TS Phạm Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ pháp chế - Thanh tra, Tổng cục DS-KKHGĐ đồng chủ trì hội thảo phát biểu ý kiến
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe giới thiệu một số nội dung chính của dự án Luật Dân số và dự thảo Luật Dân số. Theo đó, dự thảo Luật Dân số được xây dựng gồm 8 chương, 52 điều quy định về quy mô dân số và kế hoạch hóa gia đình; cơ cấu dân số, phân bố dân số, chất lượng dân số, điều kiện bảo đảm thực hiện công tác dân số và điều khoản thi hành.
Các nội dung của dự thảo Luật Dân số về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu Nghị quyết số 21 -NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới. Đó là duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số; chăm sóc sức khỏe sinh sản, chiều cao, tuổi thọ…
Trưởng ban VH-XH HĐND tỉnh Đoàn Đình Anh: Trong Luật Dân số nên giảm bớt khung, cần cụ thể, đi vào thực thi ngay, tránh tình trạng chờ đợi các thông tư, nghị định.
Việc xây dựng Luật Dân số nhằm tạo cơ sở pháp lý cao nhất để giải quyết toàn diện công tác dân số về cả quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số; chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số, phát triển.
Phó tổng biên tập Báo Hà Tĩnh Bùi Thị Minh Huệ: Công tác dân số muốn đạt hiệu quả cần tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, có chính sách ưu đãi cho những người làm công tác dân số ở cơ sở.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các chính sách trong dự án Luật Dân số để quy phạm hoá trong dự thảo luật như: Duy trì mức sinh thay thế và quy định về số con; khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh; phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng; tư vấn và khám sức khoẻ trước hôn nhân; tầm soát bệnh, tật bẩm sinh; có chính sách về xã hội hoá công tác dân số…
Các ý kiến đã được đoàn công tác của Tổng cục DS-KKHGĐ, Bộ Y tế ghi nhận, tiếp thu, tổng hợp để cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.