Tình nguyện viên Nhật Bản hết lòng với bệnh nhân

(Baohatinh.vn) - Nguyên tắc nhưng hết mình vì bệnh nhân, đó là nhận xét ngắn gọn của các bác sỹ, kỹ thuật viên Khoa Phục hồi chức năng – Đông y (Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh) dành cho chuyên gia Akamatsu Sho – tình nguyện viên đến từ Nhật Bản.

tinh nguyen vien nhat ban het long voi benh nhan

Sho kiểm tra huyết áp cho bệnh nhân trước khi vào bài tập

Tôi đến thẳng buồng bệnh, nơi Sho đang tập Phục hồi chức năng (PHCN) cho bệnh nhân bị tai biến để lại di chứng nặng. Khác với sự tưởng tượng của tôi về tính cách nguyên tắc của Sho, trước mắt tôi là hình ảnh một Sho thân thiện và hài hước. Anh phát âm tiếng Việt không chuẩn lắm nhưng cũng đủ để giao tiếp với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và những người xung quanh.

Thời gian tập cho một bệnh nhân khá lâu. Có những động tác anh phải xốc vác bệnh nhân lên xoay vòng rồi tập các tư thế đứng, ngồi. Sho cứ mải miết theo từng động tác. Vừa tập luyện cho bệnh nhân, anh vừa nói chuyện hài hước, thi thoảng lại cười.

tinh nguyen vien nhat ban het long voi benh nhan

Sho vừa giúp tập luyện, vừa nhẹ nhàng nói chuyện, hướng dẫn cho bệnh nhân đỡ đau.

Chị Đinh Thị Thanh Hương (phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh), người nhà bệnh nhân đang được Sho tập luyện xúc động: “Sho luôn hết lòng vì bệnh nhân. Làm được gì tốt cho bệnh nhân Sho luôn cố hết sức. Ba tôi bị tai biến đến lần thứ 3, di chứng để lại rất nặng. Nhờ Sho tập luyện, giờ ông đã biến chuyển tốt hơn rất nhiều. Không riêng bố tôi, tôi thấy, Sho dành hết thời gian của mình để tập luyện cho các bệnh nhân nặng. Sho thân thiện và hết lòng vì mọi người”.

Có bệnh nhân biết Sho đến từ Nhật Bản, nhưng vẫn có không ít bệnh nhân cứ tưởng Sho là người Việt, vì Sho giao tiếp bằng tiếng Việt. Bệnh nhân được Sho tập luyện rất hài lòng, còn bệnh nhân không được Sho tập luyện cũng hết lời ngợi khen vì nhìn thấy sự tận tụy, kiên nhẫn của Sho dành các bệnh nhân khác.

tinh nguyen vien nhat ban het long voi benh nhan

Sho chia sẻ kinh nghiệm PHCN với đồng nghiệp ở BVĐK TP Hà tĩnh sau những giờ tập luyện

Bác sỹ Nguyễn Hữu Thương (Khoa PHCN – Đông y BVĐK TP Hà Tĩnh) cho biết: “Sho làm việc rất chuyên nghiệp và nhiều kỹ thuật áp dụng cho bệnh nhân rất mới và hiệu quả. Cậu ấy làm việc rất nghiêm túc, vì bệnh nhân phục vụ. Người nào còn non về PHCN, Sho lại hướng dẫn, chỉ bảo. Mỗi tuần, Sho dành một bài giảng về PHCN chung cho mọi người trong khoa”.

Tiếp chuyện với tôi sau giờ tập vận động cho bệnh nhân, Sho bày tỏ: “Sho đến BVĐK TP Hà Tĩnh được hơn 1 năm rồi. Sho là tình nguyện viên của chương trình JICA, đến bệnh viện với mục đích lớn nhất là tập vận động PHCN cho các bệnh nhân cũng như chuyển giao các kỹ thuật cho nhân viên y tế ở bệnh viện. Theo Sho, đối với PHCN thì cần nhất là vận động trị liệu, phải tập vận động. Hơn nữa, bệnh nhân ở đây gặp khó trong sinh hoạt rất nhiều, do đến tập PHCN muộn”.

Những gì Sho trăn trở cũng chính là mục tiêu về chuyến tình nguyện sang Việt Nam của Sho. Sho kể, có lần, khi đang làm việc ở Nhật Bản, anh đã gặp một bệnh nhân bị tai biến khi đi du lịch ở các nước Đông Nam Á về. Bệnh nhân về nước với di chứng rất nặng, trong vòng 1 tuần không tập luyện được gì. Bệnh nhân vô cùng buồn bã. Và Sho quyết định, mình phải tình nguyện sang bên ấy một chuyến, trước để giúp người dân khó khăn trong vận động PHCN, sau là để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật cho những cơ sở y tế chưa phát triển về lĩnh vực này.

Sho cũng chia sẻ, theo chương trình của tổ chức JICA, Sho tình nguyện làm chuyên gia PHCN tại BVĐK TP Hà Tĩnh với thời gian 2 năm. Khoảng thời gian còn lại, Sho sẽ nỗ lực hết sức, vừa tập vận động PHCN cho bệnh nhân, vừa giảng bài, chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm cho đội ngũ nhân viên y tế ở khoa PHCN - Đông y BVĐK TP Hà Tĩnh.

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.