VIDEO: Giáo viên, phụ huynh làm đất, gieo trồng vườn rau bán trú
Từ đầu tháng 8, Ban Giám hiệu Trường Mầm non Yên Hồ (xã Yên Hồ) đã huy động giáo viên, phụ huynh cùng đến trường để làm đất, tiến hành gieo các giống rau và chăm sóc lứa rau từ vụ trước.
Với diện tích hơn 500 m2, nhà trường đã chia vườn rau thành các ô trồng rau lá (hẹ, khoai lang, mồng tơi), củ quả (cà rốt, cà tím); làm dàn trồng củ quả (bí, mướp) và bố trí khu vực trồng cây ăn quả để phục vụ cho hơn 210 học sinh trong năm học mới.
“Trước khi nghỉ hè, Ban Giám hiệu nhà trường đã có kế hoạch chăm sóc vườn rau của trường. Nhờ đó, các loại rau củ luôn tươi tốt. Bên cạnh ngày công của giáo viên, rất nhiều phụ huynh đã cùng tham gia xới đất, bón phân, chăm sóc vườn rau từ đầu tháng nay”, cô Võ Thị Thuỳ - Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Hồ cho biết.
Trường Mầm non Tùng Châu (xã Đức Tùng) đang cắt cử người tưới tiêu, chăm bón vườn rau để cung ứng nguồn rau sạch cho hơn 130 suất ăn bán trú của trường trong năm học mới. Với diện tích hơn 300 m2, nhà trường đã chia thành 10 ô để gieo trồng các giống hẹ, khoai lang.
Lãnh đạo nhà trường dự tính mở rộng vườn rau để tăng gia thêm một số loại củ quả phục vụ bếp ăn bán trú cho học sinh.
“Khi được nhà trường thông báo lịch chăm bón vườn rau, tôi đã cùng các phụ huynh khác sắp xếp thời gian, chuẩn bị phân chuồng đưa đến trường. Nhờ có vườn rau của trường, tôi rất yên tâm cho con học bán trú bởi đây là nguồn rau sạch, an toàn”, chị Trần Thị Hoài - phụ huynh Trường Mầm non Tùng Châu cho biết.
Những ngày này, giáo viên và phụ huynh Trường Mầm non Đức Thuỷ (xã Lâm Trung Thủy) cũng đang hối hả đổ đất, nâng nền vườn rau để tránh ngập úng trong mùa mưa. Với diện tích hơn 400m2, nhà trường tiến hành nâng lên khoảng 10-15 cm và gieo trồng các giống rau như cải búp, mồng tơi, rau ngót.
Để có vườn rau, mỗi trường đầu tư khoảng 3-4 triệu đồng/năm để mua giống và phân bón. Công chăm sóc được huy động từ giáo viên và phụ huynh. Hiện các trường mầm non tại huyện Đức Thọ đã đáp ứng được 70 – 80% nguồn rau củ sạch, đảm bảo chất lượng cho học sinh ăn bán trú.
Nhiều trường học đã sử dụng vườn rau cho giờ học ngoại khoá như bé tập làm nông dân, bé chế biến rau cùng cô giáo… Những hoạt động trải nghiệm này được bố trí từ 1-2 lần/tuần/lớp giúp các em thêm yêu lao động, yêu thiên nhiên...
Thực tiễn việc trồng rau bán trú cho trẻ mần non ở các trường trên địa bàn huyện Đức Thọ đã đem lại hiệu quả rất thiết thực. Để đáp ứng kịp thời rau sạch cho trẻ ngay khi vào năm học mới, các trường đã triển khai trồng, chăm sóc rau ngay từ đầu tháng 8.
Đến nay, toàn huyện đã có 25/25 trường mầm non có vườn rau bán trú. Ngoài tạo nguồn thực phẩm sạch, vườn rau bán trú còn tạo cảnh quan khuôn viên của trường. Đồng thời, mô hình vườn rau cũng là nơi để trẻ hoạt động trải nghiệm sáng tạo và phục vụ cho công tác dạy học.