Thời tiết "đỏng đảnh", sốt vi-rút "uy hiếp" trẻ em Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Thời tiết "đỏng đảnh" thời gian qua khiến nhiều trẻ nhỏ ở Hà Tĩnh mắc phải bệnh sốt vi-rút. Dù đây là căn bệnh có thể tự khỏi, nhưng nếu chủ quan, không phát hiện kịp thời, bệnh sẽ nặng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

Thời tiết “đỏng đảnh”, sốt vi-rút “uy hiếp” trẻ em Hà Tĩnh

Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh kiểm tra sức khỏe bệnh nhi

Nhiều ngày nay, chị Nguyễn Thị Như Ngọc (trú tại khối phố 2, phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) tất bật khi bé Lê Nguyễn Diệu Hà (6 tuổi) sốt cao, phải điều trị tại khoa 3 chuyên khoa (Tai – Mũi – Họng, Răng – Hàm - Mặt, Mắt) của BVĐK TP Hà Tĩnh.

Do thời tiết thất thường, bé sốt cao có khi lên 39 - 40 độ C, co giật, kèm theo ho, chảy nhiều nước mũi. Sau mấy ngày ở nhà theo dõi, thấy vẫn không hạ sốt nên gia đình mới cho cháu nhập viện. Qua thăm khám, làm các xét nghiệm cơ bản, các bác sỹ BVĐK TP Hà Tĩnh chẩn đoán bị sốt vi-rút và nhiễm trùng hô hấp trên.

Trường hợp như cháu Lê Nguyễn Diệu Hà không phải là hiếm trong thời điểm này. Chị Phan Thị Linh (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) cho hay, cứ vào mùa đông, trời trở rét, lo nhất là con ốm. Như đợt rét vừa rồi, dù đã giữa ấm và phòng bệnh cho con, ấy thế mà con gái chị là cháu Trần Trà My (4 tuổi) vẫn bị sốt vi-rút, hiện nay điều trị tại Khoa Nhi – BVĐK tỉnh Hà Tĩnh.

Thời tiết “đỏng đảnh”, sốt vi-rút “uy hiếp” trẻ em Hà Tĩnh

Kiểm tra sức khỏe cho bé Trần Trà My tại Khoa Nhi - BVĐK tỉnh Hà Tĩnh

Chị Phan Thị Linh cho biết, ban đầu cháu chỉ xuất hiện các triệu chứng ho, sốt cao, xuất hiện co giật nên cho dùng hạ sốt 2 ngày. Thấy không đõ, gia đình mới đưa cháu đến bệnh viện khám, không ngờ vào đây mới biết cháu đã sốt vi-rút mức độ nặng và xuất hiện các biến chứng như: tiêu chảy, viêm phổi và đang theo dõi nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng khác.

Bác sĩ Lê Hữu Anh - Trưởng khoa Nhi (BVĐK tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: Thời điểm đông - xuân này, trẻ bị ốm do sốt vi-rút, viêm mũi họng, viêm đường hô hấp trên tăng rất cao; mỗi ngày, Khoa Nhi đón tiếp từ 80 - 120 bệnh nhân đến khám thì có đến 1/2 số bệnh nhân bị sốt vi-rút, trong số này có 50% đã biến chứng sang: viêm phổi, tiêu chảy, suy dinh dưỡng, các bệnh lý về đường hô hấp và tiêu hóa.

Thời tiết “đỏng đảnh”, sốt vi-rút “uy hiếp” trẻ em Hà Tĩnh

Nhiều bé sơ sinh cũng bị sốt vi-rút

Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ cho rằng sốt vi-rút là khi biểu hiện sốt rất cao, song vẫn có những trường hợp trẻ sốt vi-rút chỉ có biểu hiện sốt nhẹ. Do đó, bố mẹ không nên chủ quan mà phải theo dõi trẻ sát sao để không xảy ra biến chứng.

"Dù đây là căn bệnh có thể tự khỏi, nhưng nếu chủ quan không phát hiện kịp thời, bệnh sẽ nặng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm thanh quản, ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, viêm cơ tim, gây loạn nhịp tim, ngừng tim", bác sỹ Lê Hữu Anh cho biết thêm.

Những biểu hiện chính khi trẻ bị sốt virus là sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, đi kèm một số dấu hiệu khác như: đau cơ bắp, đau đầu, mắt nhìn mờ, nôn... Ngoài những dấu hiệu trên, một số triệu chứng thường gặp khác khi trẻ bị sốt virus là ho, chảy nước mũi, hắt hơi, đi ngoài…

Một số trẻ nhỏ bị sốt virus còn lên cơn co giật liên hồi kèm tình trạng khó thở. Đặc biệt, khi trẻ bị sốt 3 ngày, dù đã dùng thuốc nhưng không khỏi thì phải đưa trẻ đến bệnh viện khám ngay lập tức.

Sốt vi-rút là bệnh dễ lây, nhất là trong gia đình và trường học, nơi công cộng. Do đó, người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với người khác, nhất là trẻ em. Khi trẻ bị sốt vi-rút cần cho trẻ nghỉ học đến khi khỏi hẳn để tránh lây cho trẻ khác, cách ly với trẻ khác và giữ ấm cho trẻ.

Những người xung quanh nên phòng bệnh bằng vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, ăn nhiều hoa quả giàu vitamin C để nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Tiêm phòng là biện pháp phòng bệnh tốt nhất hiện nay, không chỉ phòng cho bản thân trẻ tiêm mà còn tạo miễn dịch cho cả cộng đồng.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.