Thống nhất chuyển COVID-19 từ bệnh truyễn nhiễm nhóm A sang nhóm B

Chiều ngày 3/6/2023, tại Phiên họp thứ 20 Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã thông tin thống nhất chuyển bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Thống nhất chuyển COVID-19 từ bệnh truyễn nhiễm nhóm A sang nhóm B

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Ảnh: TTXVN phát

Chiều ngày 3/6/2023, tại Phiên họp thứ 20 Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia) đã thông tin thống nhất chuyển bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B; đồng thời, ban hành hướng dẫn việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với dịch bệnh nhóm B và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới để xây dựng Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch COVID-19 giai đoạn 2023-2025 phù hợp với tình hình mới.

Theo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế xin đưa ra các căn cứ dựa trên cơ sở căn cứ tham mưu ban hành Quyết định chuyển bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B và đồng thời ban hành hướng dẫn thực hiện.

Đồng thời, đối chiếu các quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và qua theo dõi diễn biến dịch tại Việt Nam cho thấy, bệnh COVID-19 không còn đáp ứng các tiêu chí dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A, Bộ Y tế đề xuất áp dụng quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm để điều chỉnh bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B.

Về lý do chuyển, Bộ Y tế cho rằng, theo Tổ chức Y tế thế giới, SARS-CoV-2 (virus gây ra bệnh COVID-19) vẫn là virus có tốc độ lây truyền nhanh; tuy nhiên, tại Việt Nam, số ca mắc hiện nay đã giảm 8,5 lần so với 2021, giảm 48 lần so với 2022 (từ đầu năm 2023 đến ngày 29/5/2023, ghi nhận 85.493 ca mắc, trung bình hàng tháng ghi nhận 17.000 ca mắc).

Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong do COVID-19 trong 5 tháng đầu năm 2023 giảm mạnh xuống còn 0,02% so với tỷ lệ tử vong năm 2021 là 1,86%, năm 2022 là 0,1%, tương đương hoặc thấp hơn tỷ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B đang được ghi nhận tại Việt Nam trong 05 năm gần đây như: Sốt xuất huyết (0,022%), Sốt rét (0,017%), Bạch hầu (0,102%), Ho gà (0,417%)...

Theo đó, hiện chúng ta đã xác định rõ tác nhân gây bệnh COVID-19 là virus SARS-CoV-2. Bệnh COVID-19 hiện nay đáp ứng các tiêu chí thuộc bệnh truyễn nhiễm nhóm B theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm: Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Việc phân loại COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A tại thời điểm năm 2020 được căn cứ các tiêu chí quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, cụ thể: Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Để có thể triển khai đồng bộ, thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch sau khi bệnh COVID-19 chuyển từ nhóm A sang nhóm B, Bộ Y tế đang chỉ đạo các đơn vị rà soát các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp phù hợp với tình hình dịch bệnh thời gian tới.

Về thẩm quyền công bố dịch, thời điểm COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A: Thực hiện Điểm c Khoản 2 Điều 38 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm: “Thủ tướng Chính phủ công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế”. Căn cứ vào điểm này và tình hình dịch COVID-19, năm 2020 Bộ Y tế đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ công bố dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc tại Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 01/4/2020.

Khi chuyển bệnh COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B: Thực hiện theo Điểm a, b, Khoản 2, Điều 38 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công bố dịch theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế; Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh khi có từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công bố dịch.

Như vậy, dịch COVID-19 khi chuyển sang nhóm B không còn thuộc đối tượng công bố dịch của Thủ tướng Chính phủ; do đó Quyết định 447/QĐ-TTg ngày 01/4/2020 không còn phù hợp. Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Quyết định công bố hết hiệu lực của Quyết định 447/QĐ-TTg.

Sau khi Quyết định công bố hết hiệu lực của Quyết định 447/QĐ-TTg được ban hành, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện việc đánh giá tình hình dịch tại địa phương và thực hiện các biện pháp đáp ứng chống dịch theo quy định.

