Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 30/3, đoàn công tác của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn làm trưởng đoàn và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lào do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vandy Bouthasavong làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Trần Đình Gia cùng tham dự hội nghị. |
Toàn cảnh hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà đã thông tin một số nét khái quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đầu năm 2023.
Về kết quả hợp tác với Lào, trong thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh luôn quan tâm duy trì, củng cố mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với các địa phương của bạn.
Đoàn công tác của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam
Tỉnh thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao làm việc, chúc mừng, tham dự các sự kiện, ngày lễ trọng đại của 2 bên, tạo không khí đoàn kết, gắn bó như: tổ chức thành công các hội nghị cấp cao giữa Hà Tĩnh với các tỉnh: Bolikhămxay, Savannakhet, Khăm Muồn; ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh với ủy ban chính quyền các tỉnh Bolikhămxay, Khăm Muồn…
Đồng chí Vandy Bouthasavong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lào bày tỏ vui mừng trước những kết quả mà Hà Tĩnh đạt được trên các lĩnh vực và mối quan hệ hợp tác hữu nghị, đoàn kết giữa Hà Tĩnh với các tỉnh của Lào.
Trong năm 2022, tỉnh đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào.
Thời gian qua, tuyến biên giới Hà Tĩnh với hai tỉnh Bolikhămxay, Khăm Muồn luôn ổn định. Hà Tĩnh và chính quyền các tỉnh bạn Lào có chung đường biên giới đã triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung các hiệp định, nghị định, quy chế.
Đồng chí Viêng-xăn Chăn-tha, Chánh Văn phòng Ủy ban hợp tác Lào - Việt Nam: Việc mở rộng hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường biển qua bến cảng số 1, 2, 3 của Lào sẽ được quan tâm trong thời gian tới.
Hà Tĩnh là một trong những địa phương tiếp nhận đào tạo tiếng Việt và chuyên ngành, hệ đại học, cao đẳng, trung cấp và cao đẳng nghề cho cán bộ, học sinh, sinh viên các tỉnh của Lào với số lượng nhiều nhất cả nước.
Đại diện Tổng Công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh (Mitraco): Đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động tại bến cảng số 1, 2, 3 cảng Vũng Áng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã dành phần lớn thời gian để trao đổi tình hình triển khai thực hiện hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về hợp tác đầu tư phát triển bến cảng số 1, 2, 3 cảng Vũng Áng.
Hiện nay, hệ thống bến cảng ngày càng được quy hoạch hiện đại, quy mô, đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa của hai nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lê Anh Tuấn: Hà Tĩnh cần tiếp tục hỗ trợ để triển khai thực hiện tốt hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về hợp tác đầu tư phát triển bến cảng số 1, 2, 3 cảng Vũng Áng.
Đồng thời, tiến hành thảo luận giải pháp cụ thể để tiếp tục tập trung thực hiện tốt các nội dung về hợp tác đầu tư phát triển các bến cảng tại Vũng Áng đã được 2 nước Việt Nam và Lào ký kết. Từ đó, góp phần quan trọng vào sự phát triển về kinh tế - xã hội, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị bền vững giữa hai nước.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà nhấn mạnh: Để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt và hợp tác toàn diện lâu dài giữa Việt Nam - Lào nói chung, Hà Tĩnh và các tỉnh của Lào nói riêng, địa phương mong muốn tiếp tục tổ chức quán triệt và thực hiện có hiệu quả các nội dung biên bản Hội nghị thường niên giữa hai đoàn đại biểu biên giới hai nước Việt Nam - Lào đã ký kết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà phát biểu tại buổi làm việc
Xây dựng các chính sách ưu tiên về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho các huyện, xã biên giới, để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo việc làm ổn định cho Nhân dân. Đồng thời, quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng tại khu vực cửa khẩu phục vụ tốt hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh; khuyến khích, đẩy mạnh hoạt động giao lưu kinh tế, thương mại và du lịch giữa các tỉnh có chung đường biên giới trong khu vực.
Tạo điều kiện các doanh nghiệp hai bên hợp tác, nhất là trong vận chuyển hàng hóa; tăng cường phát triển thương mại; cải cách hành chính, giải quyết nhanh về người, phương tiện đi lại; ngăn chặn buôn lậu thương mại, đặc biệt là tại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
Hà Tĩnh đề nghị sớm đưa tuyến đường 8, đường 12 (Việt Nam) và đường 13 (Lào) vào Hiệp định Vận tải xuyên biên giới các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS-CBTA); đầu tư dự án mở rộng đoạn đường giao thông giữa hai cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - Nậm Phao (đoạn phía Lào) nhằm giải quyết tình trạng thường bị tắc nghẽn giao thông khu vực hai cửa khẩu;...
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tặng quà lưu niệm đoàn công tác.