Thế giới ngày qua: Tổng thống Trump dự định có chuyến thăm đầu tiên tới vùng chiến sự

(Baohatinh.vn) - Tổng thống Trump dự định có chuyến thăm đầu tiên tới vùng chiến sự; Interpol chính thức có tân Chủ tịch... là những thông tin nổi bật trên thế giới trong ngày 21/11 được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump lâu nay bị chỉ trích vì chưa tới thăm các binh sĩ Mỹ trên chiến trường dù đã nhậm chức gần hai năm. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Trump dự định có chuyến thăm đầu tiên tới vùng chiến sự: Theo AP, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ ý định có chuyến thăm đầu tiên tới một vùng chiến sự để thăm hỏi các binh sỹ được triển khai tại đó.

Trước đó ngày 20/11, ông Trump cho biết khi tới câu lạc bộ Mar-a-Lago để tham dự Lễ Tạ ơn, ông đã lên kế hoạch tới thăm một vùng chiến sự song không tiết lộ thời gian và địa điểm ông sẽ tới.

Tổng thống Trump thường tạo uy tín cho bản thân bằng việc gặp gỡ quân đội và các cựu chiến binh nhiều hơn bất kỳ tổng thống nào trước đó, song ông vẫn chưa bắt tay vào thực hiện cái từ lâu được coi là chuyến thăm theo truyền thống của các tổng thống vốn quan trọng với quân đội.

Ông Kim Jong Yang đang giữ chức quyền chủ tịch Interpol thay ông Mạnh Hồng Vĩ đã từ chức. (Ảnh: SBS)

Interpol chính thức có tân Chủ tịch: Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) vừa thông báo, ứng viên Kim Jong Yang, người Hàn Quốc, đã được bầu giữ chức Chủ tịch Interpol, thay cho cựu Chủ tịch Mạnh Hồng Vĩ đang bị giam giữ tại Trung Quốc vì cáo buộc nhận hối lộ hồi tháng 9/2018.

Thông báo này được đưa ra sau phiên họp Đại hội đồng Interpol lần thứ 87 tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) diễn ra hôm nay 21/11.

Trước đó Mỹ và Anh đã công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với ứng viên Kim Jong Yang, trong khi phản đối việc bầu chọn ứng viên Alexander Prokopchuk của Nga, đồng thời cảnh báo rằng việc lựa chọn ông Prokopchuk sẽ chỉ phục vụ cho các lợi ích của Nga. Nga đã phản đối tuyên bố trên và cáo buộc Mỹ đang can thiệp vào tiến trình bầu cử của Interpol.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và con gái Ivanka. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ bảo vệ việc con gái dùng email cá nhân xử lý việc công: "Chúng không phải thông tin tuyệt mật như sự việc của Hillary Clinton", USA Today dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/11 nói trước các phóng viên, đề cập tới thông tin Ivanka Trump bị tố cáo dùng email cá nhân để trao đổi các công việc của Nhà Trắng, trong đó nhắc tới bê bối cựu ngoại trưởng Mỹ dùng email cá nhân cho việc công trong thời gian lãnh đạo Bộ Ngoại giao. "Chúng cũng không bị xóa như vụ Hillary Clinton, người đã xóa 33.000 email. Con bé không làm điều gì để che giấu các email của mình", ông Trump nói thêm.

Tuy nhiên, các thành viên đảng Dân chủ trong quốc hội Mỹ cho hay họ không thấy khác biệt nào và Ivanka phải bị điều tra để làm rõ liệu có mối liên hệ nào giữa việc công với lợi ích cá nhân của cô hay không.

Theo báo Washington Post, Ivanka hồi năm ngoái gửi hàng trăm tin nhắn cho các quan chức chính phủ bằng tài khoản email cá nhân trong khi thu thập tài liệu liên quan tới một vụ kiện.

Bức tượng biểu tượng về "phụ nữ mua vui" ở Hàn Quốc. (Ảnh: Kyodo)

Hàn Quốc giải thể quỹ "hỗ trợ cho nạn nhân là phụ nữ mua vui" do Nhật Bản tài trợ: Chính phủ Hàn Quốc ngày 21/11 đã thông báo giải thể “Quỹ hỗ trợ cho nạn nhân là phụ nữ mua vui” được thành lập năm 2016 trên cơ sở thỏa thuận đạt được giữa hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc cho biết quyết định này được đưa ra sau khi tiếp nhận rất nhiều ý kiến không đồng thuận xung quanh việc thành lập và sử dụng nguồn Quỹ, cũng như một số ý kiến cho rằng nguyên tắc hoạt động của Quỹ không dựa trên ý kiến và nguyện vọng của những nạn nhân là “phụ nữ mua vui".

Về số tiền 10 triệu yen mà Chính phủ Nhật Bản đã chuyển vào Quỹ này theo thỏa thuận trước đây, phía Hàn Quốc cho biết sẽ tham khảo ý kiến của các cơ quan quan liên quan và những nạn nhân từng là “phụ nữ mua vui” để đưa ra ra các bước xử lý phù hợp.

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng sẽ tiến hành trao đổi ngoại giao với Chính phủ Nhật Bản về vấn đề này.

Thủ tướng Scott Morrison phát biểu trong cuộc họp báo tại Canberra, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Australia rút khỏi hiệp ước toàn cầu về di cư: Ngày 21/11, Chính phủ Australia thông báo nước này sẽ bác bỏ Hiệp ước toàn cầu về di cư của Liên hợp quốc (LHQ), trước khi hiệp ước được đưa ra thông qua vào tháng 12 tới. Trước đó, Mỹ, Hungary, Áo, Cộng hòa Séc, Ba Lan và Israel đã công bố quyết định tương tự.

Trong một tuyên bố chung với các bộ trưởng nội vụ và ngoại giao Australia, Thủ tướng nước này Scott Morrison cho rằng việc thông qua hiệp ước trên "có nguy cơ khuyến khích hoạt động nhập cư trái phép vào Australia và đẩy lùi những thành tích khó khăn lắm mới đạt được trong cuộc chiến chống nạn buôn người".

Trong khi đó, các bộ trưởng nội vụ và ngoại giao Australia cho rằng hiệp ước này "không phù hợp với các chính sách cũng như không phục vụ lợi ích của Australia".

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói