Trầm cảm và những nguy cơ

Trầm cảm là một bệnh tinh thần khá phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy không phải là một căn bệnh nan y hoặc truyền nhiễm nhưng chứng bệnh này có những tác hại nhất định đến sức khỏe thể chất, tinh thần, thậm chí là cả tính mạng người bệnh.

Vốn dĩ vui tươi, khỏe mạnh, vậy nhưng, qua một cú sốc chuyện của con trai, bà T (ở phường Bắc Hà, thành phố Hà Tĩnh) trở nên khác hẳn. Chuyện bắt đầu thế này, bà có một cậu con trai tên là H. Từ nhỏ đến lớn, H rất ngoan hiền, học giỏi. Tốt nghiệp đại học, H làm cán bộ công chức tại tỉnh nhà. Bà T luôn tự hào và kỳ vọng ở con rất nhiều. Thế nhưng, cách đây một thời gian, bà được đứa con vốn là niềm tự hào lâu nay thông báo một tin, nó đang mắc nợ người ta 300 trăm triệu đồng vì vay để đánh bạc. Bất ngờ về con, số tiền đó lại nằm ngoài khả năng trả nợ của gia đình nên khiến bà T rơi vào một trạng thái tâm lý hỗn độn: Vừa tức giận, vừa buồn phiền, vừa lo lắng... Từ đó, bà T trở nên căng thẳng, buồn rầu và ít nói. Thời gian nặng nề trôi và mọi người trong gia đình cũng chỉ nghĩ một cách rất đơn giản: Chắc do bà giận con trai nên bà làm thế. Và cũng chính cách nghĩ chủ quan đó của gia đình nên đã để bệnh tình của bà T ngày một nặng thêm mà không hay biết. Giờ đây, gần như bà T đã hoàn toàn mất đi trí nhớ. Bà cứ thế, hết ngồi nhìn sẩn chổ này rồi đến chổ khác, không còn để ý đến ai và dường như cũng quên đi sự hiện hữu của chính mình.

Mang câu chuyện này, tôi hỏi một bác sỹ chuyên khoa tâm thần.Vị bác sỹ này cho biết, trường hợp như bà T không có gì lạ, đó là một trong những nguyên nhân do stress mạnh gây nên trầm cảm. Và cũng theo thông tin từ vị bác sỹ này, hiện bệnh trầm cảm tồn tại không ít. Riêng khoa Tâm thần bệnh viện đa khoa tỉnh, mỗi tháng cũng có từ 5 đến 7 trường hợp nhập viện với các biểu hiện của căn bệnh này. Tuy nhiên, cũng có một thực tế khiến các bác sỹ tâm thần rất băn khoăn, đó là, nhận thức về sức khỏe tâm thần của người dân địa phương hiện còn rất hạn chế, bởi vậy, các bệnh nhân khi nhập viện thì hầu hết bệnh lý đã quá nặng.

