tình báo và báo cáo đề cập đến các vấn đề liên quan đến Ukraine, Iran và Anh.
Cựu tổng thống Donald Trump cùng các đồng minh chính trị đã nhanh chóng cho rằng trường hợp của ông Biden cũng giống vụ lùm xùm ở Mar-a-Lago năm ngoái. Các chính trị gia đảng Cộng hòa yêu cầu cơ quan điều tra liên bang hành động với mức độ quyết liệt tương tự, thể hiện sự công minh của pháp luật.
Họ đặc biệt lưu tâm đến số tiền tài trợ mà Đại học Pennsylvania nhận từ Trung Quốc, cho rằng đó là nguy cơ an ninh quốc gia, dù không đả động đến thực tế viện nghiên cứu của ông Biden tại đây hoạt động bằng nguồn tài trợ độc lập.
“Đến khi nào thì FBI mới khám xét mọi cơ ngơi của ông Joe Biden, hay thậm chí là khám xét Nhà Trắng”, ông Trump bày tỏ bức xúc trên mạng xã hội Truth Social. “Số tài liệu đó rõ ràng chưa được giải mật”.
Truyền thông Mỹ đưa tin Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland đã nhận báo cáo sơ bộ về số tài liệu mật đang gây tranh cãi. Người được ông chỉ định soạn báo cáo là John Lausch, công tố viên liên bang tại Chicago, một trong những quan chức Bộ Tư pháp Mỹ được bổ nhiệm từ thời Trump.
Theo Washington Post, những thông tin được công bố đến nay về trường hợp của ông Biden rất khác so với vụ bê bối ở Mar-a-Lago, cả về quy mô lẫn cách giải quyết giữa các bên với cơ quan chức năng.
Về quy mô, những tài liệu mật được tìm thấy ở văn phòng của ông Biden và gửi lại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia mới dừng lại ở con số 10 hồ sơ. Chúng được soạn trong giai đoạn 2013-2016, khi ông Biden đang giữ chức phó tổng thống Mỹ, đặt trong ít nhất ba hộp hồ sơ và xen lẫn với nhiều giấy tờ không thuộc diện bảo mật.
Phần lớn tài liệu được cất trong văn phòng là giấy tờ riêng tư của ông Biden, liên quan đến gia đình ông, trong đó có chương trình tang lễ cho người con trai Beau Biden và thư chia buồn.
Trong khi đó, vụ bê bối của ông Trump lớn hơn nhiều. Các đặc vụ FBI đã thu được hàng chục tài liệu đóng dấu mật trong 12 thùng hồ sơ được chuyển đến Mar-a-Lago. Những giấy tờ này được phát hiện rải rác ở nhiều nơi trong dinh thự, trong đó có một hộp với hơn 10 tài liệu được để gần khu vực tổ chức sự kiện và cũng là nơi ông Trump thường tiếp khách. Các hồ sơ này có độ nhạy cảm cao về an ninh quốc gia và đến nay vẫn chưa được tiết lộ hết về nội dung.
Cách xử lý giữa đội ngũ trợ lý của ông Biden và ông Trump khi phát hiện tài liệu mật cũng khác nhau.
Cuộc khám xét của FBI tại Mar-a-Lago vào tháng 8/2022 chỉ diễn ra sau nhiều nỗ lực thuyết phục hợp tác bất thành giữa cơ quan liên bang và cựu tổng thống Mỹ.
Cơ quan Lưu trữ Quốc từ tháng 5/2021 đã biết rõ đội ngũ của ông Trump bàn giao thiếu tài liệu sau khi rời Nhà Trắng. Họ đã cố gắng thuyết phục ông Trump chuyển lại số tài liệu này trong nhiều tháng nhưng không thành công.
Đến giữa tháng 1/2022, ông Trump mới chấp nhận bàn giao lượng lớn tài liệu. Một tháng sau, ông Trump yêu cầu trợ lý soạn thông cáo rằng ông đã hoàn tất quy trình bàn giao tài liệu, song đội ngũ của ông lại can ngăn. Cơ quan Lưu trữ Quốc gia cùng lúc đó phát hiện số hồ sơ vừa tiếp nhận từ Mar-a-Lago có lẫn tài liệu mật, vì vậy họ đề nghị Bộ Tư pháp can thiệp.
