Vườn cam bù của ông Tống Trần Sử ở thôn 8, xã Sơn Trường trên đồi cao có hơn 300 gốc. Những ngày này, ông Sử lái máy kéo lên chăm sóc vườn cây đặc sản của mình.
Những cây cam trĩu quả sà xuống đất buộc ông phải chống đỡ bằng những cây tre. Ông Sử chia sẻ: Năm nay, sản lượng cam không cao so với năm trước, vườn cam của ông ước đạt 12 tấn.
Thời điểm này, cam bù bắt đầu chín, trung bình mỗi cây có khoảng 50 - 100 quả đã cho màu đẹp, ngọt nên ông Sử thu tỉa trước. "Hơn tuần nay, tôi bán được gần 1 tấn cam. Cam đầu mùa mỗi kg có giá từ 30.000 - 35.000 đồng tùy loại, thu về hơn 30 triệu đồng" - ông Sử nói thêm.
Xã Sơn Trường được xem là “thủ phủ” trồng can bù với tổng diện tích 413 ha, trong đó 321 ha cho quả, năng suất bình quân vụ cam này ước đạt 13 tấn/ha, giá trị ước tính hơn 125 tỷ đồng. Theo người trồng cam nơi đây, nhìn chung, sản lượng cam bù năm nay thấp hơn năm trước nhưng bù lại cam đẹp và có vị thanh ngọt đậm đà hơn nhiều. Dịp này, người trồng cam đã bắt đầu “hái tiền” từ cây ăn quả đặc sản này. Các thương lái từ Nghệ An hiện đã đến mua và đặt hàng vào dịp tết Nguyên đán 2021.
Xếp sau xã Sơn Trường là xã Kim Hoa với diện tích gần 250 ha/300 hộ trồng cam bù. Tập trung chủ yếu tại thôn Kim Lĩnh và thôn Tân Hoa.
Theo chân ông Nguyễn Tiến Lộc ở thôn Kim Lĩnh, xã Kim Hoa lên đồi thăm vườn cam bù với 500 gốc. Nhờ chăm sóc tốt, vườn cam của ông có những gốc cho hơn 1 tạ quả. “Thời điểm này, cam bù không phải chăm sóc nhiều, chỉ phát cỏ, tỉa cành và thu bói. Cam bù năm nay sẽ chín rộ đúng vào dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Dịp tết, nhu cầu tăng thì giá cam cũng tăng theo. Vườn cam của tôi ước đạt sản lượng khoảng 25 - 30 tấn, dự kiến thu về trên dưới 1 tỷ đồng” – ông Lộc cho hay.
Ông Nguyễn Xuân Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hoa cho biết: Cam bù là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân nơi đây. Vào mùa thu hoạch, các hộ trồng cam thu nhập từ 400 triệu đến 1 tỷ đồng. Điều đáng nói, hầu hết người dân bây giờ trồng cam theo hướng VietGap nên giảm được chi phí, lợi nhuận cao hơn. Đặc biệt, chất lượng cam ngày càng được nâng lên, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Toàn huyện Hương Sơn hiện có hơn 1.000 ha diện tích trồng cam bù, trong đó có 617 ha cho sản phẩm. Cam bù Hương Sơn tập trung tại các xã Sơn Trường, Kim Hoa, Sơn Hàm, Sơn Lâm, Quang Diệm và rải rác tại các xã: Sơn Tây, Sơn Trung, Sơn Kim 1...
Mùa thu hoạch cam bù Hương Sơn bắt đầu từ đầu tháng 12 âm lịch và kéo dài đến qua tết Nguyên đán. Năm nay, năng suất ước đạt 152 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 9.300 tấn, giá trị sản xuất gần 300 tỷ đồng.
Cam bù Hương Sơn quả to, có màu sắc đẹp và tươi lâu nên được nhiều gia đình mua về bày biện trang trọng trên bàn thờ gia tiên vào dịp lễ, tết.
Cam bù là loại cây ăn trái chủ lực của địa phương, là sản phẩm đặc sản đạt được thương hiệu, không chỉ cung cấp trên địa bàn mà còn được các tỉnh, thành khác trong cả nước ưa chuộng, góp phần phát triển kinh tế cho người dân.
Cam bù Hương Sơn còn được biết đến là vị thuốc đặc trị bệnh cảm cúm khi đem chấm với mắm ruốc. Huyện đang từng bước bảo tồn và nhân rộng, đồng thời khuyến khích các hộ trồng cam xây dưng thành sản phẩm OCOP nhằm đa dạng hóa sản phẩm chủ lực, góp phần nâng cao giá trị kinh tế.