Tân Lộc hướng tới mục tiêu mỗi hộ chỉ sản xuất một thửa ruộng quy mô lớn

(Baohatinh.vn) - Xã Tân Lộc là địa phương thứ 2 ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) thực hiện chuyển đổi ruộng đất lần 3 để hướng tới mục tiêu mỗi hộ chỉ còn sản xuất một thửa ruộng trong vụ xuân sắp tới.

Tân Lộc hướng tới mục tiêu mỗi hộ chỉ sản xuất một thửa ruộng quy mô lớn

Lãnh đạo xã Tân Lộc cùng Ban Chỉ đạo chuyển đổi ruộng đất thôn Tân Trung kiểm tra hệ thống đường nội đồng mới đào đắp.

Tân Trung là thôn đầu tiên của xã Tân Lộc cụ thể hóa các phần việc liên quan đến chuyển đổi ruộng đất lần 3. Theo đó, cách đây hơn 1 tháng, thôn đã bắt đầu thuê máy móc đào đắp đường nội đồng, kênh mương, di dời mộ trên đồng và triển khai các phần việc liên quan khác. Thôn Tân Trung đang quyết tâm chia 90 ha ruộng cho 350 hộ dân trước tháng 11 sắp tới, mỗi nhà từ 3 thửa nhỏ như trước đây thành 1 thửa lớn.

Bí thư Chi bộ thôn Tân Trung Nguyễn Đình Biềng cho biết: “Để tạo bước đột phá trên đồng ruộng, thôn chúng tôi chủ động vào cuộc sớm nhất xã. Chuyển đổi ruộng lần 3 này, toàn thôn phải cất bốc 641 ngôi mộ (đã bốc 550 ngôi mộ), đào đắp mới 55 tuyến đường có tổng chiều 16 km và 13 km kênh mương các loại (đã đạt 90% khối lượng). Dù đất ruộng chưa chia nhưng nhìn những ô thửa lớn mới hình thành, những con đường nội đồng mới đào đắp to đẹp... bà con ai nấy đều phấn khởi”.

Tân Lộc hướng tới mục tiêu mỗi hộ chỉ sản xuất một thửa ruộng quy mô lớn

Cán bộ thôn Tân Trung trao đổi các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện với Chủ tịch UBND xã Tân Lộc Nguyễn Duy Đoàn (đứng giữa).

3 thôn còn lại là Tân Thành, Tân Thượng, Kim Tân cũng đang gấp rút vào cuộc để thực hiện cuộc “cách mạng” ruộng đất. Dù thời tiết không thực sự thuận lợi, nhiều diện tích sâu trũng, khối lượng đào đắp rất nhiều, thời gian thực hiện khá gấp rút... nhưng với quyết tâm cao, phát huy tốt tinh thần dân chủ nên các vướng mắc đã từng bước được tháo gỡ. Hiện nay, cả 4 thôn đều đang vào cuộc với quyết tâm cao nhất, hàng chục chiếc máy móc hoạt động liên tục khắp các cánh đồng, không khí phấn khởi lan tỏa khắp nơi.

Anh Nguyễn Duy Hoài – Trưởng thôn Kim Tân thông tin: “Thôn chúng tôi đang thực hiện chuyển đổi ruộng đất lần 3 rất quyết liệt, trách nhiệm, có sự đồng thuận cao. Trong quá trình triển khai, tất cả mọi việc như: tuyên truyền vận động, soát xét thực địa, thống kê các hạng mục, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện từng phần việc... đều được thực hiện dân chủ, bàn bạc thấu đáo nên diễn ra thuận lợi, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Phấn đấu khoảng 20 ngày nữa, thôn sẽ di dời hết 879 ngôi mộ, đào đắp xong 24 km đường nội đồng, đắp 2 km kênh mương trục tiêu chính... để chia 216 ha ruộng cho 686 gia đình”.

Tân Lộc hướng tới mục tiêu mỗi hộ chỉ sản xuất một thửa ruộng quy mô lớn

Đoàn công tác của Ban Thường vụ Huyện ủy Lộc Hà kiểm tra việc chuyển đổi ruộng đất lần 3 ở thôn Tân Trung.

Xã Tân Lộc có gần 660 ha đất sản xuất nông nghiệp. Năm 2009, sau khi thực hiện chuyển đổi ruộng đất lần 2, toàn xã còn 3.197 thửa ruộng (giảm 6.123 thửa so với chuyển đổi lần 1), chia cho 1.393 hộ (bình quân 2,3 thửa/hộ); trong đó, có 197 hộ nhận 1 thửa, 650 hộ có 2 thửa, 546 hộ có 3 thửa trở lên.

Lần này, công tác chuyển đổi ruộng đất ở Tân Lộc được Thường trực Huyện ủy Lộc Hà cho chủ trương vào đầu tháng 6/2023, sau đó xã đã tập trung bàn bạc, kiểm tra thực tế, xây dựng kế hoạch, lấy ý kiến góp ý và các phần việc cụ thể khác.

Tân Lộc hướng tới mục tiêu mỗi hộ chỉ sản xuất một thửa ruộng quy mô lớn

Hơn 1 tháng qua, hàng chục máy móc hoạt động liên tục trên các cánh đồng của xã Tân Lộc để sớm hoàn thành việc đào đắp hệ thống kênh mương, đường nội đồng, phá bỏ bờ vùng, bờ thửa.

Chủ tịch UBND xã Tân Lộc Nguyễn Duy Đoàn cho biết: Toàn xã chia 660 ha ruộng thành 1.621 ô thửa lớn. Để phục vụ sản xuất, lần này các thôn sẽ đào đắp mới 243 tuyến đường nội đồng rộng từ 3-5m với tổng chiều dài 76 km, 81 tuyến kênh mương với tổng chiều dài gần 25 km, 16 cống xây và hàng trăm cống ống bi; di dời 1.796 ngôi mộ, di chuyển 233 nghìn m3 đất, san phẳng hàng chục nghìn m2 mặt ruộng... Dự kiến, tổng kinh phí hết khoảng 16 tỷ đồng; trong đó, cấp trên hỗ trợ hơn 5,8 tỷ đồng, ngân sách xã gần 4,2 tỷ đồng, còn lại người dân đóng góp để cải tạo lại mặt ruộng.

“Hiện nay, khối lượng đào đắp đường nội đồng đã đạt 73%, kênh mương đã đạt 63%, di dời mộ đạt 89%, các phần việc khác có liên quan đạt khoảng 85%. Chúng tôi đang tập trung tháo gỡ các khó khăn, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện, nhất là xử lý các vấn đề khó của 22 ha vùng Đồng Sâu ở thôn Tân Thành (ruộng sâu, phải kè chống sạt lở 300m, làm 10 cống qua đường, cứng hóa 2 km kênh mương) và tình trạng ngập úng ở một số vùng sâu trũng, máy móc không thể vào làm... Chúng tôi phấn đấu sẽ tổ chức họp bàn, bốc thăm, giao đất cho bà con vào đầu tháng 11 sắp tới” - Chủ tịch UBND xã Tân Lộc Nguyễn Duy Đoàn cho biết thêm.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.