Bệnh trầm cảm đang là một hiện tượng cần được quan tâm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), căn bệnh này cướp đi mỗi năm trung bình 850 ngàn mạng người và dự đoán đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh xếp hạng 2 trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu với 121 triệu người mắc bệnh. Tần suất nguy cơ mắc bệnh trầm cảm trong suốt cuộc đời là 15 - 25%; có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là 18-45 tuổi, phụ nữ nhiều gấp đôi nam giới. Riêng tỉnh ta, mặc dù đến nay chưa có một thống kê cụ thể nhưng theo nhận định của các nhà chuyên môn thì căn bệnh này hiện đang gia tăng. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh nhưng có thể xếp vào 3 nhóm chính: Trầm cảm nội sinh (còn gọi là trầm cảm chưa rõ nguyên nhân); trầm cảm do stress, chẳng hạn như khi mất việc làm, mâu thuẫn trong gia đình, con cái hư hỏng, bị trù dập ở nơi làm việc, làm ăn thua lỗ, bị phá sản hoặc có người thân chết đột ngột... và trầm cảm do các bệnh thực tổn (các rối loạn nội tiết, các rối loạn thần kinh...). Biểu hiện của bệnh trầm cảm có thể nhận biết như: Không chú ý đến diện mạo, áo quần lôi thôi, vệ sinh thân thể kém, cử chỉ chậm chạp hoặc nóng nảy, giọng nói trầm buồn, đơn điệu...; âu lo thường xuyên cùng với sự sợ hãi lan rộng không rõ nguyên do; rối loạn chức năng sinh dục; cảm giác do dự, không chắc chắn, tiêu chuẩn và đòi hỏi cao, yêu cầu cao với người khác và với chính mình; dễ bị tổn thương, khó thay đổi những thói quen cũ dù không còn phù hợp; luôn ở tình trạng mệt mỏi, ủ rủ và căng thẳng, rất dễ tức giận và nổi nóng, không có hứng thú làm bất cứ chuyện gì; luôn có ý nghĩ tiêu cực về bản thân, và người khác; cảm giác tuyệt vọng không còn lối thoát, không còn niềm tin vào bản thân và tương lai. Ngoài ra, còn có các biểu hiện thân thể khác đi kèm như kém ăn, mất cảm giác ngon miệng, mất ngủ, tăng hay giảm cân nặng bất thường; thường có cảm giác đau nhức nhiều vùng ở cơ thể, điển hình là cảm giác tức ngực, điều này khiến bệnh nhân thường tìm đến các bác sĩ đa khoa... Đối với những người bệnh nặng, còn gặp khó khăn hay không thể thực hiện được những việc bình thường như đi ra ngoài, đi chợ hay đi học, gặp gỡ bạn bè, thăm người thân, tiếp xúc với người khác, đặt biệt là với người khác giới. Điều cần lưu ý là các biểu hiện này cũng có thể gặp ở người khỏe mạnh, bình thường khi gặp chuyện sốc hay buồn bực. Vì vậy, cần phải phân biệt được đâu là tâm trạng nhất thời và khi nào thì đã mắc phải bệnh.

Điều đáng lo ngại nhất là đối với những người mắc bệnh trầm cảm thì nguy cơ tự sát rất cao. Theo nhiều thống kê thì trầm cảm là nguyên nhân của hơn 50% những trường hợp tự sát và tuy nam giới ít bị trầm cảm hơn nữ nhưng khi rơi vào trầm cảm, xu hướng tự sát lại cao hơn. Đồng thời, ý đồ tự sát nhiều hơn gấp 10 đến 12 lần so với hành vi tự sát. Đặc biệt, nguy cơ cao ở những bệnh nhân mà bản thân hoặc người cùng huyết thống từng tự sát, trầm cảm, nghiện rượu, những người sống cô lập với xã hội. Ngoài ra, trầm cảm sẽ gây ra nhiều di hại khác cho bệnh nhân, gia đình và xã hội như: người bệnh bị giảm khả năng học hoặc làm việc; dễ đau ốm, trở nên tự ti, mất cơ hội thăng tiến trong đời sống; tự hủy hoại sinh mạng hoặc một phần cơ thể; gây không khí căng thẳng, bất ổn trong gia đình...

Theo các chuyên gia về tâm thần học, bệnh trầm cảm có thể chữa khỏi nếu được điều trị đúng cách. Những triệu chứng của trầm cảm đôi khi tương tự như các bệnh thiếu máu và tiểu đường, tuy nhiên các xét nghiệm y khoa sẽ giúp định bệnh chính xác. Thông thường nếu bệnh nhẹ, sự thay đổi của môi trường sống có thể giúp người bệnh bình phục mà không cần đến dược liệu hoặc bất cứ phương cách điều trị nào khác. Nếu bệnh thuộc loại nặng và lâu năm, bệnh nhân cần được chữa trị bằng thuốc và các trị liệu tâm lý. Các loại thuốc được dùng có tác dụng tăng chất serotonin nhằm giúp dẫn truyền các tín hiệu thần kinh trong não bộ hoặc giúp ổn định tâm thần. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia tâm thần học, phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh. Để ngừa chứng trầm cảm, mỗi người cần giữ sức khoẻ về tinh thần, đồng thời cố gắng tránh bị ảnh hưởng bởi những tiêu cực; tạo ra những môi trường sống tốt và thuận lợi; bầu không khí an bình, trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Đặc biệt, với tuổi trẻ, cần được quan tâm, chăm sóc, tôn trọng và thương yêu.

Đọc thêm

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, danh mục thuốc đó còn nhiều bất cập, hạn chế, cho nên Bộ Y tế đang xây dựng quy định mới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của người tham gia BHYT.
“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.