Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng: Sở Công thương cần vào cuộc mạnh mẽ, giám sát, đốc thúc, quan tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ tại Khu kinh tế Vũng Áng
Năm 2016, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng ngành Công thương vẫn đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. CN-TTCN đạt mức tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 15.052,42 tỷ đồng, tăng 15,37% so với cùng kỳ năm 2015.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất tăng 22,26%, trong đó: sản xuất bia đạt đạt 61 triệu lít, tăng 5,16%; sản xuất sợi ước đạt 5.200 tấn, tăng 25,9%; sản phẩm chế biến từ thủy sản giảm 21,37%; Công ty Formosa sản xuất 0,162 triệu tấn thép và sản xuất được một số sản phẩm mới như: than cốc, hắc ín, lưu huỳnh...
Ông Đặng Giang Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ: Thời gian qua, cùng với tỉnh, huyện đã rất quan tâm phát triển làng nghề, hạ tầng cụm công nghiệp, xúc tiến đầu tư vào cụm... Mong tỉnh, Sở tiếp tục quan tâm giúp địa phương phát triển CN-TTCN, TMDV, nhất là hạ tầng công nghiệp, thu hút đầu tư, quan tâm hạ tầng điện, xã đăng ký về đích NTM
Tổng sản lượng điện sản xuất năm 2016 ước đạt 3.641 triệu kWh, giảm 13,7% so với cùng kỳ; sản lượng điện thương phẩm đạt 845,77 triệu kWh, tăng 2,22% so với cùng kỳ.
Ngành công nghiệp khai khoáng có chỉ số sản xuất giảm 10,66%. Toàn tỉnh thành lập mới 3 cụm công nghiệp.
Thị trường giá cả ổn định, hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, không xẩy ra tình trạng găm hàng, đầu cơ, ép giá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 34.679 tỷ đồng, giảm 7,2% so với cùng kỳ; trong đó: bán lẻ hàng hóa giảm 4,8%; dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 20%; du lịch lữ hành giảm 4,5%; dịch vụ khác giảm 15,18%.
Ông Trần Giang Nhật Thảo - Phó giám đốc Siêu thị Co.opmart: Chúng tôi đã tăng cường hàng hóa, nhân sự đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết Nguyên đán, nhất là hàng thiết yếu. Dự kiến, hàng hóa dự trữ phục vụ tết của đơn vị trị giá khoảng 63 tỷ đồng.
Kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ, năm 2016 ước đạt 130 triệu USD, tăng 4,59% so với cùng kỳ, đạt 90,4% kế hoạch. Một số mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng khá so với cùng kỳ, như: chè tăng 3,39%, sợi và sản phẩm may mặc tăng 12,1%, xuất khẩu thép đạt 16,57 triệu USD... Xuất khẩu thủy sản giảm, ước đạt 2,2 triệu USD giảm 45,41%. Kim ngạch nhập khẩu năm 2016 ước đạt 1.200 triệu USD, giảm 48,81% so với cùng kỳ.
Trong năm, ngành đã kiểm tra, xử lý 5.098 vụ vi phạm QLTT; tổng số thu trong kỳ 7.229,428 triệu đồng.
Ông Trần Hữu Hạnh- Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Tĩnh: Năm qua, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý hàng ngàn vụ vi phạm, trong đó hàng trên 1.300 vụ vi phạm ATVSTP. Đề nghị tỉnh đốc thúc các ngành, địa phương phối hợp tốt hơn nữa để đấu tranh mạnh với nạn thực phẩm bẩn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng cho rằng, 2016 là một năm đầy khó khăn nhưng một số chỉ số vẫn phát triển khá, đó là một sự nỗ lực lớn của ngành. Một số công việc triển khai tốt như: chuyển đổi mô hình quản lý và XXH chợ, quy hoạch xăng dầu, khoáng sản, điện lực; cụm CN Thái Yên. Công tác QLTT đấu tranh với hành nhái, hàng giả, thực phẩm bẩn đã có những kết quả khá, song, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Năm 2017, Sở cần vào cuộc mạnh mẽ, giám sát, đốc thúc, quan tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ tại Khu kinh tế Vũng Áng, đặc biệt là doanh nghiệp cốt lõi, doanh nghiệp đầu kéo; quan tâm thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ tại Khu kinh tế; chú trọng phát triển và lấp đầy các cụm CN, trong đó ưu tiên công nghiệp vừa và nhỏ để phát triển CN-TTCN các địa phương; tawg cường hỗ trợ các hạng mục cụm CN, nhất là cụm trung tâm, phấn đấu mỗi huyện có mỗi sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Ngành cũng cần kiểm tra định kỳ, đột xuất, đấu tranh với hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo hàng hóa ổn định, chất lượng, ATVSTP cho người tiêu dùng, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.