Thế giới ngày qua: Nữ hoàng Elizabeth chấp thuận đề xuất của chính phủ hoãn phiên họp Quốc hội

(Baohatinh.vn) - Nữ hoàng Elizabeth chấp thuận đề xuất của chính phủ hoãn phiên họp Quốc hội; Hàn Quốc phản ứng khi bị Nhật Bản loại khỏi danh sách trắng... là những thông tin nổi bật trên thế giới trong ngày 28/8 được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Nữ hoàng Anh Elizabeth II. (Ảnh: Gettyimages)

Nữ hoàng Elizabeth chấp thuận đề xuất của chính phủ hoãn phiên họp Quốc hội: Nữ hoàng Elizabeth II đã chấp thuận đề xuất của chính phủ hoãn lịch làm việc của Quốc hội dự kiến bắt đầu từ ngày 3/9 sang ngày 14/10 nhằm ngăn chặn khả năng các nghị sĩ đối lập cản trở kịch bản Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, mà không có thỏa thuận vào ngày 31/10 tới.

Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã để nghị Nữ hoàng Elizabeth II hoãn phiên họp Quốc hội sẽ diễn ra vào ngày 3/9.

Kế hoạch này bị chỉ trích là nhằm ngăn chặn Quốc hội cản trở Brexit diễn ra theo đúng kế hoạch. Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow khẳng định việc chính phủ có kế hoạch hoãn thời gian làm việc của cơ quan lập pháp nước này tới ngày 14/10 là "vi phạm hiến pháp", cho rằng động thái này được đưa ra để ngăn chặn cơ quan lập pháp tranh luận về Brexit cũng như thực hiện nghĩa vụ định hình tương lai của quốc gia. Lãnh đạo Công đảng đối lập ở Anh Jeremy Corbyn cũng cho rằng kế hoạch hoãn lịch làm việc của Quốc hội là vi hiến và đe dọa nền dân chủ quốc gia.

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Hàn Quốc phản ứng khi bị Nhật Bản loại khỏi danh sách trắng: Quyết định của Nhật Bản đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách các đối tác được nhận ưu đãi thương mại chính thức có hiệu lực từ ngày 28/8, làm sâu sắc thêm bất đồng giữa hai quốc gia láng giềng.

Cụ thể, từ ngày 28/8, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản sẽ xem xét phê duyệt từng lô hàng trong số hơn 1.100 “mặt hàng chiến lược” trước khi xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Phản ứng trước động thái mà Hàn Quốc cho là không công bằng từ Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã triệu Đại sứ Nhật Bản tại Seoul Yasumasa Nagamine đến để phản đối. Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Se-young khẳng định, quyết định loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách trắng cần phải được "đảo ngược". Trong khi đó, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak Yeon kêu gọi Nhật Bản đối thoại để giải quyết vấn đề cũng như hàn gắn mối quan hệ giữa hai bên.

Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak (giữa) tới tòa án ở Kuala Lumpur. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Malaysia bắt đầu phiên tòa lớn nhất xét xử cựu Thủ tướng Najib Razak: Ngày 28/8, Tòa thượng thẩm Kuala Lumpur đã mở phiên tòa dự kiến kéo dài nhiều tháng xét xử cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak liên quan bê bối Quỹ đầu tư Nhà nước 1Malaysia (1MDB). Đây là phiên tòa lớn nhất xét xử vụ bê bối tài chính này.

Phiên xét xử đầu tiên đã được tiến hành tháng 4 vừa qua, nhưng phiên tòa bắt đầu ngày 28/8 là phiên lớn nhất, trong đó ông Najib phải đối mặt tổng cộng 21 cáo buộc rửa tiền và 4 cáo buộc lạm dụng quyền lực liên quan việc ông đã biển thủ 2,28 tỷ ringgit (540 triệu USD) từ Quỹ 1MDB.

Tại phiên tòa, cựu Thủ tướng Najib, 66 tuổi, đã bác bỏ mọi cáo buộc. Các công tố viên có kế hoạch mời khoảng 60 nhân chứng đến tòa.

Các tay súng IS tại một địa điểm bí mật ở tỉnh Anbar, Syria, ngày 17/3/2014. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Liên hợp quốc cảnh báo IS vẫn tham vọng phát triển mạng lưới khủng bố toàn cầu: Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách vấn đề chống khủng bố, ông Vladimir Voronkov ngày 27/8 cho biết tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng vẫn tham vọng phát triển các mạng lưới trên toàn cầu.

Trong báo cáo trước Hội đồng Bảo an LHQ về mối đe dọa của IS đối với hòa bình và an ninh quốc tế, ông Vladimir Voronkov - đồng thời là người đứng đầu Văn phòng chống khủng bố của LHQ, cho biết mặc dù IS đã bị đánh bại ở Syria vào tháng 3/2019, nhưng nhóm khủng bố này vẫn lợi dụng các chân rết và kích động những cuộc tấn công, đồng thời vẫn còn khối tài sản ước tính lên tới 300 triệu USD.

Phó Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh "cần phải thận trọng để giảm thiểu rủi ro từ sự mở rộng quy mô của IS và các chân rết của tổ chức này, cần ngăn chặn IS tuyển mộ thêm các tay súng và ngăn chặn IS trỗi dậy". Ông Voronkov kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ "giữ vững lập trường toàn diện và lâu dài" trong cuộc chiến chống IS, đồng thời kêu gọi vai trò lãnh đạo chính trị và cách tiếp cận nguyên tắc dựa trên luật pháp quốc tế.

Binh sĩ Mỹ tại căn cứ không quân Kandahar, Afghanistan ngày 23/1/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mỹ muốn nhanh chóng rút quân khỏi Afghanistan: Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 27/8 cho biết Mỹ đang tìm cách chấm dứt can dự quân sự của nước này tại Afghanistan nhanh nhất có thể và làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giúp kết thúc cuộc chiến kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ này.

Ông Pompeo đưa ra phát biểu trên trong bối cảnh các đại diện Mỹ và phiến quân Taliban tại Afghanistan tiến hành đàm phán trong 5 ngày qua tại Doha (Qatar) và hai bên cho biết đang tiến gần tới một thỏa thuận. Washington muốn rút hàng nghìn binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan và chấm dứt cuộc chiến kéo dài 18 năm, nhưng với điều kiện Taliban đảm bảo quốc gia Tây Nam Á này sẽ không được sử dụng như một nơi trú ẩn an toàn cho các phần tử khủng bố.

Phát biểu tại hội nghị toàn quốc Quân đoàn lính Mỹ lần thứ 101 tại thành phố Indianapolis, bang Indiana, Ngoại trưởng Pompeo nêu rõ Tổng thống Donald Trump đã đưa ra "chỉ thị rõ ràng" cho giới chức Mỹ, theo đó "đưa người của chúng ta về nhà nhanh nhất và nhiều nhất có thể, và đảm bảo không để khủng bố tấn công Mỹ từ vùng đất đó một lần nào nữa". Ông Pompeo khẳng định "chúng tôi làm được và sẽ hoàn thành cả hai việc này".

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói