Thấy gì từ chỉ số PCI Hà Tĩnh năm 2019?

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh luôn ý thức được tầm quan trọng trong việc cải thiện chỉ số PCI, xem đây là một kênh dữ liệu khách quan để chính quyền xem xét, khắc phục, cải thiện môi trường kinh doanh.

7/10 chỉ số thành phần tăng điểm

PCI là “tiếng nói” quan trọng của các doanh nghiệp (DN) tư nhân về môi trường kinh doanh địa phương. Thứ hạng PCI càng cao, càng thể hiện môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, thân thiện…

Theo kết quả xếp hạng chỉ số PCI năm 2019, Hà Tĩnh đạt 65,46 điểm, xếp thứ 27, giảm 4 bậc so với 2018 (2018 xếp vị trí 23). Dù vậy, tổng điểm của năm 2019 vẫn cao hơn 1,47 điểm so với 2018 (2018 đạt 63,99 điểm). Cũng với kết quả này, Hà Tĩnh xếp thứ 8/12 tỉnh, thành vùng Duyên hải miền Trung.

Thấy gì từ chỉ số PCI Hà Tĩnh năm 2019?

Kết quả PCI của Hà Tĩnh từ 2006 đến nay

Theo phân tích, trong 10 chỉ số thành phần có 7 thành phần tăng điểm gồm: tính minh bạch (2018: 6,25; 2019: 6,7 điểm); chi phí thời gian (2018: 6,51; 2019: 6,82); chi phí không chính thức (2018: 5,36; 2019: 5,71); cạnh tranh bình đẳng (2018: 4,73; 2019: 5,36); tính năng động của chính quyền (2018: 4,59 - 2019: 6,71); đào tạo lao động (2018: 6,98 - 2019: 7,08); thiết chế pháp lý (2018: 6,99 - 2019: 6,12).

Đặc biệt, theo Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hoàng Trung Thông, chỉ số tính năng động của chính quyền được cải thiện mạnh, từ vị trí áp chót của năm 2018 đã vươn lên vị trí 20 của cả nước. Chỉ số này là sự nỗ lực đáng ghi nhận của hệ thống chính quyền trong năm qua.

Thấy gì từ chỉ số PCI Hà Tĩnh năm 2019?

Nhiệm vụ cải cách hành chính được Hà Tĩnh tập trung thực hiện bằng nhiều giải pháp.

Phân tích sâu về chỉ số “Tính năng động của chính quyền” cho thấy: có đến 82% DN được khảo sát cho rằng, UBND tỉnh Hà Tĩnh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân; 76% DN đánh giá các vướng mắc, khó khăn của DN được tháo gỡ kịp thời qua đối thoại; 87% DN hài lòng với phản hồi/cách giải quyết của cơ quan nhà nước; 97% DN nhận được phản hồi của tỉnh sau khi phản ánh khó khăn, vướng mắc.

Dù vậy, vẫn có 3 chỉ số giảm điểm gồm: gia nhập thị trường (2018: 8,26 – 2019: 8,08), tiếp cận đất đai (2018: 6,36 – 2019: 6,14) và dịch vụ hỗ trợ DN (2018: 6,97 – 2019: 6,29)

Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, PCI 2019 có điểm trung bình cao nhất từ trước tới nay. Điều này cho thấy, đã có “một dàn nhạc cải cách” đồng điệu hơn các địa phương. Các tỉnh, thành phố luôn nỗ lực để nâng cao thứ hạng trong “cuộc đua” này. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, mặc dù Hà Tĩnh có tăng điểm nhưng đặt trong bối cảnh các địa phương khác cũng tăng khá nên trên bảng tổng sắp, Hà Tĩnh vẫn rớt 4 bậc, về đích ở vị trí thứ 27 trong năm 2019.

Cần những giải pháp quyết liệt

Xét trên bình diện chung, việc lọt top khá và trụ vững ở top này là một thành công của Hà Tĩnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư ở những năm gần đây. Điều này là kết quả của việc Hà Tĩnh đã luôn nhìn nhận, ý thức được tầm quan trọng trong việc cải thiện chỉ số PCI, xem đây là một kênh dữ liệu khách quan để chính quyền xem xét, khắc phục, cải thiện môi trường kinh doanh.

Thấy gì từ chỉ số PCI Hà Tĩnh năm 2019?

76% DN đánh giá các vướng mắc, khó khăn của DN được tháo gỡ kịp thời qua đối thoại (Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng trao đổi với DN bên lề cuộc đối thoại năm 2019. (Ảnh tư liệu)

Hà Tĩnh đã và đang tập trung xây dựng kế hoạch về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động và xem cải thiện môi trường đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong các kế hoạch phát triển.

Tuy vậy, nếu chiếu chỉ số PCI vào bức tranh tổng thể của môi trường kinh doanh thì vẫn còn nhiều “lực cản” ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh. Theo đó: vẫn còn 72% DN gặp cản trở trong tiếp cận đất đai; 77% DN cho rằng họ gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trong 2 năm qua; 55% DN cho rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết TTHC cho DN là phổ biến; 67% DN phản ánh các DN cùng ngành thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức; 25% DN đánh giá cán bộ công chức vẫn chưa thân thiện…

Thấy gì từ chỉ số PCI Hà Tĩnh năm 2019?

Các doanh nghiệp mong muốn cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính, tạo điều kiện sản xuất thuận lợi...

Để tiếp tục hỗ trợ cho DN, khắc phục những “điểm nghẽn”, phát huy các dư địa đầu tư đang có thể khai thác, Hà Tĩnh cần tiếp tục quyết liệt, mạnh mẽ hơn bằng các giải pháp cụ thể, đúng địa chỉ. Đặc biệt, cần chú trọng các chỉ số chưa có sự cải thiện hoặc còn giảm sút điểm. Bên cạnh đó, mặc dù tăng nhưng một số chỉ số quan trọng cần phải có các biện pháp cải thiện hơn nữa như chỉ số “Chi phí không chính thức”, “Cạnh tranh bình đẳng”…

Trong thời điểm này, trên nhiều cuộc nghị sự của chính quyền Hà Tĩnh, việc đồng hành, hỗ trợ hay thậm chí là “cứu” DN phục hồi, phát triển sau dịch Covid- 19 đang được gấp rút triển khai.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, nhân cơ hội này, hãy cùng tháo gỡ “điểm nghẽn” cố hữu về thủ tục hành chính, các vấn đề liên quan đến đất đai, giải ngân vốn đầu tư… để triển khai một cuộc cải tổ đồng bộ. Hy vọng, với sự chủ động, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục trở thành môi trường năng động, hấp dẫn các nhà đầu tư.

Thấy gì từ chỉ số PCI Hà Tĩnh năm 2019?

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2019 của 63 tỉnh, thành phố.

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.