Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide (trái) và Tổng thống Joe Biden. (Nguồn: AP)
Tối 15/4, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã rời Tokyo để công du Mỹ và dự kiến sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Joe Biden.
Đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo và là lần đầu tiên Tổng thống Biden tiếp một nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ khi nhậm chức.
Cuộc gặp được kỳ vọng sẽ đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ Nhật-Mỹ sau thời gian lạnh nhạt dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.
Trong nhiệm kỳ 4 năm vừa qua của cựu Tổng thống Trump, quan hệ Nhật-Mỹ đã bớt phần nồng ấm, mặc dù ông chủ Nhà Trắng có tới hai chuyến công du liên tiếp tới Nhật Bản.
Cuối tháng 5/2019, ông Trump và phu nhân đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản với tư cách quốc khách đầu tiên của nước này sau khi Nhật hoàng Naruhito chính thức lên ngôi.
Một tháng sau đó, nhà lãnh đạo Mỹ đã quay lại Nhật Bản để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Osaka.
Tuy nhiên, trong chuyến thăm đầu tiên, hai bên đã không ra tuyên bố chung do mâu thuẫn trong vấn đề thương mại và quan điểm khác biệt về các vụ thử tên lửa của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Trong khi đó, ngay trước chuyến thăm thứ hai, Tổng thống Trump khi đó đã thẳng thừng chỉ trích hiệp ước an ninh song phương Mỹ-Nhật là thiếu công bằng và muốn sửa đổi thỏa thuận này.
Các chuyến thăm của ông Trump cho thấy ba khúc mắc lớn trong quan hệ Nhật-Mỹ khi đó là thâm hụt thương mại, cách thức đối phó với Triều Tiên và chi phí đồn trú của các lực lượng Mỹ ở Nhật Bản.
Vấn đề thâm hụt thương mại đã được giải quyết cuối 2019 sau khi Tokyo đưa ra nhiều nhượng bộ để tránh việc Washington tăng thuế đối với mặt hàng ôtô nhập khẩu từ Nhật Bản.
Tuy nhiên, hai vướng mắc còn lại vẫn tồn tại cho đến cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Điều này đã gây sứt mẻ quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ cho dù cả Thủ tướng Suga Yoshihide và người tiền nhiệm Abe Shinzo đều coi quan hệ đồng minh với Mỹ là nền tảng của chính sách đối ngoại và an ninh của Nhật Bản.
Có thể nói, sau khi Tổng thống Biden lên nắm quyền hồi tháng 1 vừa qua, các “điểm nghẽn” đó đã được giải quyết một cách chóng vánh.
Ngay tháng 2/2021, Nhật Bản và Mỹ đã đạt được thỏa thuận kéo dài một năm về việc chia sẻ chi phí đồn trú của các lực lượng Mỹ ở Nhật Bản.
Căn cứ không quân Futenma của Lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ tại Ginowan, tỉnh Okinawa, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong khi đó, sự khác biệt về quan điểm giữa hai nước trong vấn đề Triều Tiên đã hầu như không còn sau khi Mỹ đã lên tiếng phản đối các vụ thử tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng, đồng thời ủng hộ các nỗ lực của Tokyo nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản trong thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước.
Hơn thế nữa, hàng loạt quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Biden đã trấn an Nhật khi tái khẳng định Điều 5 của Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ có hiệu lực đối với quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông mà Nhật Bản đang kiểm soát và gọi là Senkaku, trong khi Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.
Điều này có nghĩa Mỹ sẽ bảo vệ các vùng lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản, gồm cả quần đảo trên, trong trường hợp xảy ra các vụ tấn công vũ trang.
Đây là một cam kết rất có ý nghĩa đối với Nhật Bản, nhất là khi các tàu hải cảnh Trung Quốc liên tục xâm nhập vùng biển gần quần đảo này trong thời gian gần đây.
Như vậy, có thể thấy, so với chính quyền trước đó, chính quyền của Tổng thống Biden đã có nhiều nỗ lực để tháo gỡ các khúc mắc trong quan hệ với Nhật Bản.
Thông qua đó, Mỹ muốn phát đi một thông điệp rằng chính quyền Tổng thống Biden muốn củng cố lại quan hệ với các đồng minh và các đối tác, vốn không “xuôi chèo mát mái” dưới thời chính quyền tiền nhiệm.
Không chỉ dừng ở đó, chính quyền mới tại Mỹ còn đặt Nhật Bản ở vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại và an ninh ở châu Á. Điều này không chỉ thể hiện qua việc đón tiếp Thủ tướng Suga - là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp Tổng thống Biden, mà còn ở việc Mỹ dường như có sự đồng thuận với các quan điểm chiến lược của Nhật Bản.
Một trong những dấu hiệu cho thấy điều đó là cũng giống như chính quyền tiền nhiệm, chính quyền của Tổng thống Biden tiếp tục thực thi chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở mà cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe khởi xướng.
Bên cạnh đó, chỉ chưa đầy hai tháng sau khi lên nắm quyền, Mỹ đã dàn xếp để tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm Bộ Tứ (QUAD) - cũng là một sáng kiến chiến lược khác của cựu Thủ tướng Abe.
Một dấu hiệu khác cho thấy vai trò trung tâm của Nhật Bản trong chính sách đối ngoại và an ninh của Mỹ là việc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đều lựa chọn Nhật Bản làm điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức.
Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp 2+2 ở Tokyo hồi giữa tháng trước, giới chức hai nước tái khẳng định rằng quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ đóng góp lớn trong việc duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của Thủ tướng Suga tới Mỹ được các chuyên gia nhìn nhận có thể sẽ là một dấu mốc cho thấy quan hệ đồng minh giữa hai nước chính thức bước vào “thời kỳ trăng mật” mới.
Phát biểu với các phóng viên trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng Suga, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato nói: “Cuộc gặp này (giữa nguyên thủ hai nước) rất có ý nghĩa bởi vì nó chứng tỏ với thế giới sự đoàn kết của liên minh Nhật-Mỹ và cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Ông bày tỏ: “Chúng tôi cũng hy vọng cuộc gặp này sẽ là cơ hội quý báu để hai lãnh đạo làm sâu sắc hơn quan hệ tin cậy cá nhân.”
Theo giới phân tích, trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên này, nhiều khả năng Thủ tướng Suga và Tổng thống Biden sẽ đạt được các thỏa thuận nhằm tăng cường liên kết kinh tế và an ninh giữa hai nước, đồng thời tăng cường hợp tác để đối phó với các thách thức an ninh đang nổi lên trong khu vực, trong đó có các vấn đề an ninh trên biển, hiện thực hóa sáng kiến xây dựng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, khống chế dịch COVID-19, chống biến đổi khí hậu, phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng chuỗi cung ứng không phụ thuộc vào bất cứ quốc gia nào./.