Về điều kiện công bố hết dịch COVID-19; thực hiện theo Khoản 1, Điều 40, Mục 1, Chương IV của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Khoản 1, Điều 5 của Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Điều 1 của Quyết định số 07/2020/QĐ-TTg ngày 26/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ, cần có 2 điều kiện: Không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau 28 ngày; đã thực hiện các biện pháp chống dịch quy định tại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Về thẩm quyền công bố hết dịch COVID-19, thực hiện theo Khoản 2, Điều 40, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm: “Người có thẩm quyền công bố dịch có quyền công bố hết dịch theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền”.

Khi COVID-19 đang ở bệnh truyền nhiễm nhóm A, theo điểm c, Khoản 3, Điều 5 của Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ: “Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối với trường hợp dịch mà Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch”.

Khi chuyển bệnh COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B: Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế của dịch COVID-19 để thực hiện việc công bố hết dịch theo quy định pháp luật hiện hành.

Do vậy, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện việc rà soát tình hình dịch bệnh, công bố dịch, công bố hết dịch theo quy định của pháp luật; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ngành; rà soát các văn bản, hướng dẫn về phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương để bãi bỏ, sửa đổi theo thẩm quyền.

Trong hơn 3 năm qua, để phòng, chống dịch COVID-19, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ ngành, địa phương đã ban hành các văn bản để chỉ đạo hoạt động phòng, chống dịch, trong đó, có quy định nhiều biện pháp đặc thù chưa có tiền lệ nên khi chuyển nhóm bệnh COVID-19 sẽ kéo theo việc phải điều chỉnh đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch hiện đang được áp dụng cũng như các quy định liên quan đến chế độ, chính sách đối với người tham gia phòng, chống dịch, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19...

Ngày 3/5/2023, WHO công bố Chiến lược Chuẩn bị và Ứng phó với COVID-19 giai đoạn 2023-2025, ngay thời điểm đó, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch COVID-19 giai đoạn 2023-2025 và đang tổng hợp ý kiến, sớm ban hành Kế hoạch để tiếp tục duy trì, kiểm soát hiệu quả, quản lý bền vững dịch COVID-19 trong thời gian tới.

Theo Tin tức

Đọc thêm

Tiếp tục chuyển trọng tâm sang dân số và phát triển

Tiếp tục chuyển trọng tâm sang dân số và phát triển

Năm 2025, ngành dân số Hà Tĩnh quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, đẩy mạnh các đề án, mô hình nâng cao chất lượng dân số… góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Một số trang thông tin nước ngoài đưa tin về đợt bùng phát dịch bệnh xảy ra tại Trung Quốc với nhiều ca mắc bệnh do virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) và lo ngại về một cuộc khủng hoảng y tế khác sau COVID-19.
Động lực thúc đẩy công tác dân số ở Hà Tĩnh

Động lực thúc đẩy công tác dân số ở Hà Tĩnh

Với nhiều chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, Nghị quyết 221/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh thực sự là động lực thúc đẩy công tác dân số trên địa bàn Hà Tĩnh phát huy hiệu quả.
Tôn vinh di sản "Y thánh của Việt Nam”

Tôn vinh di sản "Y thánh của Việt Nam”

Thông qua triển lãm "Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác" tại Hà Tĩnh, người dân sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp và những giá trị di sản của Hải Thượng Lãn Ông, từ đó tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị mà Đại danh y để lại.
 Vinamilk - 30 năm đồng hành hỗ trợ bệnh nhân nghèo

Vinamilk - 30 năm đồng hành hỗ trợ bệnh nhân nghèo

Hơn 1.300 trường hợp bệnh nhân nghèo đã được hỗ trợ phẫu thuật tim và mắt từ chương trình của Vinamilk đồng hành cùng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP. Hồ Chí Minh với tổng kinh phí hơn 8,2 tỷ đồng.