Năm 2001, theo chính sách của Nhà nước, anh Lê Ngọc Dân ở thôn Vinh Sơn cùng với gia đình đã lên mảnh đất bán sơn địa của xã Cẩm Sơn để xây dựng vùng kinh tế mới. Từ năm 2001 - 2008, trên diện tích gần 5 ha, gia đình anh chủ yếu trồng keo, lạc, sắn... để có thu nhập. Tuy nhiên, hướng kinh tế này mang lại hiệu quả không cao, gia đình vẫn không thoát khỏi nghèo khó.
Anh Dân cho biết: "Giữa năm 2008, nhận thấy quỹ đất của gia đình phù hợp phát triển chăn nuôi nên tôi đã vay ngân hàng gần 200 triệu đồng để xây dựng chuồng trại rộng 200 m2, thả nuôi 15 con lợn nái và 80 con lợn thịt/lứa. Đến năm 2013, khi việc chăn nuôi thuận lợi, gia đình đã quyết định đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng hai dãy chuồng chăn nuôi lợn hiện đại, có hệ thống bể biogas khép kín, với diện tích rộng hơn 1.500 m2, quy mô thả nuôi 800 con/lứa".
Nhờ chú trọng kỹ thuật nuôi và lợn giống được mua tại các trang trại, công ty chăn nuôi có uy tín trên địa bàn tỉnh nên đàn lợn của gia đình anh Dân phát triển khỏe mạnh.
Mạnh dạn trong phát triển kinh tế đã giúp gia đình anh Dân từ hộ khó khăn vươn lên trở thành hộ khá của địa phương, khi mô hình chăn nuôi của gia đình luôn cho hiệu quả kinh tế cao qua từng năm. Hiện tại, trang trại của anh Dân đang duy trì 800 con lợn thịt/lứa, mỗi năm nuôi 2 lứa. Ngoài ra, gia đình anh còn nuôi 40 con lợn nái để giảm chi phí mua con giống.
Nói về quá trình khởi nghiệp của mình, anh Lê Ngọc Dân cho biết: "Để có được trang trại như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu không ngừng của vợ chồng tôi. Chúng tôi đã đi tới nhiều trang trại, nhiều mô hình hay trên địa bàn tỉnh để học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng trừ dịch bệnh… Nhờ đó, mô hình ngày càng phát triển, đến nay, mỗi năm từ chăn nuôi lợn đưa về cho gia đình doanh thu khoảng 9 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi hơn 900 triệu đồng".
Lợn tại trang trại của anh Dân được nuôi theo hướng hữu cơ, chất thải được xử lý triệt để. Do vậy, giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, đồng thời hạn chế nguy cơ dịch bệnh, đảm bảo cho vật nuôi phát triển tốt, năng suất cao và hạn chế sử dụng thuốc thú y.
Theo anh Dân, trong quá trình nuôi phải chú trọng đến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần và thời gian ăn mới đảm bảo được tỷ lệ nạc và trọng lượng khi xuất bán. Đặc biệt, khâu vệ sinh chuồng trại cũng được gia đình thực hiện đều đặn 2 lần/ngày, giúp chuồng trại thông thoáng, sạch sẽ hơn.
Chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, anh Dân cho biết: "Dù nuôi con vật nào cũng phải thường xuyên theo dõi, nắm bắt sức khỏe của từng loại, hiểu được đặc tính của con vật đó. Bên cạnh việc phải đảm bảo nguồn nước, thức ăn sạch, cần phải đặc biệt quan tâm tới việc tiêm vắc - xin để phòng các loại bệnh cho đàn lợn".
Ngoài chăn nuôi lợn, tận dụng lợi thế vườn đồi, mỗi năm gia đình anh Dân còn thả nuôi hơn 1.000 con gà, mang lại thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, gia đình anh còn trồng hơn 2 ha rừng keo để bán gỗ nguyên liệu.
Bằng những nỗ lực của bản thân, tháng 10/2022, anh Dân vinh dự được Hội Nông dân tỉnh vinh danh hộ sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2017 - 2022. Chia sẻ về dự định sắp tói, anh cho hay: "Thời gian tới, tôi sẽ xây dựng thêm chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi lợn, gà cũng như tích cực hơn nữa trong các hoạt động xã hội, giúp đỡ bà con nông dân trên địa bàn cùng nhau vượt khó, làm giàu".
Bằng sức lao động và tinh thần tự lực vươn lên, anh Lê Ngọc Dân là tấm gương tiêu biểu trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn. Anh cũng là hội viên nông dân tiêu biểu, luôn thực hiện tốt các quy định của địa phương, tham gia tốt các hoạt động của tổ chức Hội Nông dân huyện, xã.