Nhóm điều tra của FBI đã phải lấy lời khai nhân chứng, xin trát tòa nhiều lần để thu hồi thêm một số tài liệu mật tại Mar-a-Lago vào tháng 6/2022. Christina Bobb, luật sư của ông Trump, khi đó còn ký biên bản xác nhận không còn tài liệu mật nào sót lại ở khu nghỉ dưỡng, song quá trình điều tra sau đó cho thấy lời khẳng định này sai sự thật.
Các nỗ lực điều tra sau đó thúc đẩy FBI quyết định khám xét Mar-a-Lago là cách duy nhất để thu hồi toàn bộ tài liệu nhạy cảm.
Nhân viên Mật vụ Mỹ bên ngoài dinh thự Mar-A-Lago của cựu tổng thống Trump ở Palm Beach, Florida, hôm 9/8. Ảnh: AFP .
Trường hợp của ông Biden không làm Cơ quan Lưu trữ Quốc gia phải tốn nhiều công sức đến vậy. Theo thông tin được công bố tuần qua, các luật sư của tổng thống đã chủ động nộp lại tài liệu mật ngay sau khi phát hiện chúng. Trợ lý của ông Biden cũng không tuyên bố đã giao nộp toàn bộ tài liệu mật, mà tiếp tục tự rà soát lại để tìm kiếm thêm.
Trong một số thông tin được tiết lộ trên NBC ngày 13/1, các luật sư của ông Biden đã tìm thấy thêm một số tài liệu mật ở một cơ sở có liên quan đến Tổng thống.
Ông Biden tuyên bố đội ngũ của ông sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng trong vấn đề này. Ông chia sẻ bản thân “bất ngờ” khi nghe tin tài liệu mật được phát hiện trong văn phòng làm việc cũ của mình, đồng thời ca ngợi cách xử lý “phù hợp” của các luật sư khi họ chủ động liên hệ với Cơ quan Lưu trữ Quốc gia.
“Mọi người đều biết tôi nghiêm túc như thế nào về tài liệu và thông tin mật”, ông nhấn mạnh.
Các thông tin được công bố đến nay cho thấy trường hợp của ông Biden có vẻ ít nghiêm trọng hơn vụ bê bối của người tiền nhiệm. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng diễn biến này vẫn đẩy Nhà Trắng cùng một số quan chức Mỹ vào tình thế khó xử.
Đây được coi là cơ hội để phe Cộng hòa tăng áp lực với ông Biden và phe Dân chủ. Với vị thế kiểm soát Hạ viện, các nghị sĩ Cộng hòa đã nhanh chóng gây sức ép với cơ quan chức năng sau khi thông tin được công bố.
Hạ nghị sĩ James Comer, tân chủ tịch Ủy ban Giám sát của Hạ viện, đã gửi thư đến văn phòng luật sư tại Nhà Trắng và Cơ quan Lưu trữ Quốc gia. Ủy ban này yêu cầu hai cơ quan nộp lại toàn bộ tài liệu mật được tìm thấy ở văn phòng cũ của ông Biden, danh sách những người từng tiếp cận văn phòng này, mọi tài liệu cùng liên lạc giữa Nhà Trắng với Bộ Tư pháp và Cơ quan Lưu trữ Quốc gia liên quan vụ bê bối, cũng như mọi ghi chép của các luật sư đại diện cho ông Biden trong quá trình này.
Comer đặt hạn chót để hai cơ quan trên hoàn tất hồ sơ là ngày 24/1. Ngoài ra, hai lãnh đạo Cơ quan Lưu trữ Quốc gia là Gary Stern cùng John Hamilton phải điều trần trước ủy ban trước ngày 17/1. Ủy ban Tình báo của Hạ viện cũng yêu cầu văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ đánh giá tác động từ sự việc này.
Vụ rò rỉ tài liệu mật liên quan đến Tổng thống Biden đến nay chưa có dấu hiệu sẽ tăng nhiệt về mặt điều tra, song sức ép chính trị và dư luận đang ngày một lớn. Bầu không khí chính trị phân cực tại Mỹ cũng là một phần lý do Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland chọn Lausch, một quan chức do chính quyền Trump bổ nhiệm, làm báo cáo sơ bộ về sự việc.
“Sức ép này sẽ khiến Bộ trưởng Garland đối diện với lựa chọn khó khăn, hoặc tiếp tục quá trình thu hồi tài liệu mật trong yên lặng, hoặc mở một cuộc điều tra hình sự tương tự vụ Mar-a-Lago nhắm vào Tổng thống Biden”, bình luận viên Philip Bump của Washington Post nhận định.