Trà lúa xuân đầu tiên ở Hà Tĩnh dự kiến trổ bông từ ngày 10/4

(Baohatinh.vn) - Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, trà lúa xuân 2023 đầu tiên của tỉnh sẽ bắt đầu trổ bông từ ngày 10/4, tập trung ở các huyện Đức Thọ, Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà…

Trà lúa xuân đầu tiên ở Hà Tĩnh dự kiến trổ bông từ ngày 10/4

Các trà lúa trên địa bàn tỉnh đã bước vào giai đoạn làm đòng.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thời điểm này, các trà lúa xuân trên địa bàn tỉnh đã bước vào giai đoạn làm đòng. Dự kiến, từ ngày 10/4 trở đi, khoảng 1.500 ha lúa ở các địa phương ở vùng hạ Hương Sơn; các xã ngoài đê huyện Đức Thọ; xã biển ngang huyện Thạch Hà; các xã Thạch Mỹ, Mai Phụ của huyện Lộc Hà; các xã vùng trà sơn thuộc huyện Can Lộc… sẽ bắt đầu trổ bông.

Khoảng từ ngày 15 - 25/4, 73% tổng diện tích gieo cấy (hơn 43.000 ha lúa của toàn tỉnh) sẽ trổ bông. Đây cũng là thời điểm trổ tập trung của lúa xuân năm nay, từ ngày 20/4 - 25/4. Số diện tích còn lại trổ sau ngày 25/4, phân bố rải rác ở các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Dự kiến, toàn bộ diện tích lúa xuân sẽ hoàn thành giai đoạn trổ bông trước ngày 5/5.

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thời điểm này, bệnh đạo ôn trên lá đã phát sinh gây hại ở các huyện Kỳ Anh, Đức Thọ, Vũ Quang, Can Lộc, TX Hồng Lĩnh; tỉ lệ bệnh trung bình 1 - 3%, nơi cao 5 - 7%, cục bộ 15 - 20%, tập trung chủ yếu trên giống Thái Xuyên 111, TBR225, Nếp 98…

Diện tích nhiễm toàn tỉnh là 11 ha, diện tích đã phun phòng trừ là 50 ha. Qua đánh giá, diện tích nhiễm bệnh hiện nay chưa lớn, mật độ gây hại chưa cao.

Trà lúa xuân đầu tiên ở Hà Tĩnh dự kiến trổ bông từ ngày 10/4

Người dân cần chủ động theo dõi đồng ruộng để thực hiện phun phòng trừ các loại dịch bệnh.

Tuy nhiên, thời tiết nhiều sương mù, ẩm ướt, cộng với mầm bệnh có sẵn trên đồng ruộng là điều kiện để chúng phát triển và lây lan vào thời kỳ lúa trổ bông. Ngoài ra, các loại dịch bệnh như: khô vằn, sâu cuốn lá, bệnh bạc lá vi khuẩn... cũng có thể phát sinh, gây hại trong thời gian tới.

Do vậy, địa phương thường xuyên kiểm tra tình hình sinh trưởng, xác định thời gian trổ của từng trà lúa, từng cánh đồng, từng vùng, từng giống để tổ chức phun phòng kịp thời; đồng thời, định hướng công tác phòng trừ theo đúng khuyến cáo của ngành chuyên môn.

Trong đó, đặc biệt lưu ý các diện tích đã nhiễm đạo ôn lá, các vùng thường xuyên bị đạo ôn cổ bông gây hại, diện tích gieo cấy giống nhiễm để có thể tiến hành xử lý kịp thời. Bà con nông dân cần chủ động theo dõi, phun phòng trừ nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng lúa xuân.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast