Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

(Baohatinh.vn) - Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.

Ngày 27/11/2014, vào lúc 17h10’ (tức 23h10’ theo giờ Hà Nội), tại trụ sở của Tổ chức Văn hóa Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (số 7, Place de Fontenoy, Paris, Pháp), dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trước sự chứng kiến của hàng ngàn đại biểu đến từ 193 quốc gia thành viên trên khắp hành tinh.

Các đại biểu quốc tế đến từ 193 quốc gia thành viên tham dự kỳ họp UNESCO vào tháng 11/2014.

Tham gia đoàn đại biểu Việt Nam dự kỳ họp có Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên - Tổng Thư ký Ủy ban UNESCO quốc gia Việt Nam; ông Nguyễn Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh; bà Nguyễn Lệ Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cùng lãnh đạo Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh và Nghệ An. GS.TS Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng và các nhà khoa học của Viện Văn hóa, Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cùng dự với tư cách là đơn vị lập hồ sơ di sản. Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước ta tại Pháp đến hội nghị với tư cách khách mời danh dự.

Kỳ họp Đại hội đồng năm ấy có 36 hồ sơ di sản được các quốc gia trình lên, nhưng sau khi thẩm định chặt chẽ theo các tiêu chí khoa học, chỉ có 26 di sản được ghi danh, trong đó có dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Tác giả (ngồi giữa) cùng ông Nguyễn Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh (ngoài cùng bên trái) và ông Đoàn Đình Anh - Trưởng ban VH-XH (HĐND tỉnh) tham gia đoàn đại biểu Việt Nam dự kỳ họp vào tháng 11/2014.

Giây phút tiếng búa của ông Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, như còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào. Thời khắc ấy thiêng liêng vô cùng và mắt chúng tôi ứa lệ vì vui sướng khi những khúc hát của cha ông để lại đã thành một phần tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Chúng tôi và nhiều bạn bè quốc tế trong hội trường cùng đứng dậy phất cao Quốc kỳ và đồng thanh hô to 2 tiếng “Việt Nam!”. Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, thay mặt đoàn Việt Nam phát biểu cảm ơn. Những tiếng vỗ tay của đại biểu vang lên không ngớt...

Tôi vội nhắn tin vui về cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh để báo cáo. Ngay sau đó, hàng loạt các báo, đài trong nước và quốc tế đưa tin, vinh danh di sản văn hóa của quê hương xứ Nghệ.

Theo Văn kiện của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đáp ứng các tiêu chí đặt ra.

Trong niềm vui lớn, sáng hôm sau, đoàn đại biểu của Việt Nam có một hoạt động vô cùng ý nghĩa là đưa những khúc ca ví, giặm “diễu hành” qua các khu phố trung tâm của Thủ đô Paris hoa lệ với thanh âm làn điệu sâu lắng, thiết tha của NSND Tiến Dũng.

Theo Văn kiện của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đáp ứng các tiêu chí đặt ra. Một là, dân ca ví, giặm được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng cư dân Nghệ Tĩnh, chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc sống văn hóa và tinh thần, phản ánh bản sắc văn hóa cũng như thể hiện suy nghĩ và cảm xúc theo cách của họ.

Hai là, việc ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh có thể góp phần thúc đẩy nhận thức về di sản văn hóa phi vật thể thông qua sự quan tâm đối với dân ca, khuyến khích sự khoan dung và sự đồng cảm giữa các nhóm dân tộc và các cộng đồng cũng như đối thoại giữa các nghệ nhân của các phong cách âm nhạc khác nhau.

Ba là, các biện pháp bảo vệ gồm: nâng cao nhận thức, giáo dục và phát huy được đề xuất hỗ trợ tài chính của các cơ quan Nhà nước và địa phương, nhằm đảm bảo tính bền vững việc thực hành di sản, thể hiện cam kết và ý chí của chính quyền, cộng đồng trong việc bảo vệ di sản.

Bốn là, hồ sơ đề cử được xây dựng với sự tự nguyện tham gia của cộng đồng, chính quyền địa phương, các tổ chức chuyên ngành, các chuyên gia và cùng cam kết bảo vệ.

Năm là, di sản đã được Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam kiểm kê với sự tham gia và đóng góp của cộng đồng; được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Việt Nam quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2012.

Với những giá trị văn hóa, âm nhạc xuyên biên giới, tiếng búa vinh danh của UNESCO đã đưa ví, giặm Nghệ Tĩnh cùng các di sản của nước ta vươn tầm biển lớn. Trong ảnh: Tiết mục mở đầu của cầu truyền hình nghệ thuật “Đôi bờ ví, giặm” được tổ chức tại TP Hà Tĩnh vào đêm 27/11.

Ví, giặm là hai lối hát dân ca không nhạc đệm được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay. Những khúc hát được thực hành trong lao động và đời sống thường nhật: lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa… Vì vậy, các lối hát cũng được gọi tên theo hoạt động như: ví phường vải, ví đò đưa, ví phường nón, giặm ru, giặm kể, giặm khuyên, hò, vè... Dân ca ví, giặm chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh và là phương tiện nghệ thuật để biểu đạt tư tưởng, tình cảm, tăng cường giao lưu, gắn kết cộng đồng.

Với những giá trị văn hóa, âm nhạc xuyên biên giới, tiếng búa vinh danh của UNESCO đã đưa ví, giặm Nghệ Tĩnh cùng các di sản của nước ta vươn tầm biển lớn. Đến nay, Hà Tĩnh có 3/15 di sản của cả nước được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: ca trù (2009); dân ca ví, giặm (2014); thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ (2016).

10 năm qua, bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các cấp, ngành, địa phương ở Hà Tĩnh và Nghệ An, công tác bảo tồn, truyền dạy, phát huy giá trị di sản ví, giặm đã gặt hái được nhiều thành tựu. Hàng trăm câu lạc bộ dân ca ví, giặm được thành lập, nhiều cuộc thi dân ca ví, giặm, thi sáng tác dân ca Nghệ Tĩnh lời mới... đã được tổ chức.

Làn điệu ví, giặm ngày thêm thắm đượm thanh âm ngọt ngào trong mỗi ngày mới, lay động lòng người và dạt dào sức sống trên mảnh đất núi Hồng - sông La ngàn năm văn hiến.

Chủ đề 10 năm Dân ca ví, giặm được UNESCO ghi danh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói