Thế giới ghi nhận gần 5.200 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua

Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc đứng đầu thế giới về số ca mắc mới COVID-19, với 362.328 ca, trong khi số ca tử vong tại Mỹ trong 24 giờ qua cao nhất thế giới, với 863 ca.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới trung tâm y tế ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 14/3/2022. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 16/3 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 461,52 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 6,07 triệu ca tử vong.

Số bệnh nhân đã bình phục là 394.832.905 người, trong khi vẫn còn 64.628 bệnh nhân đang phải điều trị tích cực (chiếm 0,1%).

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 1.683.690 ca mắc mới và 5.195 ca tử vong, tăng vọt so với con số của ngày trước đó là 1.143.140 ca mắc mới và 3.906 ca tử vong.

Hàn Quốc đứng đầu thế giới về số ca mắc mới, với 362.328 ca, trong khi số ca tử vong tại Mỹ trong 24 giờ qua cao nhất thế giới, với 863 ca.

Mặc dù số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày tại Mỹ đã giảm nhiều, chỉ còn hơn 24.000 ca/ngày, song trong làn sóng dịch Omicron, trẻ em mắc COVID-19 đang là vấn đề lo ngại tại nước này.

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) của Mỹ, số trẻ em dưới 4 tuổi, kể cả trẻ sơ sinh phải nhập viện do mắc COVID-19 cao gấp 5 lần so với thời kỷ đỉnh dịch mà biến thể Delta hoành hành.

Đây là nhóm người dễ bị tổn thương song lại chưa có vaccine phòng ngừa.

CDC kêu gọi cần có những chiến lược để ngăn chặn nguy cơ mắc COVID-19 ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, như đẩy mạnh chương trình tiêm chủng cho những người đã đủ điều kiện tiêm chủng như phụ nữ mang thai, các thành viên khác trong gia đình, người chăm sóc trẻ.

Theo thống kê mới nhất của Viện Nhi khoa và Hiệp hội Nhi khoa Mỹ, từ đầu dịch đến nay, Mỹ có 12.752.636 ca mắc COVID-19 là trẻ em, trong đó hơn 7,7 triệu ca được ghi nhận từ đầu tháng 9 đến nay, tức trong 6 tháng rưỡi.

Trong khi dịch COVID-19 do biến thể Omicron chưa được đẩy lùi, sự xuất hiện của những biến thể mới đang trở thành nỗi lo ngại của chính phủ nhiều nước.

Một điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 cho trẻ em tại Long Beach, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ Y tế Brazil ngày 15/3 xác nhận có 2 ca nhiễm Deltacron. Biến thể mới này lần đầu tiên được phát hiện tại Pháp và hiện đang được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) theo dõi. Anh cũng đã ghi nhận ca mắc biến thể này.

Còn tại châu Âu, một số nước khu vực này đang chứng kiến số ca mắc mới gia tăng sau khi nới lỏng các biện pháp phòng dịch.

Ngày càng có nhiều chuyên gia cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng khi các nước gỡ bỏ các biện pháp phòng dịch quá sớm, nhất là khi biến thể Omicron có khả năng dễ lây nhiễm đang hoành hành.

Theo Văn phòng thống kê Anh, số ca mắc mới hiện nay tại cả 4 vùng của nước này đã tăng trở lại kể từ cuối tháng 1, trong đó Scotland ghi nhận mức tăng cao kỷ lục. Cụ thể, trong 7 ngày qua, nước này có 492.103 ca mắc mới và 714 ca tử vong.

Từ đầu tháng 3, Áo cũng chứng kiến làn sóng lây nhiễm gia tăng trở lại. Ngày 10/3, Áo ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục 49.432 ca trong một ngày kể từ đầu dịch.

Tại Hà Lan, số ca nhập viện trong tuần qua tăng 14%, trong khi số bệnh nhân COVID-19 cần điều trị tích cực tăng 6%.

Tại Đức, số ca mắc COVID-19 mới trong 7 ngày qua cũng đã tăng lên con số kỷ lục với tỷ lệ mắc là 1.585,4/100.000 dân. Viện Robert Koch cho biết nước này có 198.888 ca mắc mới do nhiễm Omicron.

Từ ngày 16/3, Đức chính thức áp dụng quy định tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 bắt buộc đối với nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe tại nước này, trừ các trường hợp có chứng nhận vừa khỏi COVID-19 và có xác nhận của bác sỹ để được miễn trừ.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói