Lan tỏa, phát huy giá trị di sản văn hóa của Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, nhiều di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Hà Tĩnh được xếp hạng đã tạo cơ sở để các địa phương, chủ sở hữu công trình phát huy giá trị di sản trong đời sống.

Đầu tháng 1/2025, con cháu dòng họ Lê và người dân huyện Đức Thọ vô cùng phấn khởi, khi nhà thờ danh nhân Lê Đắc Toàn tại xã Yên Hồ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích được các cấp chính quyền và dòng họ tổ chức trang trọng, thu hút hàng ngàn người dân tham gia hưởng ứng, lan tỏa mạnh mẽ niềm tự hào về một danh nhân quê hương có nhiều công lao với đất nước.

bqbht_br_a2.jpg
Nhà thờ Lê Đắc Toàn tại xã Yên Hồ (Đức Thọ).

Ông Lê Đắc Hòa - Trưởng ban Gia tộc Hội đồng họ Lê Đắc ở Yên Hồ (Đức Thọ ) bày tỏ: "Di tích nhà thờ Lê Đắc Toàn được xếp hạng cấp quốc gia là sự ghi nhận xứng đáng về một danh nhân có nhiều cống hiến cho đất nước. Việc di tích được xếp hạng là cơ sở để con cháu dòng họ cùng chính quyền địa phương nỗ lực hơn nữa trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản mà tiền nhân để lại".

Theo tư liệu lịch sử, Lê Đắc Toàn (1622 - 1673) lúc nhỏ có tên là Lê Vĩnh Đích, là con thứ 6 trong gia đình nghèo có 7 anh chị em. Thân sinh ông là cụ Lê Vĩnh Mệnh và bà Lương Thị Tặng ở xã Bình Hồ, huyện La Sơn nay là xã Yên Hồ (Đức Thọ). Ông nổi tiếng thông minh và hiếu học, lên 6-7 tuổi đã thông thạo chữ Hán. Năm Nhâm Thìn (1652), Lê Đắc Toàn thi đậu Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khi vừa tròn 31 tuổi. Sau khi đỗ đạt, ông ra làm quan, giữ đến chức vụ Đô ngự sử đài kiêm Đô ngự sử chức... Tên ông được khắc bia tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.

bqbht_br_a3.jpg
Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia Lê Đắc Toàn thu hút đông đảo người dân huyện Đức Thọ tham gia.

Lê Đắc Toàn được sử sách và Nhân dân truyền tụng là một người có tài năng vượt trội, ở cương vị nào ông cũng cố gắng đem hết sức lực phụng sự đất nước, sống đạo nghĩa hết lòng vì Nhân dân, tiếng tăm lừng lẫy, không những triều đình đương thời trọng vọng mà đến các đời sau cũng tôn thờ. Sau khi ông qua đời, vua và triều đình đã truy tặng cho ông chức Tả thị lang Bộ công và tôn lên làm phúc thần của làng. Về sau, được các vua đời nhà Nguyễn tấn phong từ Hạ đẳng thần lên Trung đẳng thần, giao cho Nhân dân xã Yên Hồ bốn mùa thờ phụng theo nghi thức quốc gia.

Nhà thờ Lê Đắc Toàn được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 3 (1850) hoàn toàn bằng gỗ mít, kiến trúc hình chữ đinh, gồm hai toà: thượng điện và hạ điện. Nơi đây hiện còn lưu giữ 11 bản sắc phong cổ (8 sắc thời Lê, 3 sắc thời Nguyễn) và một bài thơ bằng chữ Hán khắc gỗ, sơn son thếp vàng do Hoàng Giáp Hồ Ngọc Phong biên soạn.

bqbht_br_a1.jpg
Con cháu dòng họ Lê tự hào khi nhà thờ Lê Đắc Toàn được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Là một di tích nhiều giá trị lịch sử văn hóa nhưng nhiều năm trở về trước, do ảnh hưởng của thời gian và chiến tranh, nhà thờ Lê Đắc Toàn xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2010, sau khi được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh, con cháu dòng họ và Nhân dân địa phương đã cùng chung tay góp sức tôn tạo, trùng tu di tích; chỉ riêng từ năm 2017 - 2024, nguồn huy động tôn tạo di tích đã đạt hơn 1 tỷ đồng. Tháng 10/2024, nhà thờ Lê Đắc Toàn được Bộ VH-TT&DL quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Cùng với nhà thờ Lê Đắc Toàn, trong năm 2024, huyện Đức Thọ có thêm 3 di tích được xếp hạng cấp tỉnh nâng tổng số di tích được xếp hạng của địa phương là 85 di tích (16 di tích cấp quốc gia và 69 di tích cấp tỉnh).

Ông Nguyễn Thế Minh - Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đức Thọ cho biết: "Việc di tích được xếp hạng các cấp, bên cạnh tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý thì đây còn là cơ sở để tăng cường tuyên truyền quảng bá nhằm phát huy các giá trị của di tích trong đời sống Nhân dân. Đồng thời là cơ sở để kêu gọi nguồn xã hội hóa trùng tu, tôn tạo di tích ngày thêm khang trang. Chỉ tính riêng từ năm 2021 đến nay, huyện Đức Thọ đã vận động xã hội hóa 28,4 tỷ đồng trùng tu các di tích trên địa bàn".

a2510099bcab9954b126567b9799d377.jpg
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác cho tỉnh Hà Tĩnh tại Lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Đại danh y.

Dịp đầu Xuân Ất Tỵ 2025, lễ hội Hải Thượng Lãn Ông (huyện Hương Sơn) được tổ chức một cách long trọng, quy mô, bài bản, thu hút đông đảo người dân, du khách trong và ngoài tỉnh tham gia. Có được điều này là nhờ di tích Mộ và khu lưu niệm Đại danh y được Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt vào tháng 11/2024.

Ông Hồ Thái Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: "Di tích Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt có ý nghĩa rất lớn. Đây có thể gọi là tấm "căn cước" để Hương Sơn phát huy giá trị di tích và di sản Đại danh y Lê Hữu Trác trong phát triển du lịch địa phương. Trong đó, mục tiêu tương lai là phát triển lễ hội Hải Thượng Lãn Ông trở thành một sản phẩm hấp dẫn, đồng thời xây dựng khu di tích Lê Hữu Trác trở thành điểm đến thu hút du khách. Qua đó, góp phần lan tỏa hơn nữa các giá trị di sản Đại danh y để lại".

bqbht_br_a6.jpg
bqbht_br_a8.jpg
Khu di tích Đại danh y Lê Hữu Trác và lễ hội Hải Thượng Lãn Ông dịp đầu Xuân Ất Tỵ 2025.

Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh, năm 2024, toàn tỉnh có thêm 1 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, 6 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 14 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Đến nay, Hà Tĩnh đã có 680 di tích được xếp hạng (3 di tích quốc gia đặc biệt, 93 di tích cấp quốc gia, 584 di tích cấp tỉnh) và có khoảng trên 1.000 di tích có đủ điều kiện để xếp hạng, trong đó đã có 180 đơn đề nghị xếp hạng di tích gửi về Sở VH-TT&DL chờ được xét duyệt.

Ông Võ Đình Thi - Phó Trưởng phòng Quản lý Văn hóa (Sở VH-TT&DL) cho biết: "Theo kế hoạch, năm 2025 sẽ triển khai lập hồ sơ khoa học xếp hạng 15 - 20 di tích cấp tỉnh. Chúng tôi đang tiến hành soát xét đơn đề nghị, lý lịch các di tích của các địa phương, chủ sở hữu di tích gửi về. Các di tích đủ điều kiện sẽ được lập hồ sơ khoa học, tiến hành các bước đề nghị xếp hạng. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang hướng dẫn các địa phương rà soát các di tích trên địa bàn, đối chiếu với các tiêu chí, quy định của Nhà nước trong xếp hạng di tích, tiến hành các bước kê khai, làm đơn gửi về Sở VH-TT&DL để được xem xét, thẩm định xếp hạng trong thời gian tới".

bqbht_br_a2.jpg
Lăng mộ danh nhân Hà Công Trình (xã Tùng Lộc, Can Lộc) 1 trong di tích được xếp hạng cấp quốc gia năm 2024.

Hà Tĩnh là vùng đất "địa linh nhân kiệt", nổi tiếng với truyền thống cách mạng, hiếu học, khoa bảng, sống chung thủy, nghĩa tình. Gắn liền với các yếu tố đó là các di tích lịch sử văn hóa. Vì vậy, việc tăng cường xếp hạng di tích sẽ góp phần lan tỏa và phát huy hơn nữa giá trị di sản văn hóa cha ông trong đời sống. Qua đó, góp phần đưa văn hóa, con người Hà Tĩnh thành sức mạnh nội sinh trong công cuộc đổi mới và phát triển.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Người gieo "hạt giống" đoàn kết

Người gieo "hạt giống" đoàn kết

Ông Hồ Duy Lý - Bí thư Chi bộ thôn Song Hải, xã Thạch Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) luôn là tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm, tận tụy vì dân, sống trọn nghĩa đạo - đời.
Cô gái trẻ Hà Tĩnh 22 tuổi, 21 lần hiến máu

Cô gái trẻ Hà Tĩnh 22 tuổi, 21 lần hiến máu

Hơn 4 năm kể từ lần đầu tiên hiến máu, đến nay, ở độ tuổi 22, Hoàng Thị Hồng Thương (xã Đan Trường, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã có đến 21 lần tham gia hiến máu và hiến tiểu cầu.
Thuyết minh viên Đào Anh Tuân: Người “kết nối” lịch sử và hiện tại

Người “kết nối” lịch sử và hiện tại

Học Bác từ những điều bình dị, giản đơn để làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, hơn 20 năm nay, anh Đào Anh Tuân - Phó Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng (Hà Tĩnh) trở thành người “kết nối” lịch sử nơi “tọa độ lửa” Ngã ba Đồng Lộc.
Ông bí thư bán cả gia tài giúp làng quê đổi mới

Ông bí thư bán cả gia tài giúp làng quê đổi mới

Nhận trọng trách Bí thư Chi bộ thôn Tân Vĩnh Cần, xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), ông Mai Văn Tường gương mẫu đi đầu, "thắp lửa" cho phong trào xây dựng nông thôn mới bằng quyết tâm cao, nghị lực lớn và cả những hy sinh để biến một làng quê khó khăn thành điểm sáng.
Biến hàng rào thành điểm nhấn xanh: Xu hướng mới tại TP Hà Tĩnh

Biến hàng rào thành điểm nhấn xanh: Xu hướng mới tại TP Hà Tĩnh

Những hàng rào bằng tường gạch khô cứng hay thép gai sắc nhọn được thay thế bằng cây xanh kết hợp với bồn hoa. Đây là cách mà một số cơ quan, đơn vị, nhà văn hóa hay nhà dân trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh làm mới hàng rào, xanh hóa không gian, tạo cảnh quan thoáng đãng, sạch đẹp.
Lửa nguồn thắp sáng khát vọng vươn mình

Lửa nguồn thắp sáng khát vọng vươn mình

Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lòng biết ơn tiền nhân... chính là mạch nguồn bền bỉ, kiến tạo và nuôi dưỡng sức mạnh dân tộc, đưa đất nước Việt Nam không ngừng đi tới.
Du lịch Hà Tĩnh bùng nổ dịp nghỉ lễ

Du lịch Hà Tĩnh bùng nổ dịp nghỉ lễ

Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày vừa khép lại, lượng du khách đến tham quan, lưu trú trong dịp nghỉ lễ cho thấy tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm ngoái.
"Ký ức Điện Biên Phủ sống mãi trong tôi"

"Ký ức Điện Biên Phủ sống mãi trong tôi"

Đã 71 năm trôi qua nhưng ký ức về những ngày cùng đồng đội chiến đấu anh dũng trên chiến trường Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí người cựu binh Nguyễn Xuân Vinh ở xã Xuân Hồng (Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Infographic: Lộ trình sáp nhập tỉnh thành, tinh giảm xã

Hà Tĩnh trong cảm nhận của con em xa quê

Lễ, tết là dịp nghỉ ngơi, du lịch với nhiều người, nhưng với người con Hà Tĩnh, đó còn là cơ hội trở về quê hương, gắn kết gia đình và cảm nhận những đổi thay nơi chôn nhau cắt rốn.
Hạnh phúc, tự hào và thương nhớ khôn nguôi

Hạnh phúc, tự hào và thương nhớ khôn nguôi

Sự kiện lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã đi qua trọn vẹn nửa thế kỷ nhưng trong tâm cảm của hàng chục triệu người dân Việt Nam và những người con Hà Tĩnh, vẫn vẹn nguyên niềm hạnh phúc, tự hào và nỗi nhớ thương đồng đội, người thân không trở về.