Võ Quận công Nguyễn Phi Sài và những di sản để lại

(Baohatinh.vn) - Nguyễn Phi Sài là một nhân vật lịch sử có nhiều công lao, đóng góp dưới thời Lê Trung Hưng và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều, ngoài trấn. Hiện nay, dòng họ Nguyễn Phi ở xã Thạch Long (Thạch Hà, Hà Tĩnh) vẫn còn lưu giữ nhiều di sản quý mà ông để lại.

Nguyễn Phi Sài sinh năm Mậu Ngọ, niên hiệu Chính Trị thứ 2, đời Lê Anh Tông (1558), quê ở xã Đan Chế, nay thuộc xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước nhiều biến động. Lúc này, chúa Trịnh bắt đầu nắm vị thế trong triều đình, vua Lê dần bất lực. Nhờ xuất thân trong một gia đình có truyền thống vừa văn học vừa võ học nên khi tham gia quân đội, Nguyễn Phi Sài sớm được chú ý. Từ một người lính nhưng nhờ có lòng dũng cảm và tài thao lược, Nguyễn Phi Sài dần được bổ dụng nhiều chức vụ quan trọng, trở thành võ tướng được chúa Trịnh tin tưởng, giao nhiều trọng trách, lần lượt được thăng thưởng qua các chức tước: Võ Lộc hầu, Trung quân đô đốc phủ, Hữu đô đốc, Thiếu bảo, Võ Quận công…

bqbht_br_nha-tho-ngphi-sai.jpg
Nhà thờ Võ Quận công Nguyễn Phi Sài.

Là một võ tướng, đồng thời là con rể của Tiết chế Trịnh Tùng nên Nguyễn Phi Sài thường xuyên sát cánh bên cạnh Trịnh Tùng. Điển hình như vào tháng 1 năm Quý Tỵ (1593), nhà vua cho đại quân ra đạo Hải Dương, khi đến địa phương Cẩm Giàng, sai Võ Quận công đem quân theo quan thống lĩnh Nguyễn Hữu Liêu đi trước, đến huyện Thanh Lâm, vượt qua sông vào trước vây đồn Mạc Kính, giao chiến với giặc từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều, bắt được chúa Mạc Vương Yên Kính Thành và các tướng nhà Mạc: Trần Việt, Bùi Chỉ, Nguyễn Nhân Triêm.

Về sự kiện này, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Quý Tỵ (Quang Hưng) năm thứ 16 (1593). Tháng Giêng, ngày mùng 9, Tiết chế Trịnh Tùng đốc suất đại quân qua sông Nhị sang phía Đông, ngày đêm đi gấp, thẳng lối Thanh Lâm mà tiến. Ngày 12, đóng dinh ở Cẩm Giàng, đại hội các tướng bàn chia quân tiến theo cả hai đường thủy bộ, vượt sông, đánh gấp… Dương Quận công Nguyễn Hữu Liêu thống lĩnh tướng sĩ các dinh cơ thủ bộ tiến đến huyện Thanh Lâm… Nguyễn Hữu Liêu đem thủy quân vây kín bốn mặt, đón chặn lối chạy… Kính Chỉ và họ hàng trai gái đều trốn vào núi rừng. Quan quân đuổi đến các huyện Đông Triều, Chí Linh, dò bắt được bọn An Sơn Vương Mạc Kính Thành, Hoàng Lương công Mạc Lý Hữu, Quận công Trần Việt, Bùi Chỉ, Tán lý Nguyễn Nhân Triêm…”(1).

Đến năm 1597, khi thổ quan Nguyễn Khắc Khoan làm phản, Nguyễn Phi Sài lại được giao trấn dẹp. Gia phả dòng họ thuật lại: “Tháng 2 năm Đinh Dậu (1597) có tên thổ quan Quận công Nguyễn Khắc Khoan bị giáng chức cùng con trai là Khắc Đạo, Khắc Diệu, Khắc Châu… âm mưu chống cấp trên, tụ tập trên 70 côn đồ đêm thường gây trộm cướp, đốt phá vườn tược, nhà cửa, doanh trại, cướp bóc chợ búa, do Võ Quận công vâng lệnh trên bí mật trinh sát. Sau đem quân vây bốn phía, rồi đột nhập, bắt sống được chính thần Nguyễn Khắc Khoan, 3 con trai của Khoan và đồ đệ ngoại 30 người, thu được ấn gỗ, 4 ngựa và các loại khí giới đạn dược chôn dưới đất, đem về nạp phủ môn… Sau chiến công này, Võ Quận công Nguyễn Phi Sài được thưởng 2 nén vàng, 100 nén bạc…”.

bqbht_br_nha-sac-nguyen-phi-sai.jpg
Nhà sắc Nguyễn Phi Sài.

