Vũ khí TOS-2 của Nga. Ảnh: Creative Commons
Mỹ là nước mạnh tiếng ủng hộ Ukraine nhất trong các đồng minh. Washington gần đây thông qua gói viện trợ quân sự và nhân đạo trị giá gần 40 tỉ USD cho Ukraine. Nhưng hôm 30/5, chính quyền Mỹ cho biết họ sẽ không gửi các tên lửa của Ukraine có thể bắn tới biên giới Nga hoặc vượt qua biên giới và đánh trúng tên lửa đối phương.
Nga đã cảnh báo rằng việc gửi thứ vũ khí như vậy sẽ vượt qua ranh giới đỏ.
Cuộc chiến đã tàn phá các thành phố do quân đội Ukraine bảo vệ ở rìa khu vực Donbas đang tranh chấp. Người Ukraine không có vũ khí nào khác có thể bắn tới phía Nga.
Nhưng việc Mỹ không gửi tên lửa tầm xa cho Kiev liệu có phải là một cử chỉ hòa bình nào đó đối với Tổng thống Putin không?
Theo trang Asia Times, Mỹ đang phải đối mặt với những cơn gió ngược do vấn đề kinh tế. Giá nhiên liệu tăng một phần do chiến tranh đang góp phần đẩy lạm phát và việc hạn chế sản xuất dầu và khí đốt tự nhiên do chính sách chống biến đổi khí hậu của chính phủ. Thêm vào đó, tình trạng thiếu phân bón - vốn được sản xuất nhiều ở Nga và Ukraine - đang đe dọa ngành trồng lúa mì và ngô.
Tuần trước, Thủ tướng Italy, Mario Draghi đã gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin đề nghị châu Âu có thể giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moskva nếu ông Putin cho phép lúa mì đi qua các cảng bị phong toả của Ukraine.
Hai ngày sau, Thủ tướng Anh Boris Johnson hối thúc các đồng minh cung cấp cho Ukraine nhiều thiết bị quân sự hơn, bao gồm cả vũ khí tiên tiến tầm xa.
Sau đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng gọi điện cho ông Putin yêu cầu quân đội Nga dừng chiến tranh, rời khỏi Ukraine, cho phép lúa mì Ukraine được xuất khẩu và mở cuộc đàm phán hòa bình với Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky. Hai ông Macron và Scholz không đề cập đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Các nhà lãnh đạo ở châu Âu và Mỹ thường ca ngợi sự đoàn kết của phương Tây khi đối mặt với Nga, đồng thời hỗ trợ Ukraine về cung cấp vũ khí và ngoại giao. Nhưng sự chia rẽ đã xuất hiện ngay từ trước hàng loạt tuyên bố khó hiểu gần đây.
Tên lửa dẫn đường phóng loạt (GMLRS) được phóng từ xe bánh lốp ở California, Mỹ vào tháng 12/2020. Ảnh: Getty
Liệu đây có phải là cuộc chiến không ai có thể thắng? Cuộc xung đột tại Ukraine không chỉ tàn khốc, với hàng nghìn quân nhân thiệt mạng cũng như nhiều thường dân bị giết hại, nó còn đang tác động tiêu cực đến các nền kinh tế trên toàn thế giới. Chiến tranh có thể gây ra nạn đói ở các nước nghèo và suy thoái ở các nước giàu.
Câu hỏi đặt ra đối với phương Tây là liệu có nên tiếp tục hỗ trợ Ukraine bất kể chuyện gì xảy ra, hay tìm cách để các bên cắt giảm tổn thất và ngừng giao tranh.
Ở một khía cạnh thì vấn đề lúa mì đang là trung tâm của một loạt mối quan tâm. Ngoài những thông điệp khác nhau vào cuối tuần trước từ Rome, Paris, Bonn và London, nhiều sự chia rẽ cũng xuất hiện ở những nơi khác.
Lo sợ kinh tế bị ảnh hưởng, một số công ty châu Âu đã tìm ra những cách khôn ngoan để mua khí đốt tự nhiên bằng đồng rúp, theo yêu cầu của Nga. Số này bao gồm các công ty ở Đức, Slovenia, Séc, Slovakia, Áo, Hungary và Pháp.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn phủ quyết việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Còn nhà lãnh đạo của Hungary Viktor Orban thì hoàn toàn không tán thành các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Tất nhiên, Tổng thống Ukraine, Zelensky đã cảm nhận được sự lung lay từ các đồng minh. Ông không quan tâm đến những tình huống khó xử của Liên minh châu Âu và muốn EU chú tâm vào việc đánh bại Nga. “Hãy gửi thêm vũ khí”, ông nói,: “Chúng ta phải cùng nhau dỡ phong toả các cảng, như một câu trả lời cho vấn đề lúa mì”.
Tàu chở 2.000 tấn ngô từ Ukraine đã đến Vienna (Áo) ngày 6/5. Ảnh: AP
Thật khó để đánh giá mức độ hài lòng của Tổng thống Putin trước những dấu hiệu của tình trạng khó khăn và mất đoàn kết ở châu Âu. Nga cũng có những vấn đề riêng. Theo ngân hàng đầu tư Mỹ Morgan Stanley, lạm phát của Nga ở mức khoảng 18% và chi tiêu của người tiêu dùng dự kiến sẽ giảm 13% trong năm nay và 22% vào năm 2023. Tình hình thực tế có thể còn tồi tệ hơn những con số, vì các công ty Nga hiện không bắt buộc phải báo cáo thu nhập, khiến các nhà đầu tư cũng không nắm được thông tin.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin dường như không bối rối. Sau cuộc nói chuyện của ông với Macron và Scholz, Điện Kremlin đã đưa ra một tuyên bố cho rằng chuyển giao vũ khí cho Ukraine là nguyên nhân “làm tình hình thêm bất ổn”.
Điều hiển nhiên là, dù cuộc chiến gây ra nhiều thiệt hại như thế nào đối với các nền kinh tế Nga và phương Tây, những con số đó vẫn không thấm vào đâu so với thiệt hại mà Ukraine hứng chịu.
Theo Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế của đất nước sẽ suy giảm 45%. Thiệt hại đối với các cấu trúc, công trình công cộng và cơ sở hạ tầng khác có thể lên tới 600 tỷ USD, theo Trường Kinh tế Kyiv.
Phân tích của Market Watch cho rằng, ngay cả khi Ukraine thực sự thành công trong việc đẩy Nga ra khỏi lãnh thổ của mình, nền kinh tế thế giới có thể còn chịu thiệt hại trong vòng một năm sau đó.
Đã có lo ngại về tình trạng thiếu lương thực ở các nước nhập khẩu lúa mì từ Ukraine. Châu Âu phải đối mặt với sự suy giảm kinh tế khi nguồn cung năng lượng trở nên khó lường.
Nói tóm lại, khi chiến tranh kéo dài, triển vọng kinh tế toàn cầu là ảm đạm. Market Watch, một ấn phẩm của Dow Jones & Company, cho biết: “Trong mọi trường hợp, thiệt hại kinh tế sẽ rất nặng nề không chỉ đối với Ukraine mà cả phần còn lại của thế giới”.
“Thay vì chờ đợi kết quả của cuộc chiến, các nhà hoạch định chính sách phải khẩn trương tìm ra các giải pháp cho cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, khả năng gia tăng khủng hoảng nợ ở các nước đang phát triển và mối đe dọa suy thoái ở phương Tây", Market Watch nhấn mạnh.