Trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/2024, trên địa bàn huyện Thạch Hà xuất hiện 2 ổ dịch tả lợn châu Phi. Ổ dịch đầu tiên tại xã Tân Lâm Hương với 10 con lợn của 2 hộ dân ở thôn Văn Bình phát hiện vào ngày 15/8; tiếp đó, đến ngày 21/8, trên địa bàn xã Thạch Lạc xuất hiện ổ dịch thứ hai với 11 con lợn của 2 hộ dân ở thôn Vĩnh Thịnh. Ngoài ra, từ đầu năm 2024, ở địa bàn xã Thạch Trị cũng phát hiện 1 ổ dịch tả lợn châu Phi với 10 con nhiễm bệnh.
Tại các địa phương, ngay khi phát hiện dịch, Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi (KHKT&BVCTVN) huyện đã phối hợp UBND các xã và hộ dân tiến hành tiêu hủy lợn ốm, chết; kịp thời phun hóa chất, rắc vôi bột khử trùng môi trường tại các hộ, thôn có chăn nuôi lợn; lập các chốt cảnh báo dịch và kiểm soát các tuyến đường ra vào thôn có dịch và lân cận.
Đồng thời, tiến hành rà soát số lượng vật nuôi trong các thôn các trên địa bàn; thông tin các gia đình theo dõi chặt chẽ tình hình đàn vật nuôi của mình, kịp thời báo cáo chính quyền khi xảy ra bất thường. Tổ chức tuyên truyền, cảnh báo rộng rãi thông qua họp quán triệt cán bộ thôn, loa phát thanh về tình hình dịch bệnh để người dân có các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.
Ông Trần Văn Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lâm Hương cho biết: “Hiện, toàn xã có tổng đàn hơn 3.700 con lợn. Từ khi phát hiện ổ dịch vào ngày 15/8 đến nay, đã ghi nhận 10 ngày không phát sinh ổ dịch mới trên địa bàn. Để tiếp tục chống dịch, không để dịch lây lan, ngoài thường xuyên phun tiêu độc, khử trùng, rắc vôi bột, địa phương đã tập trung tuyên truyền các hộ chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại, không tái đàn, không xuất chuồng những đàn lợn bị ốm; khi lợn có triệu chứng ốm phải báo ngay cho xã. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra các chợ, các lò mổ; khuyến cáo người dân mua thịt ở những nơi rõ nguồn gốc, có đóng dấu kiểm dịch”.
Công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi không chỉ được triển khai ráo riết tại các xã đang có dịch mà còn được triển khai đồng bộ ở các xã khác trên địa bàn, đặc biệt là các xã lân cận vùng dịch.
Là xã ở gần vùng dịch Tân Lâm Hương, mặc dù số lượng đàn không lớn (khoảng 260 con), nhưng từ giữa tháng 8 đến nay, xã Thạch Đài đã triển khai nhiều biện pháp chống dịch.
Ông Dương Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đài cho biết: “Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, xã đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân bám sát địa bàn cơ sở, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp bao vây, khống chế dịch theo công văn chỉ đạo của UBND huyện, cơ quan chuyên môn.
Hướng dẫn, chỉ đạo 100% hộ chăn nuôi thực hiện việc rải vôi bột các lối ra vào chuồng trại chăn nuôi; thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Đặc biệt, xã đã kiện toàn tổ kiểm soát phòng chống dịch, thường xuyên kiểm tra tại các lò giết mổ và ở các chợ truyền thống, quầy hàng bán thực phẩm thịt lợn”.
Bên cạnh đó, để chủ động phòng chống nhằm ngăn chặn, khống chế, bao vây và dập dịch, UBND huyện đã kịp thời hỗ trợ gần 400 lít hóa chất cung cấp cho 10 xã và 6 cơ sở giết mổ gia súc, các địa phương đã chủ động mua hơn hàng tấn vôi bột để tiến hành tiêu độc khử trùng môi trường, nhất là tại các khu vực chăn nuôi, cơ sở giết mổ tập trung, chợ buôn bán sản phẩm động vật...
Ông Nguyễn Văn Sáu - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho biết: “Thời điểm này, thời tiết bất lợi làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển. Cùng với đó, các hoạt động vận chuyển, buôn bán để tái đàn, tăng đàn gia tăng nên nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan trong thời gian tới là rất cao. UBND huyện đã ban hành công văn chỉ đạo cụ thể đến các xã, thị trấn, trưởng các ban, phòng, ngành chỉ đạo cơ sở tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách để phòng, chống dịch; cấp phát hoá chất tiêu độc khử trùng kịp thời đến các địa bàn”.
Cũng theo ông Sáu, hiện nay, tổng đàn lợn trên địa bàn khá lớn với 31.500 con; nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh khá cao. Do vậy, huyện đang tập trung chỉ đạo các địa bàn rà soát, bám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình đàn vật nuôi, kịp thời báo cáo cơ quan chuyên môn khi xảy ra bất thường để có phương án xử lý sớm, phù hợp.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình, diễn biến, các giải pháp phòng, chống để người dân biết và chủ động thực hiện. Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tiêm phòng các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2024 đảm bảo kế hoạch.
Đồng thời, tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn trên địa bàn; chỉ đạo đoàn liên ngành cấp xã thường xuyên kiểm tra tại các chợ, các điểm kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, các cơ sở giết mổ gia súc tập trung, cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi… Khuyến cáo người chăn nuôi khi lợn đến tuổi xuất chuồng cần xuất bán ngay; không tăng đàn, tái đàn khi không đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh.
“Đoàn liên ngành huyện sẽ tăng cường kiểm tra, phúc kiểm, phát hiện chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn, sản phẩm của lợn không đúng quy định; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch; vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường…” – Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định.