Qua một số sự kiện trên có thể thấy rằng, Nguyễn Phi Sài là một nhân vật lịch sử đã tham gia vào nhiều sự kiện của đất nước ta dưới thời Lê - Trịnh. Ông là người xông pha trận mạc, trực tiếp có mặt ở nhiều “điểm nóng” lúc bấy giờ. Những thành tích, chiến công của Võ Quận công Nguyễn Phi Sài cùng với các quần thần trung nghĩa đã góp phần quan trọng nhằm lập lại trật tự đất nước, ổn định triều chính, đem đến bình yên cho cuộc sống của người dân.

Võ Quận công Nguyễn Phi Sài mất ngày 18/3 năm Giáp Tuất (1634). Sau khi mất, ông được truy tặng Thiếu bảo, Trung đẳng phúc thần. Vì có công lớn nên sau khi mất, Võ Quận công Nguyễn Phi Sài đã được triều Lê Trung hưng liệt vào hàng ngũ danh thần tiết nghĩa, thăng Thiếu bảo, ban cấp 30 mẫu ruộng, cho lập đền thờ tại quê nhà, giao cho dân xã Đan Chế thờ tự và trông coi phần mộ. Các vua triều Hậu Lê đã nhiều lần ban sắc phong.

Hiện nay, dòng họ Nguyễn Phi ở xã Thạch Long còn lưu giữ được một số sắc phong của các triều đại quân chủ rất có giá trị, điển hình như sắc phong năm Vĩnh Tộ thứ 3 (1621), sắc phong năm Cảnh Trị thứ 8 (1670), sắc phong năm Thành Thái thứ 6 (1894) và thứ 10 (1898), sắc phong năm Duy Tân thứ 3 (1909)... Trong số các sắc phong kể trên thì sắc phong năm Vĩnh Tộ thứ 3 (1621) được coi là một trong những sắc phong vào loại cổ nhất của tỉnh ta hiện nay.

Dưới triều Nguyễn, vua Thành Thái đã phong Võ Quận công Nguyễn Phi Sài là “Đoan túc dực bảo trung hưng chi thần”, đồng thời giao cho dân địa phương thờ tại đền Cả, hay còn gọi là đền Đế Thích của bản xã: “Đền lớn nhất là đền Cả, cũng gọi là đền Đế Thích, còn gọi là Miệu Voi, vì trước cửa đền có 2 con voi đá quỳ chầu vào. Lại còn hai ông phỗng canh cửa. Đền có 3 tòa. Tòa chính giữa thờ Ngũ Phương, Ngũ Đế, Thượng Đẳng thiên thần. Tòa bên phải thờ Võ Quận công Nguyễn Phi Sài. Tòa bên trái thờ Mai hầu tướng công…”(2).

bqbht_br_sac-phong-nam-thanh-thai-thu-6-1894.jpg
Sắc phong năm Thành Thái thứ 6 (1894)

Tại di tích mộ và nhà thờ Nguyễn Phi Sài hiện còn bảo lưu được 1 nhà sắc cổ, được làm bằng gỗ trai có niên đại xây dựng trên 300 năm. Đây là minh chứng cho ý thức giữ gìn, bảo tồn di sản của hậu duệ danh nhân Nguyễn Phi Sài, đồng thời cũng là minh chứng cho sự tiếp biến, trao truyền văn hóa của người Việt qua nhiều thế hệ. Trên địa bàn huyện Thạch Hà, nhà sắc này là hiện vật rất độc đáo, thuộc vào loại hiếm có.

Với những công lao, đóng góp cho đất nước, ngày 23/1/2007, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định số 238/QĐ-UBND xếp hạng mộ và nhà thờ Nguyễn Phi Sài là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; ngày 20/11/2024, Bộ VH-TT&DL có Quyết định số 3552/QĐ-BVHTTDL xếp hạng mộ và nhà thờ Nguyễn Phi Sài là di tích lịch sử quốc gia.

