Trung úy công an đam mê nghiên cứu khoa học

(Baohatinh.vn) - Bằng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, Trung úy Phạm Minh Hiếu - Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Tĩnh đã biến rác hữu cơ thành tài nguyên, giải quyết bài toán khó về xử ý ô nhiễm môi trường

Trung úy Phạm Minh Hiếu - cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Tĩnh.

Trung úy Phạm Minh Hiếu (SN 1998) tốt nghiệp Khoa Công nghệ thông tin của Trường Đại học Kỹ thuật – Hậu cần Công an Nhân dân (Bộ Công an) với tấm bằng loại giỏi, hiện là cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Công an Hà Tĩnh.

Đam mê lối sống xanh, Trung úy Phạm Minh Hiếu nhận thấy một thực trạng đáng lo ngại khi lượng rác hữu cơ sinh hoạt phát sinh hằng ngày rất lớn, chiếm tới hơn 60% tổng lượng rác thải, nhưng lại chưa được phân loại và xử lý phù hợp. Hầu hết bị chôn lấp hoặc đốt, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên.

“Là một chiến sĩ Công an nhân dân, bên cạnh việc ưu tiên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, tôi cũng mong muốn được đóng góp cho sự phát triển bền vững của cộng đồng. Với những gì mình đã học và trải nghiệm, tôi nghĩ có thể làm được điều gì đó để biến rác thành tài nguyên, biến vấn đề thành giải pháp”, Trung úy Hiếu chia sẻ.

Trung úy Phạm Minh Hiếu cùng dự án Hà Tĩnh Xanh đạt giải "Tiềm năng" tại Cuộc thi “Khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh năm 2024”

Nghĩ là làm, đầu năm 2023, Trung úy Phạm Minh Hiếu bắt đầu phát triển mô hình "Hà Tĩnh Xanh" - hướng đến việc biến rác hữu cơ thành tài nguyên từ men vi sinh, mang lại lợi ích thiết thực về môi trường, kinh tế và giáo dục cộng đồng.

Anh bắt đầu bằng cách tự học hỏi, nghiên cứu các phương pháp xử lý rác hữu cơ trên thế giới, đặc biệt là những phương pháp có thể áp dụng phù hợp với điều kiện đô thị ở Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng. Kết hợp với kiến thức chuyên môn về khoa học công nghệ, Minh Hiếu dành ra gần 1 năm để thử nghiệm các cách xử lý men vi sinh khác nhau.

“Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy phương pháp ủ kỵ khí Bokashi - công nghệ đơn giản, dễ áp dụng, không gây mùi hôi, phù hợp cả ở đô thị lẫn nông thôn. Tôi đã tự sản xuất men vi sinh, thiết kế thùng ủ từ vật dụng tái chế và xây dựng quy trình 2 giai đoạn giúp xử lý rác nhanh, tiết kiệm không gian và bảo quản phân bón tốt hơn. Kết quả khiến tôi rất bất ngờ khi khu vườn nhà trước kia cằn cỗi, khó trồng cây thì nay rau quả mọc xanh tốt, ăn không xuể” - Trung úy Hiếu chia sẻ.

Giải pháp biến rác hữu cơ thành tài nguyên từ men vi sinh của Trung úy Hiếu đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: giảm rác thải và mùi hôi; tạo ra phân hữu cơ, dung dịch vi sinh, thức ăn lên men cho vật nuôi; tiết kiệm chi phí cải tạo đất, nuôi trồng sạch; tăng ý thức phân loại rác và bảo vệ môi trường cho cộng đồng, đặc biệt là trong trường học…

Tự tin với hiệu quả thực tế, Minh Hiếu đã xây dựng thêm fanpage “Hà Tĩnh Xanh”, thiết kế logo, mẫu mã sản phẩm và đạt được giải “Tiềm năng” tại Cuộc thi “Khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh năm 2024”.

Giải pháp biến rác hữu cơ thành tài nguyên từ men vi sinh của Trung úy Phạm Minh Hiếu đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Trở về từ cuộc thi này, Trung úy Hiếu cũng bắt đầu giới thiệu sản phẩm, mở rộng ứng dụng trong cộng đồng. Rất mừng là nhiều hộ gia đình phản hồi tích cực, nhờ vậy, anh càng có động lực để tiếp tục đăng ký tham gia Cuộc thi “Sáng kiến Khoa học 2025” do Báo VnExpress tổ chức. Đến nay, dự án đã lọt vào vòng bình chọn toàn quốc.

“Thông qua dự án “Hà Tĩnh Xanh”, tôi mong muốn lan toả lối sống xanh – sạch – bền vững đến với cộng đồng, đặc biệt là ý thức phân loại và xử lý rác hữu cơ tại nguồn. Tôi tin rằng, nếu mỗi người thay đổi một chút trong thói quen sinh hoạt hằng ngày thì tổng thể xã hội sẽ thay đổi rất lớn. Giải pháp không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường mà còn biến rác thành tài nguyên, góp phần xây dựng một cộng đồng văn minh, tiết kiệm và thân thiện với thiên nhiên” - Trung úy Minh Hiếu chia sẻ

Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, Trung úy Phạm Minh Hiếu mong muốn phát triển “Hà Tĩnh Xanh” thành một cộng đồng kết nối những người quan tâm đến môi trường và xử lý rác thải hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Anh cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, tổ chức các buổi hướng dẫn thực hành, tập huấn tại trường học, thôn xóm để lan toả phương pháp xử lý rác Bokashi đến nhiều người hơn. Bên cạnh đó, anh cũng hướng tới việc xây dựng mô hình “Vườn xanh từ rác” tại các hộ dân, trường học và nhà vườn, góp phần tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.

Thông qua dự án “Hà Tĩnh Xanh”, Trung úy Phạm Minh Hiếu mong muốn lan toả lối sống xanh – sạch – bền vững đến với cộng đồng, đặc biệt là ý thức phân loại và xử lý rác hữu cơ tại nguồn.

Thượng tá Nguyễn Trường Diệu – Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Tĩnh cho biết: “Đồng chí Phạm Minh Hiếu là cán bộ có năng lực chuyên môn vững vàng, tư duy nhạy bén và luôn chủ động trong công việc. Trong quá trình công tác tại đơn vị, đồng chí đã thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Điều đáng ghi nhận là dù công việc chuyên môn vốn đã rất áp lực, đồng chí Hiếu vẫn chủ động nghiên cứu, thử nghiệm và lan tỏa mô hình "Hà Tĩnh Xanh" ra cộng đồng. Điều đó thể hiện rõ tinh thần sáng tạo, chủ động, không ngừng học hỏi và luôn hướng đến giá trị bền vững cho xã hội. Những mô hình này không chỉ giúp lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường mà còn góp phần xây dựng hình ảnh đẹp, gần gũi, trách nhiệm của người chiến sĩ công an trong lòng Nhân dân”.

Video: Trung úy Phạm Minh Hiếu hướng dẫn ủ rác hữu cơ bằng Bokashi.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói