Thợ lặn tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường một vụ chìm tàu trên hồ ở thị trấn Goma, CHDC Congo. Ảnh: AFP/TTXVN
Tai nạn đường thủy tại Ấn Độ và Congo làm 83 người thiệt mạng, mất tích: Ngày 15/9, một tàu chở khách du lịch đã bị lật trên sông Godavari, miền Nam Ấn Độ, làm 3 người thiệt mạng và 44 người khác bị mất tích.
Vụ tai nạn xảy ra khi tàu Royal Vashishta chở 63 người, phần lớn là khách du lịch, đang thực hiện hành trình tới một địa điểm vui chơi ngoài trời nổi tiếng ở gần Rajahmundry ở bang Andhra Pradesh, miền Đông Nam Ấn Độ.
Cảnh sát Ấn Độ cho biết 3 thi thể đã được tìm thấy, 16 người được cứu sống và 44 người khác mất tích. Tuần trước, ít nhất 12 người đã chết đuối sau khi chiếc thuyền chở họ bị lật khi tham dự một lễ hội tôn giáo trên một hồ ở miền Trung nước này. Những người này đang tham dự lễ rước tượng Thần Voi Ganesha trong lễ hội Ganesh Chaturthi.
Cùng ngày, cảnh sát CHDC Congo cho biết 36 người bị mất tích sau khi một tàu bị chìm trên sông Congo ở ngoại ô thủ đô Kinshasa. Con tàu này bị chìm vào đêm 14/5 ở vị trí cách thủ đô Kinshasa khoảng 100 km khi đang thực hiện hành trình tới thủ đô. 76 người đã được cứu sống.
Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi. Ảnh: AFP
Iraq phủ nhận vụ tấn công ở Saudi Arabia được thực hiện từ nước này:Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi đã lên tiếng bác bỏ rằng lãnh thổ Iraq đã được sử dụng để tiến hành các cuộc không kích chống lại các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia.
Trước đó, theo các nguồn tin khu vực, lực lượng Houthi ở Yemen thực hiện vụ tấn công này bằng máy bay không người lái từ Iraq. Vụ tấn công khiến một nửa cơ sở sản xuất dầu của công ty Aramco ngừng hoạt động. Các chuyên gia của Saudi Arabia và Mỹ đang điều tra xác định rõ tên lửa tấn công từ Iraq hay Iran. Lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen tuyên bố thực hiện vụ tấn công từ Iraq.
Hiện một ủy ban được thành lập từ các bên liên quan ở Iraq để theo dõi vụ việc. Iraq kêu gọi tất cả các bên ngăn chặn các cuộc tấn công lẫn nhau. Iraq bày tỏ lo ngại rằng các giải pháp leo thang và quân sự làm phức tạp tình hình chính trị và nhân đạo, đe dọa an ninh chung và an ninh khu vực và quốc tế.
Tòa tháp đôi Petronas ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, bị khói mù bao phủ, ngày 9/9. Ảnh: Reuters.
Hơn 300 trường học Malaysia đóng cửa vì khói mù: Hơn 300 trường học ở bang miền nam Johor của Malaysia phải đóng cửa từ ngày 15/9 vì khói mù nghiêm trọng tới mức "rất có hại cho sức khỏe".
Ba quận bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khói mù tại Johor gồm Pontian, Muar và Tangkak. Chỉ số ô nhiễm không khí (API) tại Tangkak vào 17h ngày 14/9 đã lên đến 208. Khi API nằm trong ngưỡng từ 201 đến 300, không khí được cho là “rất có hại cho sức khỏe”. Chất lượng không khí ở mức bình thường khi API đạt từ 0 đến 50 và bị coi là “nguy hiểm” nếu vượt trên 300.
Chủ tịch Ủy ban Công nghệ, Khoa học, Giáo dục và Nguồn nhân lực Johor Aminolhuda Hassan cho biết trong khi 300 trường phải đóng cửa và hàng chục nghìn học sinh được nghỉ học, các lãnh đạo, nhân viên cùng giáo viên của nhà trường vẫn phải đi làm.
Malaysia đã đóng cửa hàng trăm trường học và phát nửa triệu mặt nạ phòng độc tại tỉnh Sarawak hồi đầu tuần khi khói mù cũng chạm ngưỡng “rất có hại cho sức khỏe”.
Nạn đốt rừng làm rẫy đã khiến cháy rừng trở thành hiện tượng thường niên ở Indonesia, đặc biệt là vào thời điểm khô hạn trong năm. Các nước láng giềng với quốc đảo này nhiều lần phàn nàn về khói mù từ các đám cháy gây ô nhiễm không khí, ngạt thở và nguy hại tới sức khỏe con người.
Zimbabwe tổ chức tang lễ cựu Tổng thống Robert Mugabe. Ảnh: Sky News
Zimbabwe tổ chức tang lễ cựu Tổng thống Robert Mugabe: Ngày 14/9 (theo giờ địa phương), chính phủ và người dân Zimbabwe đã tổ chức tang lễ cho cựu Tổng thống Robert Mugabe - người đã lãnh đạo quốc gia châu Phi này trong hơn 3 thập kỷ liên tiếp, tại sân vận động quốc gia ở thủ đô Harare, với sự tham dự của đông đảo người dân Zimbabwe và lãnh đạo, cựu lãnh đạo một số quốc gia trên thế giới.
Trước đó, vào ngày 6/9, cựu Tổng thống Mugabe đã qua đời tại 1 bệnh viện ở Singapore. Thi hài của ông đã được đưa về nước vào ngày 11/9 vừa qua.
Lễ tang chính thức của cựu Tổng thống Mugabe vẫn bị đánh giá là vắng người tham dự một cách bất ngờ, khi nhiều ghế tại sân vận động bị để trống, bất chấp việc trước đó, nhiều người đã ra tận sân bay để đón linh cữu cựu Tổng thống được đưa từ Singapore về nước.
Hiện tại, nơi “yên nghỉ” của cựu Tổng thống Mugabe vẫn chưa được xác nhận. Trong khi chính quyền Zimbabwe muốn chôn cất ông ở Đài tưởng niệm ngoại ô thủ đô Harare, thì cựu đệ nhất phu nhân Grace Mugabe và gia đình lại muốn đưa thi hài ông về quê nhà ở thị trấn Zvimba.
Tổng thống Robert Mugabe trở thành nhà lãnh đạo của Zimbabwe sau cuộc tổng tuyển cử năm 1980, chấm dứt chế độ cầm quyền của người da trắng tại quốc gia châu Phi này. Sau hơn 3 thập kỷ nắm quyền, ông Mugabe đã từ chức năm 2017 khi không còn nhận được sự ủng hộ của quân đội và các đồng minh trong đảng Zanu PF cầm quyền. Tuy nhiên, trong lòng nhiều người dân Zimbabwe, ông vẫn là 1 người anh hùng dân tộc.