Tài liệu tham khảo:

(1). Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, Tập 3, tr.185.

(2) Thái Kim Đỉnh (chủ biên), Làng cổ Hà Tĩnh, Tập 1, Sở Văn hóa - Thông tin, Hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh, 2007, tr.394.

Chủ đề Danh nhân Hà Tĩnh

Đọc thêm

Du lịch Hà Tĩnh bùng nổ dịp nghỉ lễ

Du lịch Hà Tĩnh bùng nổ dịp nghỉ lễ

Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày vừa khép lại, lượng du khách đến tham quan, lưu trú trong dịp nghỉ lễ cho thấy tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm ngoái.
"Ký ức Điện Biên Phủ sống mãi trong tôi"

"Ký ức Điện Biên Phủ sống mãi trong tôi"

Đã 71 năm trôi qua nhưng ký ức về những ngày cùng đồng đội chiến đấu anh dũng trên chiến trường Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí người cựu binh Nguyễn Xuân Vinh ở xã Xuân Hồng (Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Infographic: Lộ trình sáp nhập tỉnh thành, tinh giảm xã

Hà Tĩnh trong cảm nhận của con em xa quê

Lễ, tết là dịp nghỉ ngơi, du lịch với nhiều người, nhưng với người con Hà Tĩnh, đó còn là cơ hội trở về quê hương, gắn kết gia đình và cảm nhận những đổi thay nơi chôn nhau cắt rốn.
Hạnh phúc, tự hào và thương nhớ khôn nguôi

Hạnh phúc, tự hào và thương nhớ khôn nguôi

Sự kiện lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã đi qua trọn vẹn nửa thế kỷ nhưng trong tâm cảm của hàng chục triệu người dân Việt Nam và những người con Hà Tĩnh, vẫn vẹn nguyên niềm hạnh phúc, tự hào và nỗi nhớ thương đồng đội, người thân không trở về.
Những con đường huyền thoại tiếp nối tương lai

Những con đường huyền thoại tiếp nối tương lai

Trong kháng chiến chống Mỹ, Hà Tĩnh là điểm trọng yếu trên tuyến chi viện miền Nam, hứng chịu hàng vạn tấn bom đạn. Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa, những con đường huyền thoại năm xưa vẫn tràn đầy sức sống, góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh nhà.
Xanh lại những "tọa độ lửa" ở Hà Tĩnh

Xanh lại những "tọa độ lửa" ở Hà Tĩnh

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những tọa độ lửa như núi Nài, Ngã ba Đồng Lộc, Làng K130… của Hà Tĩnh đã cùng quân dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân 1975.
 Thạch Hà - vùng đất giàu truyền thống văn hóa và khoa bảng

Thạch Hà - vùng đất giàu truyền thống văn hóa và khoa bảng

Với lịch sử 1020 năm phát triển, các thế hệ người dân Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã chinh phục thiên nhiên, chung lưng đấu cật, gắn bó đoàn kết, xây dựng mảnh đất này ngày càng phát triển, trở thành vùng quê giàu bản sắc văn hóa, có nhiều người đỗ đạt khoa bảng.
Người miệt mài tìm “cái đẹp” của văn chương

Người miệt mài tìm “cái đẹp” của văn chương

Với nhiều tâm huyết, nhà nghiên cứu Hà Quảng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam duy nhất ở Hà Tĩnh đạt nhiều giải thưởng lớn cấp tỉnh và cấp Trung ương về lĩnh vực lý luận, phê bình văn học.
Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động Sài Gòn quê Hà Tĩnh là ai?

Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động Sài Gòn quê Hà Tĩnh là ai?

Đại tá Tư Chu - Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động quân khu Sài Gòn - Gia Định là một người con của quê hương Hà Tĩnh. Ông là người kiến tạo các cách đánh “xuất quỷ nhập thần”, là cái tên đứng đằng sau nhiều chiến công huyền thoại của biệt động Sài Gòn.
Trung úy công an đam mê nghiên cứu khoa học

Trung úy công an đam mê nghiên cứu khoa học

Bằng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, Trung úy Phạm Minh Hiếu - Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Tĩnh đã biến rác hữu cơ thành tài nguyên, giải quyết bài toán khó về xử ý ô nhiễm môi trường